Hồi cuối tháng 4, Ban Quản lý khu kinh tế Lào Cai cho biết, tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay đã có trên 100 phương tiện vận tải Việt Nam bị lưu giữ tại Trung Quốc. Đây mới là số liệu không chính thức.
Trong một diễn biến liên quan, tại Bình Thuận, Sở Công Thương đã phải ra văn bản đề nghị các ban ngành, địa phương, hiệp hội tích cực theo dõi và ngăn ngừa tình trạng xe hàng Việt Nam bị giữ ở Trung Quốc.
Hàng loạt xe hàng Việt Nam bị giữ ở Trung Quốc
Hôm 25/4, báo Hải quan dẫn thông tin từ Ban Quản lý khu kinh tế Lào Cai lưu ý:
“Thời gian gần đây, tình trạng phương tiện Việt Nam bị lưu giữ trái phép tại Hà Khẩu (Trung Quốc) ngày càng nhiều”.
Đặc biệt, thống kê không chính thức của cơ quan này cho thấy tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay đã có trên 100 phương tiện vận tải Việt Nam bị lưu giữ tại Trung Quốc.
Phía Việt Nam cũng đã tìm hiểu và trao đổi với đại diện Ban Quản lý khu kinh tế Lào Cai với Ban Quản lý cửa khẩu Hà Khẩu (Trung Quốc) để làm rõ nguyên nhân.
Trong đó, có 2 lý do chính khiến nhiều xe hàng Việt Nam bị giữ ở cửa khẩu vùng biên giới phía Bắc là vì:
Thứ nhất, lái xe không thực hiện đúng trách nhiệm trong việc bảo quản hàng hóa, gây tổn hại hàng hóa trên xe, do hai bên không đạt được thống nhất trong việc bồi thường dẫn đến phương tiện này chưa thể xuất cảnh về nước.
Thứ hai, do doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc tranh chấp trong việc thực hiện hợp đồng, nên doanh nghiệp Trung Quốc giữ xe và yêu cầu lái xe hoặc chủ xe bồi thường bằng tiền mặt mới trả xe về Việt Nam.
Trước tình hình này, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai và Ban Quản lý cửa khẩu Hà Khẩu đã tích cực phối hợp giải quyết, tháo gỡ.
Tuy nhiên việc phía Trung Quốc giữ xe trái phép vẫn tiếp diễn. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai đã khuyến cáo các doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu tại cửa khẩu cần nâng cao tính pháp lý, chính quy trong các giao dịch mua bán, xuất nhập khẩu hàng hóa.
Đồng thời, các doanh nghiệp vận tải trước khi nhận vận chuyển hàng hóa, đề nghị các lái xe làm rõ các nội dung, điều khoản của hợp đồng với chủ hàng phía Việt Nam về tình trạng hàng hóa, phương tiện... trách nhiệm của các bên liên quan khi có tranh chấp xảy ra ở phía Trung Quốc.
Điều này là nhằm để ngăn ngừa tình trạng phương tiện Việt Nam không bị lưu giữ tại Trung Quốc, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, tránh gây thiệt hại không đáng có cho các doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp vận tải của Việt Nam.
Bình Thuận có chỉ đạo “nóng”
Trong bối cảnh nhiều xe hàng Việt Nam bị Trung Quốc chặn giữ, Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận đã có văn bản gửi các sở ngành, địa phương, đơn vị, hội - hiệp hội.
Trong đó, Sở Công Thương Bình Thuận đề nghị các doanh nghiệp, hợp tác xã xuất khẩu trên địa bàn tỉnh chủ động tiếp tục theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành - Lào Cai.
“Nghiên cứu kỹ, tuân thủ quy định của pháp luật trong giao dịch mua bán, xuất nhập khẩu hàng hóa và các quy định về vận tải quốc tế”, - báo Bình Thuận dẫn văn bản cho biết.
Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền các địa phương (trừ huyện đảo Phú Quý), Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, các hội - hiệp hội, Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Sở đề nghị cần phối hợp thông tin đến doanh nghiệp, hợp tác xã xuất khẩu trên địa bàn tỉnh về vấn đề này.
Sở Giao thông vận tải được giao phối hợp thông tin đến doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải trên địa bàn Bình Thuận để nắm thông tin và yêu cầu tuân thủ các quy định về vận tải quốc tế.
Ngoài ra, cũng như khuyến cáo ở Lào Cai, Sở Công Thương Bình Thuận cũng đề nghị doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải trước khi nhận vận chuyển hàng hóa làm rõ những nội dung, điều khoản của hợp đồng với chủ hàng phía Việt Nam về tình trạng hàng hóa, phương tiện hoặc trách nhiệm của các bên liên quan khi có tranh chấp xảy ra ở phía bên Trung Quốc.
“Thời gian tới, Sở Công Thương Bình Thuận sẽ tiếp tục theo dõi và cập nhật thông tin từ cơ quan chức năng của tỉnh Lào Cai nhằm nắm bắt tình hình hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành - Lào Cai. Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc thì các đơn vị kịp thời trao đổi với Sở Công Thương và cơ quan liên quan để cùng phối hợp đề xuất giải pháp hỗ trợ, xử lý”, - văn bản nhấn mạnh.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu qua cửa khẩu Lào Cai hiện là gỗ ván bóc các loại, thanh long, sắn các loại, chuối xanh, giày dép, sầu riêng, lưu huỳnh (quá cảnh), phốt pho vàng...; các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: nông sản, plastic, các sản phẩm bằng plastic, sắt thép và các sản phẩm từ sắt thép, máy và các thiết bị cơ khí, phân bón, hóa chất, than cốc, điện năng...
Năm 2023, xuất nhập khẩu hàng hóa, nhất là nông sản qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai tăng mạnh, tới hơn 39% so với cùng kỳ năm 2022 đạt 2 tỷ USD.