Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, nguồn lực này sẽ dành đầu tư các dự án trọng điểm, có tính chất xoay chuyển tình thế như đường sắt đô thị Hà Nội, đoạn Văn Cao - Láng Hòa Lạc, đường sắt TP HCM - Cần Thơ; các dự án năng lượng sạch, đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao...
Ngân hàng Thế giới sẽ cho Việt Nam vay 11 tỷ USD trong 5 năm tới
Theo báo Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa tiếp bà Manuela V. Ferro, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) đang thăm, làm việc tại Việt Nam và bà Mariam J. Sherman, Giám đốc Quốc gia mới của WB tại khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia.
Bày tỏ vui mừng về quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và WB, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao việc World Bank tài trợ cho Việt Nam khoảng 25 tỷ USD vào các dự án phát triển kinh tế xã hội.
“Việt Nam luôn coi trọng và chủ trương thúc đẩy, làm sâu sắc hơn nữa hợp tác Việt Nam – WB”, ông nói.
Thủ tướng tiếp Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới
© Sputnik / Dương Giang-TTXVN
Người đứng đầu Chính phủ cũng bày tỏ mong muốn WB sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam triển khai các chương trình, chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức.
Trên tinh thần cùng thắng, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong WB tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về nguồn vốn với lãi suất ưu đãi.
Ông cũng mong Ngân hàng Thế giới giúp Việt Nam cải thiện về công nghệ, xây dựng thể chế, nâng cao năng lực quản trị, đào tạo nhân lực, tư vấn chính sách... nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước.
Theo thông cáo phát đi về kết quả cuộc trao đổi, WB đề xuất cho Việt Nam vay thêm hơn 11 tỷ USD trong 5 năm tới.
Trước đó, tại cuộc gặp giữa Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và bà Manuella Ferro, hai bên cũng cho biết, trong giai đoạn 2024-2028, WB đề xuất tổng danh mục gồm 20 dự án trị giá 11,2 tỷ USD để đầu tư cho các dự án ở Việt Nam, trong đó chủ yếu là các dự án phát triển cơ sở hạ tầng ngành Giao thông vận tải, các dự án về năng lượng và điện, và các dự án tập trung cho khu vực ĐBSCL.
Hoan nghênh đề xuất này, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề nghị hai bên tiếp tục rà soát, đổi mới tư duy, cách làm, tái cơ cấu quản trị trong triển khai các dự án.
Chính phủ cũng giao một Phó Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo, kiểm soát tiến độ dự án hàng tháng, hàng quý để hoàn thành dứt điểm, tránh kéo dài, mang lại sản phẩm cụ thể, hiệu quả cao.
Thủ tướng cũng đề nghị nguồn lực này sẽ dành cho một số dự án lớn trong một số lĩnh vực trọng điểm như chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL; các dự án hạ tầng quy mô lớn, bền vững, có tác dụng lan tỏa, kết nối liên vùng, mở rộng không gian phát triển và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, như dự án đường sắt đô thị từ trung tâm Hà Nội tới Hòa Lạc, đường sắt tốc độ cao TPHCM – Cần Thơ; các dự án năng lượng sạch.
“Việc tập trung nguồn vốn cho một số dự án lớn mang tính chất chuyển đổi trạng thái, xoay chuyển tình thế sẽ vừa giúp phát huy cao nhất hiệu quả nguồn vốn, vừa giúp không mất nhiều thời gian để thực hiện các quy trình, thủ tục”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Việt Nam đã đi được một quãng đường dài
Phó Chủ tịch WB Manuela V. Ferro đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong triển khai các dự án hợp tác với WB thời gian qua, đặc biệt là hoạt động của Tổ công tác do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đứng đầu.
“Việt Nam đã đi được một quãng đường dài trên con đường phát triển, đạt những kết quả rất ấn tượng với quyết tâm, sức mạnh và nỗ lực của tất cả mọi người dân”, theo Phó Chủ tịch WB.
Bà nhấn mạnh, Ngân hàng Thế giới cam kết và mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ, hiệu quả, đồng hành với Việt Nam trên hành trình phát triển tiếp theo, trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045, đồng thời góp phần đẩy mạnh kết nối Việt Nam và các nước trong khu vực, trong bối cảnh thế giới ngày càng phức tạp hơn.
“Thành công của Việt Nam cũng là thành công của WB”, lãnh đạo Ngân hàng Thế giới bày tỏ.
Tại cuộc trao đổi, hai bên cũng thống nhất phối hợp xây dựng Khung đối tác quốc gia Việt Nam - WB giai đoạn 2025-2029, xác định định hướng hợp tác giữa hai bên trong giai đoạn tới, nhất là khả năng huy động và nguồn lực hỗ trợ của WB đối với danh mục tài trợ cho Việt Nam; sớm thống nhất nội dung Khung đối tác quốc gia trình lãnh đạo hai bên thông qua.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ tại cuộc làm việc ngày 27/5, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành trao đổi, làm rõ với WB về những khác biệt chính sách và đề xuất giải pháp giải quyết, tạo thuận lợi cho quá trình chuẩn bị, đàm phán, triển khai các dự án.
Chính phủ cũng tiếp tục thực hiện rà soát về thể chế, chính sách, quy trình thủ tục về ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.
“Việt Nam đã rất tích cực hoàn thiện thể chế, chính sách, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thông qua việc xây dựng, ban hành các luật mới, trong đó có Luật Đất đai; đồng thời giải phóng mặt bằng cho các dự án nhanh hơn với cách làm mới, việc huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở địa phương, vận động người dân tích cực tham gia và bảo đảm quyền và lợi ích, hợp pháp chính đáng của người dân trên cơ sở lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân”, Thủ tướng cho biết.
Tán thành với các ý kiến của Thủ tướng, Phó Chủ tịch cho biết WB mong sớm nhận được đề xuất chính thức của các cơ quan phía Việt Nam, đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết và triển khai các dự án cụ thể bảo đảm tiến độ và hiệu quả.
Theo bà Ferro, Chủ tịch WB Ajay Banga rất mong sớm tới thăm Việt Nam vào thời điểm phù hợp.