Chuyên gia cho biết, giá vàng tăng, xô đổ mọi kỷ lục, là do yếu tố nguồn cung và tâm lý. Nhiều người dân đổ xô đi mua vàng vì không loại trừ giá vàng có thể tăng thêm nữa, thậm chí có thể lên đến 100 triệu đồng/lượng.
Giá vàng tăng mạnh
Sáng 10/5, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) đã điều chỉnh tăng mạnh giá vàng so với cuối phiên trước.
Đến trưa 10/5, Vnexpress cho biết, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đã cập nhật biểu giá ở 89,7 - 92 triệu đồng một lượng mua vào - bán ra. Đây là mức kỷ lục cao nhất từ trước đến nay.
Theo phản ánh từ báo SGGP, tại thời điểm 10h40, giá vàng miếng SJC niêm yết ở mức 89,5 - 91,8 triệu đồng/lượng, tăng 2,3 triệu đồng mỗi lượng ở cả 2 chiều so với chốt phiên trước.
Trong khi đó, trong buổi sáng, cả Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) và Phú Quý cũng đang niêm yết cùng giá bán 90,8 triệu đồng/lượng đối với vàng miếng SJC.
DOJI niêm yết ở mức 88,5 - 90 triệu đồng/lượng lần lượt 2 chiều mua - bán. Eximbank niêm yết giá ở mức 89 - 91 triệu đồng/lượng.
Không chỉ vàng miếng, sáng nay, vàng nhẫn cũng bật lên tăng giá mạnh. Nhẫn SJC giao dịch ở mức 74,3 - 76 triệu đồng/lượng, tăng thêm 800.000 đồng ở cả hai chiều mua vào – bán ra.
Trong khi đó, nhẫn trơn PNJ niêm yết ở mức 74,2 - 75,9 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn DOJI lên mức 75,05 - 76,55 triệu đồng/lượng. Nhẫn Phú Quý ở mức 74,9 - 76,5 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, giá vàng tăng trong bối cảnh chỉ số USD Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt suy yếu. Giá vàng giao kỳ hạn tháng 6 trên sàn Comex đã tăng 18,20 USD trong phiên hôm qua, ở mức 2.340,50 USD.
Sáng 10/5 theo giờ Việt Nam, giá vàng trên Kitco tăng mạnh ở mức 2.351 USD/ounce. Theo quy đổi, vàng SJC cao hơn giá thế giới 17,6 triệu đồng/lượng.
Diễn biến lạ: Dân đổ xô đi mua vàng dù càng đấu thầu giá càng tăng
Theo VTC News, giá vàng miếng tại Việt Nam đang có diễn biến lạ.
Trước khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức đấu thầu bán vàng miếng, giá vàng có nhiều thời điểm sụt giảm liên tục, thậm chí có khi bị vàng nhẫn lấn lướt.
Tuy nhiên, kể từ khi NHNN gọi thầu lần đầu tiên hôm 23/4, giá vàng miếng SJC liên tục tăng nhanh, bất chấp giá vàng quốc tế.
Gần nhất là phiên đấu thầu hôm 8/5, NHNN đã bán thành công 3.400 lượng vàng cho 3 doanh nghiệp với giá rất cao – trên 86 triệu đồng/lượng.
Thế nhưng, sau đấu thầu, khoảng cách giá vàng SJC và giá vàng thế giới lại càng được mở rộng. Dư luận cho rằng, việc càng đấu thầu giá vàng SJC càng tăng cao rõ ràng là một nghịch lý.
Theo các chuyên gia và người giao dịch vàng, cùng với tăng theo giá vàng thế giới, khi giá vàng trúng thầu ở mức cao trên 86 triệu đồng/lượng, giá vàng trên thị trường sẽ phải ở mức cao hơn giá này và chưa thể giảm ngay.
Thêm vào đó, giá vàng còn cộng hưởng với đà tăng của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước được điều chỉnh tăng vọt. Thậm chí có thời điểm, giá vàng SJC trong nước tăng ngay cả trong lúc giá vàng thế giới giảm hoặc đi ngang.
Về nguyên nhân của việc giá vàng miếng tăng phi mã sau mỗi phiên đấu thầu, nói với VTC News, chuyên gia Trần Duy Phương cho rằng, giá vàng miếng SJC tăng liên tiếp những phiên vừa qua là “do vấn đề nguồn cung và tâm lý”.
Chuyên gia này lý giải, nguồn cung vàng hiện nay được NHNN tăng cường thông qua các phiên đấu thầu.
Tuy nhiên, sau khi các doanh nghiệp trúng thầu, cần một khoảng thời gian nhất định thì vàng mới đến được tay doanh nghiệp. Và khi đó thì thị trường mới được bổ sung nguồn cung.
“Trong khi đó, tâm lý người dân hiện nay là lãi suất tiết kiệm thấp, họ sẽ rút tiền ra mua vàng. Hơn nữa, họ nhận định vàng thế giới sẽ tăng nên vàng trong nước có thể tăng lên 90, thậm chí 100 triệu đồng/lượng”, chuyên gia nói.
Ông Phương nhấn mạnh, vấn đề tâm lý này có thể thấy rõ nhất trong thời gian gần đây.
“Càng đấu thầu vàng, giá càng tăng nên người dân vẫn mua vàng vào vì nghĩ giá khó giảm”, chuyên gia chỉ rõ.
Để hạ nhiệt giá vàng, theo ông, cần quyết liệt hơn và gia tăng các phiên đấu thầu vàng hơn. Đặc biệt, giá đấu thầu cần hợp lý hơn để các doanh nghiệp dễ xuống tiền mua vào.
Cường độ đấu thầu càng liên tục thì lượng vàng cung ra thị trường sẽ càng nhiều, khi đó mới giải quyết được vấn đề nguồn cung khan hiếm.
Chuyên gia: Cần bỏ độc quyền vàng
TS. Lê Xuân Nghĩa trước đó đã đề nghị rằng, điều hành vàng, quan trọng nhất tăng nguồn cung là cho phép ngân hàng thương mại và các công ty kinh doanh vàng, bạc được xuất nhập khẩu vàng, Nhà nước chỉ nên kiểm soát bằng thuế.
“Nếu giá trong nước cứ cao sẽ dẫn đến buôn lậu vàng. Buôn lậu vàng cũng phải dùng USD trong nước đi mua. Chúng ta nên cho nhập và quản lý bằng thuế”, báo Kinh tế Đô thị dẫn lời vị chuyên gia nói.
Đồng thời, việc giá vàng tăng "nóng", xô đổ mọi kỷ lục trong thời gian qua và có mức "chênh" lớn so với giá vàng thế giới, ngoài lý do nguồn cung chưa có sự thay đổi nào, một lý do khác đó là việc “độc quyền” không cho nhập khẩu của cơ quan quản lý.
Đồng tình với ý kiến này, ông Trương Văn Phước - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia lưu ý, nhiệm vụ của Nhà nước nói chung là làm sao có thể để người dân tiếp cận loại tài sản với một mức giá chấp nhận được.
“Tôi nghĩ rằng, Việt Nam có thể tính đến cách tiếp cận coi vàng là hàng hoá thông thường được người dân nắm giữ và không lo vàng hoá nền kinh tế”, chuyên gia nêu kiến nghị.