Liên quan đến vụ án tại Tập đoàn Thuận An, đến thời điểm hiện tại ngày 3/5/2024, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố 7 bị can. Trong đó, có bị can Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội.
“Thuận An có thể tiếp tục thi công nữa hay không?”
Theo báo Người lao động, chiều 3/5, UBND TP.HCM đã tổ chức phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và trong 4 tháng đầu năm; đề ra giải pháp, nhiệm vụ tháng 5/2024. Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, chủ trì phiên họp.
Tại buổi làm việc, ông Phan Văn Mãi đề nghị các cơ quan liên quan phải hết sức tập trung với các dự án chuyển tiếp. Đặc biệt, cần xem lại các dự án chuyển tiếp từ năm 2022, 2023 nhưng vẫn có khối lượng giải ngân rất thấp trong 4 tháng đầu năm. Đáng chú ý, có những dự án đấu thầu từ cuối năm 2023 nhưng đến giờ vẫn gần như chưa có khối lượng thi công.
"Phải đẩy nhanh các dự án chuyển tiếp, nhất là các dự án lớn", - báo Người lao động dẫn lời ông Phan Văn Mãi.
Ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh, cần phải đẩy nhanh các dự án chuyển tiếp, đặc biệt là các dự án lớn. Cùng với đó, Chủ tịch UBND TP.HCM cũng yêu cầu các chủ đầu tư xử lý các nhà thầu chậm tiến độ.
"Ví dụ như Tập đoàn Thuận An vừa rồi, có tiếp tục thi công nữa hay không?", - ông Phan Văn Mãi lưu ý.
Theo ông, nếu Tập đoàn Thuận An vẫn tiếp tục thì các chủ đầu tư, mà cụ thể là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị phải có trách nhiệm giám sát chặt chẽ, có báo cáo tiến độ hằng ngày, đảm bảo không ảnh hưởng đến tiến độ công trình.
Trường hợp Tập đoàn Thuận An không tiếp tục thì phải làm rõ, những thành viên còn lại của liên doanh có tiếp tục được hay không, và nếu không thì phải xem xét phương án khác.
Ông Mãi cho biết thêm, ngay khi vụ việc liên quan Tập đoàn Thuận An xảy ra, TP.HCM đã có cuộc họp với chủ đầu tư, rà soát lại công tác đấu thầu, kiểm tra lại khả năng thực hiện tiếp dự án của nhà thầu, rà soát lại tài chính và các vấn đề liên quan để có biện pháp xử lý.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM lưu ý, không chỉ với Tập đoàn Thuận An, mà đối với các nhà thầu năng lực yếu, chây ì, các chủ đầu tư cũng cần phải kiên quyết xử lý nghiêm.
“Vừa rồi, tôi đã chủ trì cuộc gặp với các nhà thầu. Qua đó khẳng định rõ quan điểm của TP.HCM là sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà thầu thi công, thậm chí vật liệu có tăng giá nhưng hợp lý thì sẵn sàng cho đàm phán, ký thêm phụ lục hợp đồng”, - ông Mãi nhấn mạnh.
Dù vậy, Chủ tịch UBND TP.HCM cũng lưu ý, trách nhiệm chuẩn bị vật liệu là của nhà thầu.
Vấn đề giải ngân đầu tư công
Tại phiên họp hôm nay, các đại biểu đã tập trung thảo luận về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công.
Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước TP.HCM, tính đến ngày 26/4, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2024 mà thành phố đã giải ngân chỉ mới đạt hơn 5.969 tỷ đồng, tương đương 7,5% số vốn được giao.
Ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM, đánh giá dù con số giải ngân tuyệt đối đã đạt gấp 3 lần năm ngoái, nhưng so với kế hoạch đề ra vẫn là chưa đạt.
Về phần mình, bà Lê Thị Huỳnh Mai – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư – cho biết trong năm 2024, TP.HCM được giao khoảng 79.000 tỷ đồng vốn đầu tư công. Như vậy, số vốn còn lại trong những tháng tiếp theo của năm là rất lớn. Vì vậy, các sở, ngành, địa phương phải cố gắng, quyết liệt hơn để đạt tỉ lệ giải ngân cao.
Về vấn đề này, ông Phan Văn Mãi cho biết, từ nay đến cuối năm 2024, mỗi tháng TP.HCM phải giải ngân khoảng 10.000 tỷ đồng.
Ông Phan Văn Mãi giao Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng trực tiếp chỉ đạo công tác giải ngân vốn đầu tư công hàng ngày, hàng tuần.
Đồng thời, ông Mãi cũng đề nghị các thành viên UBND TP.HCM, các chủ đầu tư, sở, ngành, địa phương căn cứ vào Chương trình hành động về đầu tư công để tiếp tục khẩn trương triển khai thực hiện, hoàn thành các đầu việc.
Cùng với đó, duy trì hoạt động của các tổ công tác về đầu tư công nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Riêng với các chủ đầu tư, lãnh đạo UBND TP.HCM đề nghị các chủ đầu tư phải lên kế hoạch giải ngân hàng tháng và giám sát kế hoạch đó.
Vụ Tập đoàn Thuận An: Đã khởi tố 7 bị can
Theo Cổng TTĐT Chính phủ, liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An, đến thời điểm hiện tại ngày 3/5/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố 7 bị can.
Trong đó, có bị can Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội. Ông Phạm Thái Hà bị khởi tố, bắt tạm giam về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" theo quy định tại khoản 4, Điều 358 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đối, bố sung năm 2017.
Ba bị can là Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An.
Ba bị can là lãnh đạo, cán bộ quản lý Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang.
Bộ Công an cho biết, hiện Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang tập trung lực lượng, mở rộng điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của các bị can, sai phạm tại Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức có liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và thu hồi triệt để tài sản.