Trong cuộc chiến xâm lược Việt Nam giai đoạn 1961 - 1971, quân đội Mỹ đã rải hơn 80 triệu lít chất diệt cỏ xuống 1/4 diện tích đất tự nhiên ở miền Trung và miền Nam Việt Nam, khiến hơn 3 triệu người Việt Nam cho tới nay, trải qua hơn nửa thế kỷ, vẫn đang phải gánh chịu hậu quả do hoá chất này gây ra.
Hàng trăm người xuống đường ủng hộ bà Trần Tố Nga
Báo Tuổi trẻ đưa tin, chiều 4/5, tại Quảng trường Cộng Hòa ở Thủ đô Paris (Pháp), hơn 200 bạn bè Pháp và kiều bào Việt Nam đã tập hợp cùng các tổ chức hội đoàn để bày tỏ sự ủng hộ với bà Trần Tố Nga và các nạn nhân da cam Việt Nam, liên quan vụ kiện các tập đoàn hóa chất đã cung cấp hoá chất diệt cỏ cho quân đội Mỹ sử dụng trong cuộc chiến ở Việt Nam.
Đặc biệt, nhiều chính trị gia, dân biểu, thị trưởng các quận của Paris và thành phố lân cận, cũng như đại diện các đảng phái cánh tả, các nhà hoạt động phong trào đấu tranh vì môi trường cũng có mặt tham dự sự kiện.
Đại sứ Việt Nam tại Pháp, trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO), cùng với đại điện Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (VAVA), cũng bày tỏ chia sẻ và ủng hộ đối với bà Trần Tố Nga.
Hoạt động có ý nghĩa quan trọng do được tổ chức ngay trước thềm phiên điều trần tại Tòa phúc thẩm Paris, dự kiến diễn ra vào sáng thứ Ba tới ngày 7/5, nhằm tiếp tục xét xử vụ bà Trần Tố Nga (82 tuổi) kiện hãng Bayer-Monsanto và 13 công ty khác đã có hành vi sản xuất hoặc tiếp thị chất độc da cam/dioxin cho quân đội Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, giai đoạn 1961-1971.
Bà Sandrine Rousseau, nghị sĩ Quốc hội thuộc Đảng Châu Âu sinh thái xanh (EELV), đã nhấn mạnh tầm quan trọng về vụ kiện của bà Trần Tố Nga, cho rằng vụ việc có ý nghĩa thời sự bởi hệ quả của việc rải chất độc da cam do Monsanto sản xuất vẫn kéo dài đến tận ngày nay.
Đặc biệt, không chỉ tập đoàn này, mà đứng sau họ là cả một nền công nghiệp sản xuất thuốc trừ sâu và các sản phẩm kiểm dịch thực vật đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe của rất nhiều thế hệ.
Nghị sĩ Sandrine Rousseau cho rằng, việc vụ kiện được đưa ra tòa án Pháp cho thấy “bà Trần Tố Nga và hàng triệu nạn nhân da cam không bị bỏ rơi và không phải chịu đựng nỗi đau này một mình”.
Chiều 4/5, bà Trần Tố Nga cho biết Hội Luật gia dân chủ thế giới đã gửi thư cho Tòa án Paris để bày tỏ sự ủng hộ đối với vụ kiện.
“Điều này có nghĩa là cuộc đấu tranh của tôi đã vượt qua các biên giới và ra toàn thế giới. Do đó tôi càng thêm tin tưởng, càng thêm mạnh mẽ và càng có quyết tâm để đi tới”, - bà Trần Tố Nga nhấn mạnh.
"Tôi rất cảm động trước sự hiện diện của các bạn, tôi cảm thấy mạnh mẽ hơn", - bà gửi lời cảm ơn đám đông người ủng hộ.
Theo bà Nga, bà sẽ đi đến cùng vụ việc, nhưng “có lẽ việc tiếp tục cuộc chiến sẽ tùy thuộc vào các bạn”.
Tờ Sud Ouest cho rằng, rất có thể bà Trần Tố Nga sẽ để cuộc đấu tranh đòi công lý của mình trở thành di sản. Cũng theo tờ báo này, bà Trần Tố Nga hiện đang mắc một số căn bệnh như lao, ung thư và tiểu đường loại 2.
Tình hình vụ kiện
Trong vụ kiện, các luật sư William Bourdon và Bertrand Repolt sẽ chịu trách nhiệm bào chữa cho bà Trần Tố Nga và hàng triệu nạn nhân của chất khai quang từng sử dụng tại Việt Nam.
Năm 2021, Tòa án Tư pháp Evry, nơi bà Trần Tố Nga nộp đơn khiếu nại lần đầu vào năm 2014, đã đưa ra phán quyết cho rằng khiếu nại này là “không thể chấp nhận được”, với lý do các công ty bị buộc tội được hưởng “quyền miễn trừ tài phán”, và việc họ tuân theo lệnh của quân đội Mỹ cho phép loại trừ họ khỏi mọi trách nhiệm.
Tuy nhiên, các luật sư của bà Trần Tố Nga chứng minh rằng, trên thực tế, các công ty đã tự nguyện đáp ứng lời kêu gọi đấu thầu, trong đó việc mời thầu không hề áp đặt nồng độ hóa chất độc hại dioxin nhiều như họ đã đưa vào trong thành phần của chất khai quang màu da cam mà quân đội Mỹ sử dụng tại chiến trường Việt Nam.
Với lập luận trên, bà Trần Tố Nga và các luật sư biện hộ đã kháng cáo quyết định này và dẫn đến việc khởi kiện lại 3 năm sau đó.
Dựa trên tình trạng miễn trừ quyền tài phán này và khả năng có hạn của Tòa án Evry trong việc đánh giá tính chất của vụ việc, việc xét xử sẽ được diễn ra tại Tòa phúc thẩm Paris, với phiên điều trần đầu tiên sẽ diễn ra vào ngày 7/5 sắp tới.
Trong cuộc chiến xâm lược Việt Nam giai đoạn 1961 - 1971, quân đội Mỹ đã rải hơn 80 triệu lít chất diệt cỏ, phần lớn là chất da cam/dioxin xuống 1/4 diện tích đất tự nhiên ở miền Trung và miền Nam Việt Nam.
Hành động này đã gây ra một thảm họa nhân đạo, sức khỏe và môi trường với những hệ quả vô cùng nặng nề và lâu dài, khiến cho hơn 3 triệu người Việt Nam cho tới nay, trải qua hơn nửa thế kỷ, vẫn đang phải gánh chịu hậu quả vì ung thư và các bệnh do chất độc dioxin gây ra.
Trong đó, có khoảng 150.000 trẻ em, qua 4 thế hệ kể từ năm 1975 đến nay được sinh ra với dị tật hoặc khuyết tật nghiêm trọng (thiếu chân tay, mù, điếc...); 1 triệu ha rừng nhiệt đới bị tàn phá và sự biến mất của nhiều loài động vật hoang dã; 400.000ha đất nông nghiệp bị ô nhiễm.