Trong báo cáo, Bộ nhận thấy vẫn có sự mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ, cũng như tình trạng phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế trên cả nước.
Thu nhập bình quân của người lao động đạt 7,6 triệu đồng/tháng
Theo báo An ninh Thủ đô, Bộ LĐ-TB&XH mới đây đã có báo cáo cập nhật tình hình lao động, việc làm quý I/2024. Theo đó, trong quý đầu năm 2024, số lượng lao động, việc làm đã trở lại xu hướng phát triển bình thường như thời kỳ trước dịch Covid-19. Cụ thể, lực lượng lao động thường giảm nhẹ so với quý trước nhưng vẫn tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Thu nhập bình quân của lao động trong quý I/2024 đạt khoảng 7,6 triệu đồng người/tháng, tăng 301.000 đồng so với quý IV/2023, tăng 549.000 đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, trong quý đầu năm 2024 vẫn còn hiện tượng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ, có sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế. Cơ chế kết nối cung - cầu và tự cân bằng của thị trường nhìn chung còn yếu, theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH.
Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên vẫn duy trì ở mức cao. Cả nước hiện có khoảng 1,4 triệu thanh niên (từ 15-24 tuổi) không có việc làm, không tham gia học tập, đào tạo (chiếm 11,0% tổng số thanh niên). Tỷ lệ này ở khu vực nông thôn cao hơn khu vực thành thị (12,8% so với 8,3%).
Chất lượng lao động còn hạn chế
Trong báo cáo, Bộ cũng chỉ ra thực trạng chất lượng nguồn cung lao động còn hạn chế, chưa đáp ứng được cầu lao động ở một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Hiện vẫn có khoảng 37,8 triệu người lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên.
Về điều này, ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê) cho rằng, thị trường lao động chưa có sự cải thiện nhiều về chất lượng, khi số lao động phi chính thức làm công việc bấp bênh, thiếu ổn định, thu nhập thấp, không được đóng bất cứ loại bảo hiểm bắt buộc nào (bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp).
“Khoảng 8% số thanh niên đang thất nghiệp và 4,3% tổng số lao động, tương đương với 2,3 triệu người không sử dụng hết tiềm năng cả thời gian và năng lực cũng là những hạn chế của thị trường lao động Việt Nam. Những hạn chế này đã xảy ra từ nhiều năm, nhưng tình hình không được cải thiện nhiều”, - báo Đầu tư dẫn lời ông Phạm Hoài Nam.
Bộ LĐ-TB&XH ghi nhận, trong những tháng đầu năm số, người tham gia bảo hiểm xã hội có xu hướng tăng so với năm trước, dù tốc độ đã chậm lại.
"Nếu so sánh các tháng trong quý I/2024 thì số người tham gia BHXH ở cả hai loại hình BHXH bắt buộc và tự nguyện đều giảm so với thời điểm cuối năm 2023", - báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH nêu rõ.
Đáng lo ngại, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần liên tục tăng ở các tháng đầu năm nay. Có thể thấy, nhận bảo hiểm xã hội một lần vẫn là lựa chọn của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, thôi việc, mất việc làm.
Để hạn chế tình trạng trên, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trong thời gian tới cần tiếp tục tăng kết nối cung - cầu lao động trên thị trường, đặc biệt là kết nối thị trường lao động các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm.
Cùng với đó, chú trọng giải quyết việc làm cho thanh niên, lao động trung niên, lao động yếu thế và lao động nữ.