Nỗi lo thiếu điện ở Việt Nam: Đừng để “nước đến chân mới nhảy”

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc nhở Bộ Công Thương, EVN, các đơn vị cung ứng điện, cần phải rút kinh nghiệm bài học năm ngoái để đảm bảo đủ điện cho dân, doanh nghiệp.
Sputnik
Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị cả phương án chủ động trong tình huống xấu nhất, đặc biệt phải đôn đốc, kiểm tra, không để tình trạng “nước đến chân mới nhảy”.

Bộ Công Thương đã điều chỉnh kế hoạch

Sáng nay (20/4), Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về bảo đảm cung ứng điện trong mùa cao điểm nắng nóng sắp tới cũng như cả năm 2024.
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ Công Thương cho biết, quý I/2024, sản lượng điện luỹ kế đạt 69,34 tỷ KW giờ, tăng 11,77% so cùng kỳ năm 2023; sản lượng điện bình quân ngày đạt 762 triệu KW giờ, tăng 10,4% so cùng kỳ năm 2023
Trong bối cảnh diễn biến thủy văn 3 tháng đầu năm không thuận lợi, để thực hiện mục tiêu tiết kiệm tối đa nước hồ thủy điện, các nguồn nhiệt điện, đặc biệt là nhiệt điện than đã được huy động cao để đáp ứng nhu cầu phụ tải.
Bộ Công Thương cũng cho hay, đã tăng cường truyền tải điện từ miền nam, miền trung ra miền bắc. Mặc dù nhu cầu điện tăng cao hơn so với dự báo, tuy nhiên, hệ thống điện quốc gia đã đáp ứng nhu cầu sử dụng điện thực tế 3 tháng đầu năm, đặc biệt là các dịp nghỉ Tết Dương lịch và Nguyên đán Giáp Thìn.
Tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng thiếu điện
Bộ Công Thương cũng đã tổ chức họp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị có liên quan để xây dựng kế hoạch cung ứng điện cho năm 2024 và đã ban hành các Quyết định phê duyệt Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2024 (Quyết định 3110/QĐ-BCT ngày 30/11/2023), phê duyệt biểu đồ cấp than cho phát điện (Quyết định 3111/QĐ-BCT), phê duyệt Kế hoạch cấp khí cho phát điện (Quyết định 3112/QĐ-BCT ngày 30/11/2023).
Đặc biệt, Bộ Công Thương đã phê duyệt riêng Kế hoạch cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô (tháng 4, 5, 6, 7) năm 2024 (Quyết định 3376/QĐ- BCT ngày 29/12/2023).
Việc đốc thúc tiến độ công trình đường dây 500kV Quảng Trạch – Phố Nối, định kỳ 2 tuần, Bộ Công Thương họp giao ban để rà soát tiến độ nhằm đảm bảo đường dây hoàn thành đúng tiến độ tháng 6/2024 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Nêu về phương án cung ứng điện giai đoạn cao điểm năm 2024, Bộ Công Thương lưu ý, do tăng trưởng kinh tế phục hồi (GDP quý I tăng 5,66% so với cùng kỳ, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023), dẫn đến tăng trưởng nhu cầu phụ tải điện cao hơn so với các kế hoạch được duyệt.
Theo rà soát của các đoàn công tác đi kiểm tra tình hình cung ứng điện và căn cứ báo cáo thực tế của EVN, ngày 3/4, Bộ Công Thương đã tổ chức họp rà soát với các đơn vị về kế hoạch cung ứng điện cao điểm mùa khô và phê duyệt điều chỉnh Kế hoạch cung ứng điện tháng cao điểm mùa khô, cũng như cả năm 2024 (Quyết định số 924/QĐ- BCT), cũng như cho các tháng còn lại của năm 2024, đảm bảo bám sát tình hình thực tế.
So với Kế hoạch cũ, Kế hoạch cung cấp điện được điều chỉnh tăng trưởng phụ tải điện như sau: 10,4% - đối với Phương án để điều hành cho cả năm 2024 (cao hơn 1,25% so với Kế hoạch năm đã duyệt) và 11,4% - đối với Phương án để điều hành dự phòng trong các tháng cao điểm mùa khô năm 2024 (cao hơn 1,25% so với Kế hoạch cao điểm mùa khô đã duyệt).
Thủ tướng chủ trì họp Thường trực Chính phủ về đảm bảo cung ứng điện năm 2024
Về cân đối sản lượng điện: Tổng lượng nước hiện có trong các hồ thủy điện tại thời điểm báo cáo quy đổi ra sản lượng điện là khoảng 11,3 tỷ KW giờ. Việc cung ứng nhiên liệu cho sản xuất điện, đặc biệt là nhiên liệu than đã được các đơn vị thực hiện tốt. Hệ thống điện quốc gia về cơ bản sẽ đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của nhân dân trong hầu hết thời gian trong năm.
Tuy nhiên, hiện thủy điện chiếm hơn 32%, việc cung-cầu nội miền của khu vực miền Bắc nhiều thời điểm sẽ xuất hiện tình trạng mất cân đối trong trường hợp tình hình thủy văn bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhất là khi các tổ máy nhiệt điện than có sự cố. Do đó, việc bổ sung sớm nguồn điện mới, đặc biệt là các nguồn điện chạy nền cho miền Bắc là hết sức cần thiết…

Không để nước đến chân mới nhảy

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tình hình sản xuất, kinh doanh đang trên đà phục hồi nên nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao, chưa kể thời tiết đang chuẩn bị bước vào cao điểm nắng nóng. Do đó, tình hình dự báo cung ứng điện sẽ khó khăn hơn.
“Tuy nhiên, chúng ta cũng đã chuẩn bị tốt hơn ngay từ cuối năm 2023. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực này đã liên tục có nhiều chỉ đạo. Vì vậy, chúng ta cần phải luôn chủ động vấn đề nguồn, lưới để bảo đảm bất kỳ tình huống nào cũng phải đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng”, - người đứng đầu Chính phủ cho hay.
Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, việc quan tâm, chỉ đạo thôi là chưa đủ mà phải tăng cường rà soát, kiểm tra, đôn đốc, không để tình trạng “nước đến chân mới nhảy”.
Nhắc lại bài học thiếu điện cục bộ mùa khô năm ngoái, Thủ tướng chỉ rõ, thực tế chúng ta có chuẩn bị nhưng không đôn đốc, đi sâu đi sát kiểm tra, lúc cần điện thì nhiều nhà máy lại bảo dưỡng.
Thêm nữa, khâu điều hành không tốt, lúc thời tiết đang thuận lợi thì lại sử dụng gần hết nguồn nước cho thuỷ điện.
Việt Nam nói năm nay không thiếu điện
“Thực chất thì tổng nguồn thì không thiếu, nhưng thiếu điện do khâu điều hành, việc tính toán không khoa học, quan liêu...”, - Thủ tướng thẳng thắn.
Do đó, kinh nghiệm năm nay là tập trung công tác điều hành; cùng với đó củng cố năng lực truyền tải điện vì nhu cầu điện ngày càng cao.
“Mục tiêu đặt ra là không được để thiếu điện, nhất là vì lý do chủ quan là điều hành”, - người đứng đầu Chính phủ khẳng định.
Ông yêu cầu phải rút kinh nghiệm bài học năm ngoái để bảo đảm cung ứng đủ điện, không để người dân và doanh nghiệp phải lo lắng về điện.

Giá điện phải cạnh tranh

Về nguồn điện phải đảm bảo cung cho tất cả các vùng miền, lưu ý các tháng cao điểm sử dụng điện ở miền Bắc là tháng 5,6,7.
Trong đó, vận hành hiệu quả, khai thác, huy động hết công suất của các Nhà máy điện; rà soát, đa dạng hóa các nguồn điện có thể huy động; thúc đẩy các dự án nguồn điện lớn; tập trung cho phương án xấu nhất.
Thủ tướng nhấn mạnh, cácnhà máy nhiệt điện than phải sử dụng tối đa nguyên liệu trong nước vừa giúp chủ động nguồn, tăng cường sản xuất trong nước, vừa chống tiêu cực, chống chảy máu ngoại tệ.
Việt Nam sẽ phủ sóng 5G toàn quốc, EVN cam kết không để thiếu điện
Các doanh nghiệp than phải đẩy mạnh, khai thác tối đa công suất; các nhà máy thủy điện phải vận hành hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm nước để vừa phục vụ tưới tiêu, vừa phục vụ phát điện.
“Các Tập đoàn, Tổng công ty cung cấp nguyên, nhiên liệu cho sản xuất điện phải chuẩn bị đầy đủ khí, dầu, than sẵn sàng cung cấp cho sản xuất điện”, - Thủ tướng nói.
Về các vấn đề pháp lý, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan soạn thảo các nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp, điện tự sản tự tiêu, cơ chế mua bán điện khí, điện áp mái, điện sinh khối, điện rác… sớm trình Chính phủ xem xét. Trong đó, trình Chính phủ dự thảo Nghị định về mua bán điện trực tiếp tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 để xem xét.
Về giá điện, Thủ tướng lưu ý phải cạnh tranh, nhưng có sự điều hành của Nhà nước. Ông yêu cầu các Bộ, ngành phối hợp triển khai theo lộ trình phù hợp, tránh giật cục. Trong đó lưu ý tiết kiệm đầu vào, giảm chi phí hành chính trong sản xuất, kinh doanh điện để giảm giá thành điện.
Nhà máy phong điện 2 tỷ USD của Lào có giúp Việt Nam thoát khỏi nguy cơ thiếu điện?
Lãnh đạo Chính phủ cũng nhắc nhở các đơn vị phải rà soát lại các số liệu cẩn thận, phải có các phương án ứng phó, nhất là chuẩn bị cả phương án chủ động trong tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
“Nguyên tắc cao nhất là phải phát huy tinh thần trách nhiệm, không được để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân”, - Thủ tướng quán triệt.
Thảo luận