Theo Đại tá, nhà báo Đỗ Phú Thọ, với tinh thần không vùng cấm hay không ngoại lệ, dù Việt Nam có thay đổi cán bộ cấp cao nhưng đường lối của Đảng, Cương lĩnh chính trị và bản chất Nhà nước là không hề thay đổi.
Lý do Việt Nam cho các ông Vương Đình Huệ, Võ Văn Thưởng thôi chức
Những ngày qua, người dân, cử tri cũng như giới quan sát trong và ngoài nước vẫn dánh nhiều sự quan tâm đến các biến động nhân sự cấp cao trong “tứ trụ” Việt Nam, sau khi Trung ương đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi chức Chủ tịch Quốc hội.
Như Sputnik đã đưa tin, 26/4/2024, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Theo thông cáo, ông Vương Đình Huệ đã vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Trước đó, ngày 20/3/2024, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng đã đồng ý để ông Võ Văn Thưởng thôi giữ các chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh nhiệm kỳ 2021 – 2026, với lý do ông Thưởng đã vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
“Việc bình thường”
Bình luận trên báo Công Thương của Bộ Công Thương, Đại tá, Nhà báo Đỗ Phú Thọ cho rằng, với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, trong thời gian qua, nhiều cán bộ đảng viên, trong đó có cả cán bộ cấp cao trong bộ máy Đảng và Nhà nước do thoái hóa, biến chất, tham nhũng đã bị xử lý kỷ luật, cho thôi giữ các chức vụ.
“Việc thay đổi nhân sự trong bộ máy lãnh đạo, quản lý là công việc bình thường của các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, trong mấy năm gần đây, thực hiện công cuộc chống “giặc nội xâm”, chúng ta đã cương quyết loại bỏ, đưa ra khỏi đội ngũ nhiều cán bộ thoái hóa, biến chất, tham nhũng, tiêu cực. Trong số này có cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, cán bộ cấp tướng trong lực lượng vũ trang”, - theo ông Thọ.
Chuyên gia nhấn mạnh, việc loại khỏi đội ngũ những cán bộ thoái hóa biến chất cũng như “chặt một cành sâu mọt để cứu cả cây”, “chặt một cây nhiễm bệnh để cứu cả rừng cây”. Mục đích duy nhất là để Đảng trong sạch hơn, lãnh đạo đất nước tốt hơn, củng cố niềm tin của người dân với Đảng cầm quyền.
Thế nhưng, lợi dụng những vụ việc trên, các thế lực thù địch đã và đang sử dụng mạng xã hội, báo chí nước ngoài để xuyên tạc, thổi phồng, bôi đen sự thật, với luận điệu cho rằng “Đảng Cộng sản Việt Nam đang có sự thanh trừng, đấu đá nội bộ”; “ Việt Nam đang mất ổn định chính trị”…
Thậm chí, những kẻ chống phá còn dự đoán “sắp tới ai sẽ lên… thớt”. Những thông tin tiếp tục được một số người hiếu kỳ trong nước chuyển tiếp cho người khác, gây lo lắng trong dư luận xã hội trong những ngày cả nước Việt Nam hân hoan chào đón ngày Chiến thắng 30/4, kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5 và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Chăn chắn rằng, dù một số vị trí cán bộ có thay đổi, nhưng nền tảng tư tưởng của Đảng, đường lối của Đảng, cương lĩnh chính trị của Đảng là không thay đổi. Bản chất của Nhà nước của dân, do dân và vì dân vẫn không thay đổi.
Niềm tin “tuyệt đối” vào Đảng và Tổng Bí thư
Đại tá Đỗ Phú Thọ cho rằng, những thành tựu to lớn trong sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo gần 40 năm qua là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả quá trình nỗ lực bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân;
Những thành tựu đó tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo; sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của Cách mạng Việt Nam.
Cương lĩnh chính trị của Đảng là ngọn cờ tư tưởng, lý luận dẫn dắt dân tộc vững vàng đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; là nền tảng để Đảng hoàn thiện đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới.
Cần khẳng định, ở Việt Nam, không một lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Tuyệt đại đa số người dân Việt Nam, cán bộ đảng viên, kiều bào ở nước ngoài đang đặt niềm tin tuyệt đối vào quyết tâm chính trị, vào đường lối cách mạng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa – Nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Biết bao xương máu của đồng bào, chiến sĩ người con đất Việt đã hy sinh trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc để thế hệ hôm nay có được hoà bình, thống nhất, độc lập, những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử qua gần 40 năm đổi mới để có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của Việt Nam hôm nay.
Được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, trải qua 94 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Đảng không có lợi ích nào khác là vì đất nước phồn thịnh, vì hạnh phúc nhân dân. Lợi ích của quốc gia, dân tộc luôn được đặt lên trên hết, trước hết.
Việc xử lý cán bộ cấp cao, thay đổi cán bộ không ảnh hưởng đến sự ổn định chính trị của đất nước, vì đường lối cách mạng của Đảng đã xác định trong Cương lĩnh, Nghị quyết của Đảng, Hiến Pháp của Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công khai, minh bạch, đúng đắn, ổn định, kế thừa qua các giai đoạn cách mạng.
Qua gần 40 năm đổi mới, Việt Nam ngày nay đang là một đất nước hoà bình, phát triển, ổn định về chính trị, là bạn, là đối tác tin cậy của các quốc gia trên khắp năm châu, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.