Truyền thống từ vài năm nay, cổ đông đến dự đại hội của MB thường nhận được một phong bì tiền mặt giá trị 500.000 đồng, được gọi là “tiền ăn trưa”. Với khoảng 2.200 cổ đông tham dự, ước tính ngân hàng chi ra 1,1 tỷ đồng tặng cổ đông đi dự đại hội.
MB có lẽ là đơn vị có số cổ đông đi dự lớn nhất trong số các doanh nghiệp tại Việt Nam. Tuần trước đó, Hòa Phát, doanh nghiệp sở hữu mã cổ phiếu quốc dân HPG với hơn 169.000 cổ đông, cũng chỉ có hơn 300 cổ đông đi dự họp.
Tại phiên thảo luận, theo nguồn tin của Dân Trí, một cổ đông thắc mắc về dư nợ của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) tại MB. Chủ tịch HĐQT Lưu Trung Thái khẳng định ngân hàng không có khoản dư nợ nào cho SCB vay.
Đối với câu hỏi về dư nợ của Novaland tại MB, ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc MB, cho biết con số không nhiều, tuy nhiên không thể tiết lộ cụ thể được do phải giữ bí mật thông tin khách hàng. Đồng thời, ông Ánh khẳng định tin đồn ngân hàng cam kết giải ngân 10.000 tỷ đồng cho Novaland là thất thiệt.
Trong khi đó, đối với dư nợ cho Tập đoàn Trung Nam vay, CEO Phạm Như Ánh thừa nhận doanh nghiệp có đang gặp khó khăn do EVN chậm thanh toán. Điều này có tác động nhưng không ảnh hưởng lớn đến hoạt động liên tục của MB khi ngân hàng đã thẩm định rất kỹ lưỡng các dự án điện mặt trời của doanh nghiệp.
Chủ tịch HĐQT Lưu Trung Thái cho biết năm 2024, MB dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 20%, gồm 5% tiền mặt. Ban lãnh đạo ngân hàng muốn tăng vốn điều lệ thêm hơn 8.579 tỷ đồng.
Ngân hàng sẽ dự kiến bầu cử HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2024-2029. Theo đó, số lượng thành viên trong HĐQT là 11 người, với 1 thành viên độc lập. Số lượng thành viên của Ban Kiểm soát là 5 người.
Chia sẻ về mục tiêu kinh doanh năm 2024, lãnh đạo MB cho biết ngân hàng tiếp tục bám sát phương châm “Tăng tốc số - Hấp dẫn khách hàng – Hiệp lực tập đoàn – An toàn bền vững”, củng cố chất lượng các mặt hoạt động, nguồn lực nền tảng cho dài hạn, cùng mục tiêu top 3 các chỉ số về hiệu quả và an toàn. Cùng với đó, MB đặt mục tiêu chinh phục 30 triệu khách hàng trước thềm kỷ niệm 30 năm ngày thành lập (04/11/1994 – 04/11/2024).
Về chỉ tiêu tổng tài sản, ngân hàng đặt mục tiêu tăng 13%, tức đạt gần 1,068 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2024, trở thành ngân hàng tiếp theo vượt qua cột mốc 1 triệu tỷ sau nhóm Big 4. Bên cạnh đó, MB phấn đấu đạt tối thiểu 30% doanh thu từ kênh số, hướng đến 50% doanh thu trên kênh số vào năm 2026. Đồng thời, nhà băng sẽ tích hợp ESG trong triển khai các mục tiêu dài hạn của tập đoàn, hướng tới phát triển bền vững theo chiến lược.
Trong năm 2024, Ban lãnh đạo MB dự kiến tăng vốn điều lệ thêm hơn 8.579 tỷ đồng. Theo đó, ngoài việc tăng vốn thêm 7.959 tỷ đồng thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu, MB tiếp tục kế hoạch phát hành riêng lẻ thêm 62 triệu cổ phiếu, tương đương mức tăng vốn điều lệ là 620 tỷ đồng. Thời gian thực hiện là từ năm 2024 đến quý II/2025. Trước đó, MB đã hoàn tất phát hành riêng lẻ 73 triệu cổ phiếu cho hai cổ đông là SCIC và Viettel. Sau khi hoàn thành hai kế hoạch tăng vốn trên, vốn điều lệ của MB dự kiến sẽ tăng lên 61.643 tỷ đồng.