Động thái “nóng” của Chính phủ khi giá vàng hỗn loạn

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Ngân hàng Nhà nước vào cuộc thanh tra, kiểm tra thị trường vàng và hoạt động mua bán vàng, báo cáo Thủ tướng ngay trong tháng 5, “không để chậm trễ hơn nữa”.
Sputnik
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu, trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, phải kịp thời chuyển ngay hồ sơ đến Bộ Công an và cơ quan chức năng liên quan để điều tra, xử lý theo quy định.

Phó Thủ tướng chỉ đạo khẩn

Báo Người lao động đưa tin, Văn phòng Chính phủ mới đây đã ban hành thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương rà soát, đánh giá toàn diện kết quả triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng thời gian qua, từ đó có giải pháp điều hành để ổn định, bình ổn ngay thị trường vàng.
Song song đó, khắc phục ngay tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, hiệu quả, lành mạnh, công khai, minh bạch, đúng pháp luật, không để vàng hóa nền kinh tế; không để ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.
Việt Nam: Dân ồ ạt đi mua vàng vì tin giá vàng có thể lên 100 triệu đồng/lượng
Phó Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng, cũng như việc tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng miếng, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh vàng miếng, đặc biệt là các hành vi vi phạm pháp luật, buôn lậu, thẩm lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá, cạnh tranh không đúng quy định.
Trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cần kịp thời chuyển ngay hồ sơ đến Bộ Công an và các cơ quan chức năng để điều tra, xử lý theo quy định.
Ngân hàng Nhà nước được yêu cầu phải báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ ngay trong tháng 5/2024, "không để chậm trễ hơn nữa".

Các bộ ngành phối hợp quản lý thị trường vàng

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vàng thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong kinh doanh, mua, bán vàng theo từng lần, "không để chậm trễ" và phải hoàn thành chậm nhất trong quý II/2024.
Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra Chính phủ... và các cơ quan liên quan phải phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong việc quản lý, bình ổn thị trường vàng, bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng.
Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có 5 lần tổ chức đấu thầu vàng miếng SJC với mục đích tăng cung vàng, nhằm "hạ nhiệt" giá vàng.
Giá vàng SJC cao chưa từng có
Sau 5 lần tổ chức đấu thầu, đã có khoảng 6.800 lượng vàng miếng SJC được doanh nghiệp mua. Con số này là khá khiêm tốn so với khối lượng chào thầu của Ngân hàng Nhà nước.
Thế nhưng, trái với kỳ vọng, sau các phiên đấu thầu, giá vàng SJC càng tăng mạnh hơn và liên tiếp lập kỷ lục mới. Đăc biệt, trong ngày 10/5, giá vàng miếng SJC đã lập đỉnh khi vọt lên hơn 92 triệu đồng/lượng.

Cần bỏ độc quyền vàng?

Trước đó, TS. Lê Xuân Nghĩa từng đề nghị, trong điều hành vàng, quan trọng nhất tăng nguồn cung là cho phép ngân hàng thương mại và các công ty kinh doanh vàng, bạc được xuất nhập khẩu vàng, Nhà nước chỉ nên kiểm soát bằng thuế.
“Nếu giá trong nước cứ cao sẽ dẫn đến buôn lậu vàng. Buôn lậu vàng cũng phải dùng USD trong nước đi mua. Chúng ta nên cho nhập và quản lý bằng thuế”, - báo Kinh tế Đô thị dẫn lời ông Nghĩa.
Đồng thời, việc giá vàng tăng "nóng", xô đổ mọi kỷ lục trong thời gian qua và có mức "chênh" lớn so với giá vàng thế giới, ngoài lý do nguồn cung chưa có sự thay đổi nào, một lý do khác đó là việc “độc quyền” không cho nhập khẩu của cơ quan quản lý.
Giá vàng nhẫn tăng khó tin
Đồng tình với ý kiến này, ông Trương Văn Phước - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia lưu ý, nhiệm vụ của Nhà nước nói chung là làm sao có thể để người dân tiếp cận loại tài sản với một mức giá chấp nhận được.
“Tôi nghĩ rằng, Việt Nam có thể tính đến cách tiếp cận coi vàng là hàng hoá thông thường được người dân nắm giữ và không lo vàng hoá nền kinh tế”, - chuyên gia kiến nghị.
Thảo luận