Đại biểu Quốc hội đề nghị cần khắc phục tình trạng cán bộ sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm

Ông Nguyễn Tạo (ĐBQH đoàn Lâm Đồng) nói hơn 150 ngày rồi địa phương không có Chủ tịch UBND tỉnh, mọi việc đều tắc, không có dự án đầu tư mới nào.
Sputnik
Tại phiên thảo luận sáng nay, nhiều ĐBQH băn khoăn về tâm lý sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức hiện nay, nhất là sau khi nhiều người bị kỷ luật hay xử lý hình sự.

Lâm Đồng vắng Chủ tịch tỉnh hơn 150 ngày

Sáng nay (23/5), Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội.
Các đại biểu Quốc hội thảo luận việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, khắc phục tình trạng sợ sai không dám làm. Cũng có một số đại biểu cũng đề cập tình trạng thiếu các chức danh hành chính nhà nước khiến mọi việc bị tắc.
Điển hình, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, tình hình thực tế hiện nay cho thấy, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Chính phủ có lẽ cần chấn chỉnh một số bất cập. Cụ thể, nhiều địa phương đang khuyết các chức danh chủ tịch UBND, HĐND.
“Như địa phương chúng tôi (tức tỉnh Lâm Đồng) là hơn 150 ngày rồi không có Chủ tịch UBND tỉnh. Không có chủ tịch HĐND thì cũng không có vấn đề gì lắm vì HĐND làm việc theo chế độ tập thể. Hiện chúng tôi chỉ có một phó Chủ tịch phụ trách, mà phụ trách thì trong luật không có”, - ông Tạo băn khoăn.
Xác minh tài sản của 58 cán bộ ngân hàng Việt Nam
Nghị quyết của Đảng và Nhà nước thì cũng nói trách nhiệm của người đứng đầu, Điều 22 Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì nói chức trách thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh.
“Thi đua khen thưởng phải ông chủ tịch, trưởng ban chỉ đạo thi hành án dân sự phải là ông chủ tịch, chủ thể ủy quyền tố tụng hành chính phải là ông chủ tịch. Chúng tôi trên dưới 60 vụ án hành chính, kể cả sơ thẩm, phúc thẩm gần 100 vụ, nhưng mà vi phạm hết vì không có ai ủy quyền”, - ông Tạo thẳng thắn và cho hay cá nhân ông rất trăn trở về những vấn đề thuộc chức trách của Chủ tịch UBND tỉnh đều bị tắc.
Vị ĐBQH kiến nghị cần có tính toán để có thể giao quyền chủ tịch như trong luật.
“Còn Lâm Đồng bây giờ, chủ tịch đã không có, quyền chủ tịch cũng không. Trong khi, đây là một địa phương có tới 1,5 triệu dân với 42 dân tộc anh em sinh sống, ngân sách thu khá nhất trong các tỉnh miền núi (đạt trên 15.000 tỷ đồng/năm)”, - ông nói không có chủ tịch tỉnh nên tắc hết.
Như đã thông tin trước đó, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp bị khởi tố, bắt tạm giam đầu tháng 1/2024 để điều tra hành vi nhận hối lộ, quy định tại khoản 4 Điều 354 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) liên quan dự án Sài Gòn Đại Ninh.
Sau đó, ôngVõ Ngọc Hiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng được giao tạm điều hành công việc của Ban Cán sự Đảng và UBND tỉnh Lâm Đồng cũng từ đầu tháng 1/2024.
Không Chủ tịch, Lâm Đồng cũng không có thêm dự án đầu tư mới nào.
Việt Nam thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ
“Từ đầu năm đến giờ chúng tôi không có một dự án đầu tư nào cả. Tha thiết đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm có giải pháp khắc phục ngay lỗ hổng pháp lý này trong trường hợp không có chủ tịch kéo dài do các cơ chế, quy trình, chính sách của Đảng và Nhà nước thì trong bao nhiêu ngày phải có chế định quyền chủ tịch để thực hiện các vấn đề”, - ông Tạo bày tỏ.

Sợ sai

Đề cập đến Nghị định 73 về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang (đại biểu Quốc hội đoàn Đắk Nông) đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn quá trình triển khai thi hành như thế nào.
“Qua thông tin của báo chí thời gian qua, kể cả lãnh đạo các tỉnh cũng nói, tình trạng đùn đẩy, né tránh, không chịu làm, sợ trách nhiệm ngày càng trầm trọng, trong khi đã có Nghị định 73 rồi. Chỗ này, cần phải báo cáo Quốc hội”, - theo vị ĐBQH.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu thực tế, qua nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi với doanh nghiệp thì doanh nghiệp vẫn phản ánh việc xử lý thủ tục hành chính còn trì trệ, người thực thi công vụ còn sợ sai, sợ trách nhiệm dẫn đến đùn đẩy.
6 cán bộ diện Thành ủy Hà Nội quản lý “được mời lên Công an” là ai?
“Có những việc trước đây vẫn quyết mà bây giờ không dám quyết, có nhiều việc cứ hỏi lên cấp trên, hỏi cả sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế nói.
Về tình trạng cán bộ sợ sai, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, đại biểu Quốc hội Đặng Hồng Sỹ (đoàn Bình Thuận) cho hay, theo ông biết thì Thủ tướng đã có 4 công điện, Bộ trưởng Nội vụ đã chỉ đạo nhưng “tình hình không có chuyển biến”.
Ông Sỹ bày tỏ, trước đây, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội, có cả Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đều kiến nghị xem xét sửa lại Điều 219 Bộ luật Hình sự 2015 (tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí).
Theo đó, người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Mức từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng bị phạt tù 3 năm đến 12 năm; trên 1 tỷ đồng từ 10- 20 năm.
Ông Sỹ cho rằng, cần phải sớm phân loại làm rõ, luật cần bổ sung thêm các yếu tố có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng.
Dẫn chứng việc tính giá đất, Bình Thuận có vụ việc lúc đầu tính giá đất hơn 4.000 tỷ đồng, sau tính lần thứ 2 còn 2.900 tỷ đồng, lần thứ 3 còn 2.200 tỷ, lần tư còn 1.500 tỷ đồng. Mà việc này lạido các cơ quan Trung ương thực hiện. Hay trong một vụ án hình sự vừa khởi tố, ban đầu từ thất thoát hơn 3.000 tỷ, sau còn hơn 670 tỷ đồng.
Vĩnh Long luân chuyển, điều động nhiều cán bộ chủ chốt
Ông cho biết thêm, ở Bình Thuận có những dự án rất lớn, như Novaworld gần 1.000ha, chỉ cần 1m2 “lệch” khoảng 100 nghìn đồng thôi là “lệch” không biết bao nhiêu tiền, dù cán bộ không có tiêu cực, tham nhũng.
“Rất khó khăn, đây chính là cái dẫn đến anh em sợ không dám làm. Gần như bị khởi tố về tội này rất nhiều, dù không chứng minh được yếu tố vụ lợi”, - vị ĐBQH lưu ý.
Từ đó, ông Đặng Hồng Sỹ cho rằng, trong quá trình xử lý phải phân loại, đánh giá. Nếu tiêu cực, tham nhũng phải xử lý nghiêm.
“Còn do quá trình tính toán có thể có sai sót, không có động cơ vụ lợi thì “xem xét xử lý hợp lý hơn”, - theo ông, chỉ như vậy, cán bộ, công chức mới mạnh dạn hơn.
Thực tế,trong xử lý vụ liên quan đến phòng chống dịch COVID-19 (vụ Việt Á – PV), cũng đã có sự phân loại.
“Anh nào mua thiết bị, vật tư y tế có thể không đúng nhưng không có động cơ vụ lợi thì xử hành chính. Anh nào tiêu cực, tham nhũng thì xử lý hình sự. Làm được như vậy, có khi mới khắc phục được tình trạng cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh trách nhiệm không dám làm. Nếu không, Nghị định 73, sẽ không được thực hiện trên thực tế”, - ông Đặng Hồng Sỹ nhấn mạnh.
Hà Nội chốt danh sách 28 cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm

Bộ trưởng Nội vụ nói gì?

ĐBQH Đồng Ngọc Ba, đoàn Bình Định nhìn nhận, cần nêu cao tinh thần trách nhiệm và chất lượng cán bộ công chức.
Ông đề nghị Chính phủ thống kê sâu hơn về thực trạng một bộ phận cán bộ công chức có tâm lý né tránh sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai. Dẫn số liệu đến hết năm 2023 và đầu năm nay đã có xử lý kỷ luật với gần 18.000 trường hợp, ông Ba đặt câu hỏi, khi bóc tách các nhóm vi phạm liên quan luật cán bộ công chức, đạo đức công vụ, trốn tránh nhiệm vụ, thoái thác nhiệm vụ, tự ý bỏ công việc thì có hay không, bởi nếu cứ chung chung cảm tính thì khó thực hiện.
Nữ ĐBQH Lò Thị Luyến, đoàn Điện Biên cho rằng, hệ thống các văn bản hiện nay còn mâu thuẫn, chồng chéo, áp dụng thiếu thống nhất.
Theo bà, cán bộ công chức phải giữ gìn sự an toàn, không ai dám làm những việc pháp luật quy định không rõ ràng vì khi làm sẽ bị rủi ro pháp lý.
“Thực tế đã có một bộ phận cán bộ phải chịu sự rủi ro pháp lý. Anh nào liều, cương quyết làm nhưng khi có việc xảy ra, thanh kiểm tra vào thì sẽ rủi ro”, - do đó, theo bà cần nhìn nhận đầy đủ, nếu cứ ép cán bộ công chức thực hiện, khi có hậu quả xảy ra thì thế nào, ai chịu trách nhiệm.
Quảng Ninh bổ nhiệm, điều động loạt cán bộ trong ngày làm việc đầu tiên của năm 2024
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, đúng như các đại biểu phản ánh thì tình trạng cán bộ, công chức, viên chức sợ sai, sợ trách nhiệm né tránh, không dám là chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Đến thời điểm này, theo bà Trà, các văn bản của Đảng, Nhà nước đã rất đầy đủ, mới đây nhất là quy định 144 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Bộ trưởng cũng cho hay, vừa rồi Chính phủ đã rà soát và sửa một loạt các nghị định có liên quan. Trong đó có chùm nghị định liên quan đến quản lý, tuyển dụng, sử dụng cán bộ công chức.
Các quy định gắn với đánh giá xếp loại, xử lý kỷ luật cán bộ công chức đồng bộ; trong đó coi việc né tránh trách nhiệm, sợ sai không dám làm là hành vi vi phạm để có căn cứ xử lý.
Về nguyên nhân, thì theo Bộ trưởng, năng lực, trình độ hiểu biết pháp luật để thực thi các quy định một số nơi chưa tốt; hệ thống thể chế có mặt chưa đồng bộ, thống nhất; khi xử lý kỷ luật nghiêm thì nhiều cán bộ lại nảy sinh tâm lý lo lắng, e dè…
Do đó, Bộ trưởng nhắc lại trách nhiệm về người đứng đầu: “Ở đâu trách nhiệm người đứng đầu tốt thì ở đó phát triển tốt, mọi việc vẫn tốt”.
Thảo luận