Bán ngoại tệ được coi là giải pháp cuối cùng và biện pháp rất mạnh của nhà điều hành nhằm hạ nhiệt tỷ giá.
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, hiện chưa đặt vấn đề điều chỉnh lãi suất dù tăng hay giảm. NHNN vẫn đang dùng mọi biện pháp quản lý tỷ giá.
“Con số giật mình”
Thông tinđược ông Tú chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, từ đầu năm đến nay, tỷ giá liên tục tăng nóng. Ông dẫn chứng, chỉ cách đây 1 tuần, tỷ giá tăng tới 5,9% so với hồi đầu năm.
Hiện tại, nhờ các giải pháp can thiệp của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá “đã bớt căng”, chỉ còn tăng khoảng 4,8% so với đầu năm.
Theo Phó Thống đốc, mức mất giá này của tiền Việt Nam vẫn “còn thấp” so với mức mất giá của nhiều đồng tiền khác trên thế giới. Ông dẫn chứng, Đài tệ mất giá 5,96% từ đầu năm; Bath Thái mất 7,12%; Yen Nhật mất 9,69%; Won Hàn Quốc mất giá 7,71%; đồng franc Thụy Sỹ mất giá 8,2%...
Tuy nhiên, việc tiền đồng mất giá gần 5% cũng là “con số đáng giật mình”, theo ông Tú.
Nói về nguyên nhân tỷ giá chịu áp lực lớn, theo Phó Thống đốc, lãi suất thấp kỷ lục được coi là một trong những lý do.
“Hiện lãi suất đang ở mức thấp nhất trong “nhiều chục năm trở lại đây”, nhiều chuyên gia đã phải lên tiếng cảnh báo lãi suất quá thấp sẽ ảnh hưởng đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô”, Phó Thống đốc nói.
Ông lưu ý, lãi suất là một chỉ tiêu phức tạp và đòi hỏi quá trình điều hành phải hợp lý bởi lãi suất liên quan mật thiết đến nhiều chính sách khác nhau, trong đó có tỷ giá.
“Chúng ta không thể hy sinh tỷ giá vì lãi suất mà phải đảm bảo hài hòa lãi suất và tỷ giá trên cơ sở tính toán lợi ích chung của mối quan hệ này cũng như nhiều mối tương quan với các chỉ tiêu khác”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Do đó, việc hạ lãi suất cũng phải phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô.
Giải pháp cuối cùng
Hồi năm 2023, VND chỉ mất giá khoảng 2-3% so với USD và tỷ giá VND/USD chỉ tăng khoảng2,6% nhưng 4 tháng đầu năm 2024, mức tăng nóng của tỷ giá (gần gấp đôi) khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng.
Hiện, tỷ giá đã hạ nhiệt phần nào sau loạt giải pháp của Ngân hàng Nhà nước nhưng áp lực được nhận định vẫn là rất lớn.
Tại cuộc họp báo tuần trước, Ngân hàng Nhà nước tuyên bố sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm.
“Đây là giải pháp cuối cùng để ổn định tỷ giá”, Phó Thống đốc cũng lưu ý đây là biện pháp rất mạnh.
Lưu ý câu chuyện tỷ giá là vấn đề lớn, nếu không quản lý hiệu quả sẽ tác động đến lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Hiện, nhiều doanh nghiệp đã “kêu trời” vì tỷ giá tăng cao khiến họ “thiệt đơn thiệt kép” khi xuất nhập khẩu hàng hóa cũng như ứng phó với các khoản vay nợ bằng đồng đô la Mỹ.
Trong các tuyên bố trước đó, NHNN cũng khẳng định, đang rất quyết liệt trong điều hành tỷ giá. Quan điểm của NHNN là ổn định chứ không phải cố định tỷ giá (tỷ giá lên xuống hài hòa, không để âm trạng thái ngoại tệ).
Có nhiều nguyên nhân khách quan tác động tới tỷ giá, buộc cơ quan quản lý và doanh nghiệp phải thẳng thắn nhìn nhận.
Thứ nhất, chính sách kiểm soát lạm phát của Mỹ và các nước lớn vẫn tiếp tục. Thứ hai, đồng USD đang tiếp tục lên giá. Thứ ba, tình trạng giảm cầu đầu tư, cầu tiêu dùng của thế giới, từ đó tác động tiêu cực lên hoạt động xuất khẩu.
Thứ tư, vấn đề cát cứ, xung đột Biển Đỏ, khó khăn về logistics cũng như tình trạng khó khăn nguyên vật liệu của một số lĩnh vực. Đặc biệt, tâm lý sợ chiến tranh Vùng Vịnh đẩy giá dầu, giá vàng tăng cao đột biến như thời gian qua.
Ngoài những yếu tố khách quan trên thế giới, trong nước, lãi suất giảm sâu thời gian qua khiến chênh lệch lãi suất VND và USD âm trên thị trường liên ngân hàng, khiến tâm lý đầu cơ ngoại tệ quay lại, gây áp lực cho tỷ giá.
Bên cạnh đó, việc nhập khẩu phục hồi cũng khiến nhu cầu ngoại tệ gia tăng. Tâm lý kỳ vọng cũng là yếu tố gây thêm sức ép cho tỷ giá.
Thời gian qua, NHNN đã có nhiều giải pháp để ổn định tỷ giá như: hút tiền dư thừa trong hệ thống về, điều hành lãi suất hợp lý, thúc đẩy cho vay xuất khẩu để tạo nguồn cung ngoại tệ, điều hành tỷ giá trung tâm phù hợp để ngăn đầu cơ tích trữ ngoại tệ…
Trong đó, giải pháp cuối cùng là bán ngoại tệ can thiệp thị trường. Tuy nhiên, Phó thống đốc lưu ý, để chung tay giữ ổn định tỷ giá, doanh nghiệp cũng phải phối hợp bằng cách không nên găm giữ ngoại tệ, tránh tạo thêm áp lực cho tỷ giá.
Ngân hàng Nhà nước chưa xem xét điều chỉnh lãi suất
Theo Phó Thống đốc, điều hành tiền tệ và hoạt động ngân hàng gần 4 tháng đầu năm phải nói là “rất khó khăn” trong bối cảnh tình hình kinh tế chịu tác động rất lớn từ cả quốc tế lẫn khó khăn nội tại của nền kinh tế, thậm chí nhiều lúc còn khó khăn hơn, theo ông Tú.
“Thực tế, tín dụng trong 2 tháng đầu năm bị âm, không tăng trưởng được, dù cơ chế, bộ máy, chính sách vẫn như vậy. Cầu tín dụng không có, cầu đầu tư, tiêu dùng đều thấp khi doanh nghiệp vẫn còn khó”, Phó Thống đốc bày tỏ.
Doanh nghiệp cũng gặp nhiều tác động khó khăn, đơn hàng có tăng nhưng giá cả lại tăng cao. Tuy vậy, từ tháng 3 đến nay, tín dụng đã tăng trở lại. Hiện đạt khoảng 1,5%.
“Cùng với chính sách tiền tệ, các chính sách hỗ trợ khác từ Chính phủ và các bộ ngành cũng đang triển khai tích cực để thúc đẩy nhu cầu đầu tư, cầu tiêu dùng, cầu tín dụng”, Phó Thống đốc cho biết.
Thanh khoản của các tổ chức tín dụng vẫn dồi dào. Do đó, nếu doanh nghiệp có dự án hiệu quả, đáp ứng điều kiện tín dụng tối thiểu thì chắc chắn sẽ được cho vay.
“Tại thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước không đặt ra vấn đề điều chỉnh lãi suất điều hành”, ông Đào Minh Tú lưu ý.
Theo đó, NHNN vẫn đang khuyến khích các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay ở những lĩnh vực ưu tiên.
Từ đầu năm, NHNN đã chủ động các biện pháp giao hạn mức tín dụng cho các NHTM. Mục tiêu năm nay, tín dụng sẽ tăng trưởng 15%.
“Trong trường hợp cần thiết và chỉ số kinh tế vĩ mô cho phép, hạn mức tín dụng có thể sẽ tăng thêm”, ông nói.
Cùng với đó, theo Phó Thống đốc, các chính sách giãn, hoãn các khoản nợ doanh nghiệp chưa trả được sẽ kéo dài tới hết năm nay thay vì chỉ tới 30/6/2024 khi Ngân hàng Nhà nước sửa đổi Thông tư 02. Đồng thời, các ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục triển khai các gói tín dụng ưu đãi, tạo ra các nguồn vốn ưu đãi cho doanh nghiệp.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại ứng dụng công nghệ để giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp. Đây được đánh giá là một yếu tố cấp bách.
Ngoài ra, các ngân hàng cũng đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, giải quyết cầu tiêu dùng, tồn kho ngay trong thị trường nội địa. Đồng thời, đẩy mạnh kết nối ngân hàng và doanh nghiệp.