“Châu Âu bị cuốn vào cuộc chiến đến mức không đánh giá được mức độ chi phí và phương tiện cần thiết để đạt được mục tiêu quân sự của mình”, - ông Orban nói trong cuộc phỏng vấn với kênh YouTube Patrióta.
Theo ông, NATO muốn trở thành một bên tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraina và “cơ hội để liên minh có thể duy trì được điều này là rất hạn chế, vì họ không muốn bị ai thuyết phục”.
Chính trị gia này cũng gọi ý tưởng quay lại chế độ quân dịch phổ thông đối với EU là điên rồ và nói rằng Budapest phản đối việc “ở Đức hoặc Brussels” ra quyết định về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự đối với công dân Hungary.
“Chúng tôi không muốn bất kỳ ai khác có thể đưa ra quyết định về việc nhập ngũ và gửi lớp trẻ trong độ tuổi nhập ngũ của chúng tôi đi bất cứ đâu. Chúng ta cần quên đi một quân đội toàn châu Âu với chế độ tuyển quân bắt buộc, đó là một ý tưởng điên rồ”, - ông Orban nói.
Ông Orban cảnh báo về kịch bản xấu nhất với vũ khí hạt nhân
Mặc dù các chính trị gia châu Âu coi vũ khí hạt nhân là công cụ răn đe, nhưng những tình huống xấu nhất mà họ không nghĩ đến khi bắt đầu cuộc xung đột có thể trở thành hiện thực, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết.
“Theo quan điểm của tôi, các chính trị gia châu Âu nghĩ về bom hạt nhân như một công cụ răn đe mang tính chiến thuật chứ không phải là một thứ thực sự nên được sử dụng, nhưng điều mà họ không nghĩ đến khi bắt đầu cuộc chiến hoàn toàn vẫn có thể xảy ra vào cuối cuộc chiến, khi những kịch bản tồi tệ nhất trở thành hiện thực", - ông Orban nói.
Trước đó ông Orban cho rằng những tuyên bố của các chính trị gia phương Tây và giới truyền thông cho thấy châu Âu đang chuẩn bị cho một cuộc chiến với Nga. Theo ông, các nhóm công tác của NATO ở Brussels đang cố gắng xác định xem liên minh này có thể tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraina như thế nào. Đồng thời, Budapest đang suy nghĩ làm thế nào để Hungary với tư cách là một thành viên NATO không phải tham gia vào các hoạt động của liên minh bên ngoài lãnh thổ của mình, ông nhấn mạnh.