Sau hai ngày xét xử, TAND TP HCM tuyên ông Thanh (71 tuổi, nguyên giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Tân Hiệp Phát) phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Tòa đánh giá ông Trần Quí Thanh chiếm đoạt số tiền lớn, song có nhiều tình tiết giảm nhẹ, khắc phục một phần thiệt hại nên tuyên phạt 8 năm tù.
Với vai trò giúp sức, Trần Uyên Phương (43 tuổi, Phó giám đốc) bị phạt 4 năm tù; Trần Ngọc Bích lĩnh 3 năm tù nhưng được hưởng án treo.
Ngoài ra, tòa buộc mỗi bị cáo phải nộp phạt 100 triệu đồng (hình phạt bổ sung).
Về trách nhiệm dân sự, tòa tuyên huỷ các hợp đồng chuyển nhượng giữa các bị cáo và bị hại, ông Hoàng phải trả cho bị cáo Thanh 115 tỷ đồng đã nhận; huỷ các hợp đồng chuyển nhượng, cam kết bán lại và các văn bản liên quan; buộc người môi giới phải trả lại 3 tỷ đồng đã nhận từ bị hại.
Đối với bị hại Nguyễn Huy Đông, tòa buộc ông này trả lại cho bị cáo Thanh 78 tỷ đồng; huỷ các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất hai bên đã ký, cam kết bán lại và các giao dịch khác.
Tương tự, bị hại Nguyễn Văn Chung phải trả lại bị cáo Thanh 34 tỷ đồng sau khi trừ đi thuế phí; huỷ hợp đồng chuyển nhượng các thửa đất đã sang tên cho Trần Uyên Phương và các văn bản có liên quan; buộc các môi giới trả cho ông Chung 1,4 tỷ đồng phí đã nhận.
Về việc đại gia Đặng Thị Kim Oanh yêu cầu các bị cáo bồi thường hơn 530 tỷ đồng thiệt hại do mất cơ hội kinh doanh đối với hai dự án bị chiếm đoạt, HĐXX cho là không có cơ sở. Đối với việc bà này vay của ông Thanh 500 tỷ đồng, tòa buộc trả lại cho bị cáo hơn 235 tỷ đồng nợ gốc; huỷ các hợp đồng giao kết giữa các bị cáo, tổ chức có liên quan về việc chuyển nhượng cổ phần tại hai dự án Minh Thành và Chơn Thành; giao trả lại toàn bộ giấy tờ hồ sơ cho bà Oanh.
Đối với số tiền 183 tỷ đồng vợ ông Thanh đã nộp khắc phục thiệt hại, HĐXX tuyên trả lại.
Trước đó, quá trình xét xử, ông Thanh và 2 con gái thừa nhận quan hệ giữa mình và các bị hại là vay tài sản. Đồng thời, bị cáo xin chấp nhận mọi phán quyết của tòa đưa ra.
Trong phần luận tội, đại diện VKS sau khi đánh giá mức độ, tính chất hành vi phạm tội của từng bị cáo đã đề nghị HĐXX tuyên phạt ông Trần Quí Thanh 9-10 năm tù, Trần Uyên Phương 5-6 năm tù và Trần Ngọc Bích 4-5 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Bào chữa cho các bị cáo, luật sư trình bày hàng loạt tình tiết giảm nhẹ, xin HĐXX xem xét cho thân chủ mình được hưởng khoan hồng của pháp luật, sớm trở về tiếp tục điều hành doanh nghiệp, cống hiến cho xã hội.
Trước đó, chiều 24/4, ông Thanh cùng hai con gái Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích nói lời sau cùng trước khi HĐXX nghị án.
Là người đầu tiên trình bày, ông Thanh chậm rãi đọc những lời đã viết sẵn trong tờ giấy. Ông cho biết, bản thân trưởng thành từ cô nhi viện, trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống và đã xây dựng thành công tập đoàn thương hiệu Việt, có tầm thế giới.
"Bị cáo ân hận về những gì xảy ra trong vụ án và sẵn sàng chịu trách nhiệm về hành vi của mình", ông Thanh nói, thêm rằng sự việc xảy ra với bản thân ngày hôm nay không làm thay đổi nguyện vọng muốn mang thương hiệu Việt ra thế giới.
Ông chủ Tân Hiệp Phát gửi lời cảm ơn cơ quan tố tụng đã xác định rõ vụ án này không liên quan tới doanh nghiệp mà gia đình đang điều hành. Ông bày tỏ xót xa, lòng biết ơn người vợ đã 70 tuổi, bị tai biến chưa phục hồi nhưng vẫn phải làm việc, điều hành công ty trong hoàn cảnh khó khăn.
Ông Thanh khẳng định các con mình luôn lao động, chăm chỉ hết mình. Chỉ vì ông mà các con phải đứng ở đây ngày hôm nay. Ông nghẹn giọng, giải thích rằng không phải kể những thành công, đóng góp của bản thân để biện minh cho hành vi trong vụ án này.
"Bị cáo kính mong HĐXX xem xét khoan dung, cho bị cáo có cơ hội sớm trở về tiếp tục làm việc, cống hiến", ông Thanh kết thúc 5 phút nói lời sau cùng.
Tương tự, bị cáo Trần Ngọc Bích cũng cảm ơn các cơ quan tố tụng đã giải thích cho mình hiểu rõ sai lầm và cảm ơn nhà chức trách đã cho tại ngoại để có điều kiện thực hiện các thỏa thuận của công ty với đối tác.
Là người cuối cùng thực hiện quyền của bị cáo, Trần Uyên Phương nói rất hối tiếc về hành vi của mình. Nhiều lần nghẹn giọng, cô nói 12 tháng bị tạm giam là khoảng thời gian khó quên, để cô chiêm nghiệm lại cuộc sống, và đã chất vấn bản thân rất nhiều.
Bị cáo cho biết là doanh nhân Việt đầu tiên viết sách bằng tiếng Anh, xuất bản tại Mỹ, kể câu chuyện kinh doanh về thương hiệu Việt thắng thương hiệu nước ngoài.
"Hôm nay đứng đây, bị cáo khẳng định với chính mình 'còn thở là còn cống hiến'. Tất cả những kết quả bị cáo vừa nêu, là đều được học từ ba. Bị cáo rất hối tiếc cho cái sai của mình", Phương nói, đồng thời xin tòa xem xét giảm nhẹ, khoan hồng cho cha và em gái.