“Trùm cuối” Việt Á lộ mối quan hệ với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn

Mối quan hệ giữa nữ viện sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn và ông chủ kit test Việt Á được hé lộ, theo đó, bà Nhàn AIC đã bắt tay Phan Quốc Việt thực hiện hành vi phạm tội.
Sputnik
Trong vụ án hình sự thứ 4 được nhà chức trách Việt Nam điều tra, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch Công ty AIC, bị điều tra về 2 tội Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Đưa hối lộ.

Đề nghị truy tố bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và đồng phạm

Cục Cảnh sát kinh tế Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
Đây là vụ án vi phạm quy định đấu thầu, đưa - nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ khi thi hành công vụ xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (viết tắt là Công ty AIC) và Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM (viết tắt là Trung tâm CNSH) thuộc Sở NN-PTNT TP.HCM.
Công bố kết luận điều tra, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã đề nghị truy tố 14 bị can về các tội Nhận hối lộ, Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong đó, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch AIC), ông Trần Mạnh Hà (Phó TGĐ AIC), Trần Đăng Tấn (Trưởng Văn phòng đại diện Công ty AIC tại TP.HCM) bị đề nghị truy tố về tội Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Vụ Việt Á: Cựu Giám đốc CDC Hà Nội tiền đình trước phiên xét xử
Ông Dương Hoa Xô (Nguyên giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học thuộc Sở NN&PTNT TP HCM) bị đề nghị truy tố tội Nhận hối lộ.
Có 8 bị can khác là cán bộ của Trung tâm Công nghệ sinh học TP HCM, Công ty Kiểm toán AISC, Viện xây dựng và Quản trị kinh doanh TP HCM, Công ty Thẩm định giá SEAAC, Sở KH&ĐT TP HCM… bị đề nghị truy tố tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Bà Trần Thị Bình Minh, cựu Phó giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM và ông Phan Tất Thắng, Phó trưởng phòng Kinh tế ngành (thuộc Sở KH-ĐT TP.HCM), cùng bị đề nghị truy tố tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Mối quan hệ của bà Nhàn AIC và Phan Quốc Việt

Kết luận điều tra thể hiện, năm 2014, Trung tâm Công nghệ sinh học được phê duyệt kế hoạch chọn nhà thầu cung cấp thiết bị dự án với giai đoạn 1 trị giá 149 tỷ đồng, giai đoạn 2 trị giá khoảng 200 tỷ đồng và giai đoạn 3 trị giá hơn 75 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty AIC là người thành lập, điều hành Công ty AIC và các công ty thành viên (Công ty Mopha, Công ty Công nghệ cao, Công ty Uy tín toàn cầu).
Vụ Việt Á: Ông Nguyễn Thanh Long cùng 11 bị cáo kháng cáo
Vào tháng 4/2014, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn là khách mời tham dự lễ khánh thành khu nuôi cấy mô của Trung tâm. Tại đây, bà Nhàn gặp ông Xô.
Sau khi biết Trung tâm đang triển khai dự án 12 phòng thí nghiệm, bà Nhàn đã trực tiếp liên hệ, thỏa thuận với ông Xô để cho Công ty AIC trúng thầu thực hiện 10 gói thầu thuộc dự án 12 phòng thí nghiệm, thông đồng nâng giá để hưởng lợi 40% giá trị gói thầu.
Quá trình thực hiện giai đoạn 1, bà Nhàn đồng ý cho Công ty Gene Việt, Công ty Việt Á được liên danh thực hiện 3 gói thầu.
Bà Nhàn cũng chỉ đạo ông Trần Mạnh Hà, Trần Đăng Tấn phối hợp với Công ty Gene Việt, Công ty Việt Á xây dựng danh mục, cấu hình, dự toán thiết bị gói thầu trước khi đấu thầu; thông đồng với Trần Vinh Vũ (Giám đốc Công ty Tư vấn Hồng Hà) lập hồ sơ mời thầu theo hướng tạo điều kiện cho liên danh AIC- Việt Á và Công ty Vimedimex (vốn do liên danh AIC- Việt Á nhờ đứng tên) trúng 3 gói thầu.
Bộ Công an cũng chỉ rõ, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn còn chỉ đạo thiết lập các công ty “quân xanh” để AIC – Việt Á trúng thầu, tránh hủy thầu.
Quá trình thực hiện giai đoạn 2, bà Nhàn tiếp tục chỉ đạo ông Trần Mạnh Hà giao nhân viên AIC phối hợp với Chủ đầu tư thống nhất danh mục, nâng giá dự toán thiết bị, đảm bảo lợi nhuận cho AIC; Giới thiệu đơn vị tư vấn thẩm định giá, lấy báo giá cho đơn vị thẩm định để hợp thức giá dự toán theo giá đã thông đồng; Nâng khống với chủ đầu tư, bố trí “quân xanh” dự thầu, để Công ty Mopha (do bà Nhàn thành lập, điều hành) trúng 2 gói thầu, Công ty AIC trúng 1 gói thầu, gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước hơn 83 tỷ đồng tại 6 gói thầu.
Vụ Việt Á: Cựu Vụ phó lo "đếm tiền nhiều mòn hoa tay"
Kết quả điều tra khẳng định, để Công ty AIC và các công ty do AIC chỉ định được trúng thầu, bà Nhàn đã thỏa thuận, thống nhất với ông Dương Hoa Xô về việc tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng thầu và sẽ chi tiền cám ơn ông này.
Sau khi trúng thầu, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã chỉ đạo Phó Tổng giám đốc AIC và Trưởng đại diện Công ty AIC tại TP.HCM đưa tiền cho ông Dương Hoa Xô và những người khác.
Theo chỉ đạo của bà Nhàn, ông Trần Đăng Tấn đã trực tiếp đưa tiền phần trăm ngoài hợp đồng cho ông Dương Hoa Xô 4 lần, tổng cộng 8 tỷ đồng.
Đến nay, ngoài bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, ông Trần Mạnh Hà và Trần Đăng Tuấn đều đang bỏ trốn, đang bị truy nã.
Dù vậy, cơ quan CSĐT vẫn cho rằng, từ những tài liệu thu thập được, cùng với lời khai của những người liên quan, trong đó có lời khai của chủ tịch Việt Á Phan Quốc Việt, đủ cơ sở xác định hành vi phạm tội của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng cấp dưới.
Như Sputnik đề cập, vụ án liên quan Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (nữ doanh nhân, tiến sĩ, viện sĩ nổi tiếng ở Việt Nam) là một trong những vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, theo dõi chỉ đạo.

Cần xử nghiêm Nguyễn Thị Thanh Nhàn

Đây đã là vụ án thứ 4 bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị xử lý hình sự. Trước đó, năm 2023, bà Nhàn bị TAND TP. Hà Nội xét xử sơ thẩm và sau đó, TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm, tuyên phạt 30 năm tù về tội "vi phạm quy định đấu thầu", "đưa hối lộ" liên quan vụ án xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.
Người duy nhất từ chối tiền của Việt Á
Vào tháng 10/2023, bà Nhàn bị TAND tỉnh Quảng Ninh xét xử sơ thẩm trong vụ án thông thầu Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh.
Vào đầu năm 2024, TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án, tuyên phạt cựu Chủ tịch Công ty AIC 10 năm tù về tội "vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng". Tổng hợp hình phạt 2 bản án là 30 năm tù.
Đến tháng 12/2023, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn tiếp tục bị khởi tố về tội vi phạm quy định đấu thầu trong vụ án xảy ra tại Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) thuộc Bộ Thông tin & Truyền thông.
Trong vụ án thứ 4 này, do bà Nhàn bỏ trốn nhằm trốn tránh trách nhiệm cá nhân và cản trở hoạt động điều tra, Bộ Công an cho rằng cần xử lý nghiêm để đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa chung.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định truy nã toàn quốc, truy nã quốc tế đối với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, đồng thời kêu gọi bị can ra đầu thú để hưởng khoan hồng, hợp tác điều tra để đảm bảo quyền tự bào chữa.
Trường hợp không ra trình diện hoặc đầu thú, coi như từ bỏ quyền tự bào chữa và sẽ bị điều tra, truy tố và xét xử.
Thảo luận