Lợi thế về chi phí nhân công
Mới đây, kết quả cuộc "Khảo sát doanh nghiệp tại ASEAN" của HSBC cho thấy nhiều doanh nghiệp Việt Nam có kế hoạch đầu tư nhiều hơn vào các thị trường ASEAN. Đáng chú ý, trong khảo sát gần đây của HSBC, 60% doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam cho biết họ dự định đầu tư vào công nghệ và số hóa cho hoạt động kinh doanh hiện tại. Trọng tâm là thanh toán số, thương mại điện tử và trí tuệ nhân tạo. Những công ty này tin rằng, việc ứng dụng và nâng cao dịch vụ số sẽ giúp họ đáp ứng được kỳ vọng của khách hàng về sự tiện lợi và cải thiện hiệu quả hoạt động.
ASEAN với hơn 690 triệu dân vốn được đánh giá là thị trường Internet tăng trưởng nhanh nhất, đồng thời có mức độ kết nối số cao nhất thế giới. Việt Nam cũng được dự báo sẽ sở hữu 67,3 triệu người dùng điện thoại thông minh vào năm 2026, chiếm 96,9% người dùng Internet. Đất nước 100 triệu dân đã trở thành thị trường đi đầu trong ngành công nghiệp số đối với các DN trong và ngoài nước.
Nền kinh tế số của Việt Nam và cả ASEAN nói chung đang bước vào thời kỳ tươi sáng mới. Trao đổi về những hợp tác số giữa Việt Nam và ASEAN, bình luận với Sputnik, đại diện Hiệp hội Internet Việt Nam chỉ ra đây là thời điểm vàng cho các DN số của Việt Nam vươn ra thị trường ASEAN.
“Việt Nam có chút lợi thế là ứng dụng công nghệ mới rất nhanh, chi phí nhân công vẫn còn thấp hơn khi so sánh với một số nước trong khu vực, đó có thể là các lợi thế tiềm tàng để các DN Việt Nam nghĩ đến việc mở rộng thị trường sang các nước trong ASEAN”, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam lý giải.
Ông Vũ Thế Bình - Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA)
© Ảnh : Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA)
Khi nền kinh tế số của ASEAN mở rộng, thương mại điện tử xuyên biên giới cũng sẽ tạo ra cơ hội tăng trưởng cho cả các DN kinh tế mới lẫn truyền thống.
Hiểu rõ văn hóa để tạo khác biệt
Trong những năm gần đây, kinh tế số tại Việt Nam có sự phát triển vượt bậc. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ trọng kinh tế số trong GDP của Việt Nam năm 2023 đạt 16,5%, tốc độ phát triển kinh tế số đạt bình quân 20%/năm, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP.
Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, quy mô nền kinh tế Internet Việt Nam năm 2023 ở mức 30 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2022.
Hiện nay Chính phủ Việt Nam cũng đang cố gắng nỗ lực để đẩy mạnh hỗ trợ các DN số Việt Nam “vươn khơi” ra nước ngoài, trong đó có thị trường ASEAN. Cụ thể, Bộ Thông tin & Truyền thông đã thành lập Tổ tư vấn hỗ trợ DN số đi ra nước ngoài sẽ là chỗ dựa, cầu nối sát cánh cùng các DN ở bất cứ nơi đâu DN công nghệ số Việt Nam đặt chân đến.
Tuy nhiên, để thành công trên thị trường này, ông Vũ Thế Bình lưu ý các DN số cần nghiên cứu kỹ lưỡng về thị hiếu và văn hóa của người dân bản địa để phát triển sản phẩm phù hợp.
“Xâm nhập bất cứ thị trường mới nào đều có những rào cản, đặc biệt là rào cản về văn hoá bản địa. Các DN Việt có mong muốn xâm nhập các nước khác ở Đông Nam Á, theo tôi, đầu tiên cần tìm hiểu văn hoá và các vấn đề của các thị trường. Sau đó, xác định điểm mạnh của DN Việt Nam để tạo khác biệt và tiến vào thị trường”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam nhấn mạnh với Sputnik.