Hành động khiêu khích của Mỹ ở châu Á
Trung Quốc và Mỹ đã tổ chức vòng tham vấn song phương thứ hai về các vấn đề hàng hải thông qua hội nghị video vào ngày 24/5. Cuộc tham vấn có sự tham dự của ông Hong Liang, Vụ trưởng Vụ Biên giới và Hàng hải, Bộ Ngoại giao Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và ông Mark Lambert, Trưởng Văn phòng Điều phối của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại Trung Quốc.
Trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Ba đã đăng tải một thông điệp sau cuộc đàm phán. Bộ lưu ý rằng trong quá trình tham vấn, các bên đã trao đổi quan điểm về tình hình hàng hải và các vấn đề liên quan, đồng thời đồng ý duy trì đối thoại và tương tác.
“(Hoa Kỳ) không nên can thiệp vào các tranh chấp hàng hải giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, không nên tạo ra những nhóm nhỏ với mục đích “dùng biển để kiểm soát Trung Quốc” và không nên phá hoại hòa bình và ổn định trong khu vực,” thông điệp nêu rõ.
Phía Trung Quốc cũng bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước những hành động khiêu khích của Mỹ ở vùng biển xung quanh Trung Quốc và kêu gọi Washington chân thành tôn trọng chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc.
Trung Quốc đặc biệt kêu gọi Hoa Kỳ ngừng chiều theo các lực lượng ủng hộ “độc lập của Đài Loan”, và nhấn mạnh rằng nguyên tắc “một Trung Quốc” là nền tảng chính trị của quan hệ Trung-Mỹ.
Tranh chấp Biển Đông
Căng thẳng trên Biển Đông vẫn tiếp diễn trong nhiều năm do yêu sách của một số nước trong khu vực đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Các quốc gia liên quan đến tranh chấp quyền sở hữu vùng lãnh thổ này là Việt Nam và Trung Quốc. Ngoài ra, Brunei, Malaysia, Đài Loan và Philippines cũng tuyên bố chủ quyền một phần hoặc toàn bộ quần đảo. Ngoài vị trí chiến lược nằm ở ngã tư của Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa còn được các chuyên gia đánh giá là nơi tập trung trữ lượng dầu và khoáng sản lớn.
Tại các Hội nghị, họp báo quốc tế, Bộ Ngoại giao Việt Nam luôn thể hiện rõ lập trường của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, Hà Nội nhiều lần tái khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Theo đó, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, và quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông, vốn đã được xác lập phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982) cũng như Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên COC.