Cụ thể, trong số lượng 100.000 tấn gạo trúng thầu lần này, Lộc Trời chiếm 60.000 tấn, còn lại 40.000 tấn là của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Đại Tài - thành viên mới gia nhập hệ sinh thái Lộc Trời từ cuối năm 2022.
Theo thông tin từ Perum Bulog ngày 22/5, Lộc Trời và Đại Tài đã trúng thầu 100.000 tấn trong tổng số 300.000 tấn gạo mà cơ quan này đấu thầu lần này. Dự kiến toàn bộ đơn hàng sẽ được giao trong vòng 2 tháng tới, với hình thức thanh toán thông qua tín dụng thư (LC).
Đại diện Lộc Trời cho biết tập đoàn đang làm việc với các ngân hàng trong và ngoài nước để tài trợ cho việc mua lúa của nông dân phục vụ đơn hàng lớn này. Hiện Lộc Trời có 10 nhà máy chế biến lúa gạo với tổng công suất sấy 10.000 tấn/ngày để đảm bảo tiến độ giao hàng.
Lãnh đạo tập đoàn cũng khẳng định trong quá trình ký kết đơn hàng, Lộc Trời đã tính toán kỹ lưỡng mức giá để vừa bù đắp chi phí, vừa đảm bảo lợi ích của nông dân, thị trường và nông sản Việt Nam lâu dài. Lộc Trời cam kết bao tiêu toàn bộ lúa của nông dân với giá cao hơn thị trường từ 100-500 đồng/kg.
Việc doanh nghiệp ký được hợp đồng xuất khẩu gạo lớn như vậy được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ lúa gạo của nông dân. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại nếu mức giá xuất khẩu quá thấp có thể gây tác động tiêu cực đến thị trường lúa gạo trong nước, ảnh hưởng đến lợi nhuận của nông dân.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng nhấn mạnh theo quy chế xuất khẩu gạo tập trung, giá gạo xuất các đơn hàng lớn sẽ quyết định khung giá chung cho gạo Việt Nam xuất sang các thị trường khác. Do đó, nếu giá xuất khẩu cho Indonesia bị đẩy xuống quá thấp thì sẽ tác động đến giá xuất khẩu tập trung của cả ngành.