Trong nước, Việt Nam cũng đặt mục tiêu đào tạo chuyên sâu 1.300 giảng viên ngành bán dẫn, trong nỗ lực phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Phát biểu sáng nay, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý, đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn có tầm quan trọng lớn, nhưng cần cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ vướng mắc.
Mục tiêu đào tạo chuyên sâu 1.300 giảng viên ngành bán dẫn
Sáng 22/4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì buổi làm việc về Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045".
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý, cần xác định chiến lược xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam để đặt hàng nhiệm vụ đào tạo nhân lực, dự báo chính xác thị trường.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông, thị trường chip bán dẫn thế giới đạt tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 14%/năm liên tục trong 20 năm qua, dự kiến đạt doanh thu 1.000 tỷ USD vào năm 2030.
Từ nay đến năm 2030, thế giới ước tính sẽ cần khoảng 1 triệu lao động cho tất cả các khâu trong lĩnh vực chip bán dẫn, bao gồm thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói, kiểm thử chip.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp bán dẫn lớn đang tìm cách nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tận dụng nguồn nhân lực trẻ, có trình độ tại các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
Theo Bộ KH&ĐT, đến năm 2030, Việt Nam ước tính cần khoảng 15.000 kỹ sư thiết kế, 35.000 kỹ sư làm việc trong các nhà máy sản xuất chip bán dẫn; qua đó tạo ra 154.000 việc làm gián tiếp, đóng góp 360.000 tỷ đồng vào GDP.
Đề án đặt mục tiêu đào tạo chuyên sâu 1.300 giảng viên; mở rộng mạng lưới đào tạo, hỗ trợ đào tạo trong ngành công nghiệp bán dẫn và các ngành liên quan lên khoảng 200 cơ sở; đầu tư 4 trung tâm bán dẫn dùng chung, 20 trung tâm đào tạo bán dẫn tiêu chuẩn…
2 khâu Việt Nam có lợi thế
Từ kinh nghiệm triển khai đào tạo vi mạch, bán dẫn, GS.TS Vũ Hải Quân – Giám đốc Đại học quốc gia TPHCM – nhận định muốn phát triển nhanh phải có cơ chế đột phá về đào tạo giảng viên, dùng chung cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và các phòng thí nghiệm liên quan, thu hút chuyên gia nước ngoài…
Còn theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, với điều kiện hiện nay, thì thiết kế và đóng gói, kiểm thử chip là 2 khâu trong ngành công nghiệp bán dẫn mà Việt Nam có lợi thế. Các trường đang rất cần dự báo chính xác về nhu cầu nhân lực ngành vi mạch bán dẫn để xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo hữu hiệu.
Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, cần phải xây dựng cơ chế chính sách một cách rất nhanh chóng, sẵn sàng nguồn lực để khi Đề án được phê duyệt thì có thể triển khai được ngay.
Nói về "bẫy" đào tạo nhân lực thực hành, gia công ngành vi mạch bán dẫn, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái đề nghị cần đầu tư mạnh cho nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ.
Bên cạnh đó, ông Thái cũng kiến nghị cần nghiên cứu ban hành các chính sách ưu tiên cụ thể cho các bên tham gia "hệ sinh thái" đào tạo nhân lực công nghiệp bán dẫn (cơ sở đào tạo, nhà khoa học, doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước).
"Bộ KH&CN sẽ tập trung ưu tiên triển khai một số chương trình KH&CN quốc gia để phục vụ cho ngành công nghiệp bán dẫn", lãnh đạo Bộ cho biết tại cuộc họp.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã gợi mở cần kết hợp giữa chương trình đào tạo chuyển đổi, cung cấp kiến thức cơ bản về ngành vi mạch, bán dẫn cũng như chương trình đào tạo chuyên sâu, nhân tài.
Theo đó, cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng về đội ngũ giảng viên, đồng thời xây dựng chương trình, giáo trình, phương thức giảng dạy đào tạo nguồn nhân lực.
"Đề án cần đưa ra những gói cơ chế, chính sách đột phá đặc thù để tháo gỡ vướng mắc về giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu tư công, nghiên cứu và phát triển…", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu.
Ông Hà nhấn mạnh, Nhà nước cần giữ vai trò chủ đạo, cùng với sự tham gia của doanh nghiệp, trong việc hình thành và bảo đảm các điều kiện cho hoạt động đào tạo nhân lực ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng lưu ý đến cơ chế đặt hàng để thiết lập, xây dựng nên các nhóm nghiên cứu mạnh, chuyên gia về thiết kế vi mạch bán dẫn, vật liệu, công nghệ thông tin.
“Đề án cần có tư duy xuyên suốt, thống nhất theo chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch, bán dẫn, đưa ra sản phẩm, dự án cụ thể về tiến độ, đơn vị chịu trách nhiệm, không để chồng chéo, dàn trải”, ông Hà nhấn mạnh.
Lãnh đạo NVIDIA làm gì ở Việt Nam?
Trong một diễn biến đáng chú ý, sáng ngày 22/4/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã gỡ ông Keith Strier, Phó chủ tịch Tập đoàn NVIDIA (Hoa Kỳ).
Như vậy, sau Chủ tịch, kiêm CEO Jensen Huang, đến lượt Phó chủ tịch Tập đoàn NVIDIA thăm Việt Nam.
Xuất hiện tín hiệu mới về việc đầu tư của NVIDIA tại Việt Nam. Theo báo Đầu tư, từ ngày 22 đến 26/4, phái đoàn của Tập đoàn NVIDIA (Hoa Kỳ) do ông Keith Strier, Phó chủ tịch NVIDIA làm Trưởng đoàn đến Việt Nam để khảo sát các địa điểm tại 3 địa phương gồm Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM.
Mục đích làm việc của Tập đoàn NVIDIA lần này tại Việt Nam nhằm khảo sát và làm việc với các đơn vị và địa phương để chuẩn bị cho 3 việc sẽ làm trong thời gian tới gồm: thiết lập Trung tâm Nghiên cứu, phát triển và đào tạo về trí tuệ nhân tạo (AI); lắp đặt hệ thống siêu máy tính; chuyển một phần việc sản xuất các bộ vi xử lý hình ảnh (GPU) cho các siêu máy tính sang Việt Nam.
Trong đó, riêng tại TP.HCM, trong 2 ngày 25 và 26/4/2024, đoàn sẽ có 4 cuộc làm việc với các đơn vị gồm: Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP); Đại học Quốc gia TP.HCM; Tập đoàn công nghệ CMC; gặp Chủ tịch UBND TP.HCM để bàn thảo về việc đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã chia sẻ các thông tin về chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và AI tại Việt Nam; đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Người đứng đầu Bộ KH&ĐT cũng giới thiệu môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam; cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án công nghệ cao, bán dẫn và AI vào Việt Nam.
Sau khi gặp gỡ và trao đổi với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đoàn công tác của Tập đoàn NVIDIA đã tới thăm cơ sở của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (NIC Hòa Lạc).
Được biết, ngoài cuộc làm việc với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Phó chủ tịch NVIDIA dự kiến làm việc với một số bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp tại Việt Nam.
Có thể thấy, buổi làm việc giữa Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và ông Keith Strier vì thế là một bước tiến sau quá trình trao đổi tích cực và hiệu quả giữa hai bên, nhất là sau khi Chủ tịch NVIDIA thăm, gặp gỡ các lãnh đạo Việt Nam.
Khi đó, Jensen Huang đã nói với Thủ tướng Phạm Minh Chính rằng, NVIDIA đã đầu tư khoảng 250 triệu USD vào Việt Nam, xác định Việt Nam là thị trường quan trọng.
Đồng thời, với quan điểm coi Việt Nam là ngôi nhà của mình, tập đoàn mong muốn thiết lập một trung tâm, cứ điểm tại Việt Nam để thu hút nhân tài trên khắp thế giới.