Việt Nam trước cơ hội lớn khi thế giới thiếu tới 7 triệu tấn gạo

Việt Nam hiện nay tích cực đàm phán với các đối tác nhập khẩu về việc xem xét tiến tới ký kết bản ghi nhớ thương mại gạo nhằm tạo môi trường ổn định, bền vững về thương mại gạo cho các doanh nghiệp Việt Nam và các nước mua gạo của Việt Nam.
Sputnik
Trong báo cáo gửi Thủ tướng về tình hình xuất khẩu gạo và dự báo xuất khẩu trong thời gian tới Bộ Công Thương Việt Nam đưa ra nhận định: Việc sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023 - 2024 thấp hơn so với mức tiêu thụ, thế giới thiếu hụt khoảng 7 triệu tấn gạo tạo cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam.
Sputnik đã có cuộc phỏng vấn Tiến sỹ kinh tế Lê Hòa về chủ đề thế giới thiếu gạo và cơ hội cho Việt Nam.
Việt Nam sẽ có tỷ phú USD về nông nghiệp và công nghệ?

Tình hình nguồn cung gạo trên thế giới

Sputnik: Chào Tiến sỹ Lê Hòa! Ông có đánh giá như thế nào về tình hình nguồn cung gạo trên thế giới hiện nay?
Chuyên gia Lê Hòa, TS kinh tế:
Nguồn cung gạo toàn cầu sẽ không còn dồi dào. Trước hết đó là vì Ấn Độ - nguồn cung chính, chiếm 40% sản lượng gạo toàn cầu sẽ giảm 4 triệu tấn so với niên vụ trước, chỉ còn 132 triệu tấn.
Thứ hai, do tác động của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu sản lượng gạo tại các thị trường cung cấp khác như Thái Lan, Philippines, Indonesia cũng sẽ giảm.
Trong niên vụ 2023 - 2024 sản lượng gạo toàn cầu sẽ đạt gần 518 triệu tấn, trong khi tổng mức tiêu thụ là 525 triệu tấn. Từ đây có thể thấy là thế giới sẽ thiếu khoảng 7 triệu tấn gạo trong năm 2024. Như Bộ Công Thương nhận định, tình hình như thế tạo cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam.
Hiện nay, có tới gần 30 quốc gia đã thực hiện siết chặt, hạn chế hoặc tạm dừng xuất khẩu lương thực nhằm mục đích bảo vệ nguồn cung nội địa. Điều này chắc chắn sẽ làm tăng giá gạo. Đây cũng là điều thuận lợi cho các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam.

Cơ hội và thách thức song song

Sputnik: Theo ông thì Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này như thế nào?
Chuyên gia Lê Hòa, TS kinh tế:
Năm 2023 xuất khẩu gạo Việt Nam lập kỷ lục với kim ngạch xuất khẩu 4,78 tỉ USD, tăng 36,6% so với năm 2022. Đầu năm 2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục tăng. Việt Nam là một trong ba quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Xuất khẩu gạo của Việt Nam chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu. Cho nên, tất cả sự thay đổi về chính sách, biến động về cung cầu và biến động giá cả tại các quốc gia tiêu thụ gạo trên thế giới đều ảnh hưởng trực tiếp đến ngành gạo Việt Nam.
Việc thị trường thế giới thiếu gạo và giá tăng, tất nhiên, là cơ hội tốt cho ngành lúa gạo Việt Nam, nhưng tận dụng được nó một cách hiệu quả không hề dễ dàng.
Một thách thức rất lớn đối với các nhà sản xuất Việt Nam là vào mùa khô năm 2023 – 2024 tình trạng xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long ở mức khá trầm trọng và điều này ảnh hưởng đến việc trồng lúa, sản xuất gạo vụ hè - thu năm 2024.
“Bát cơm” của người Việt có bị đe dọa bởi xâm nhập mặn?
Một khó khăn nữa là tình hình địa chính trị khu vực, toàn cầu căng thẳng, trong đó có khu vực biển Đỏ gây ảnh hưởng tới quá trình buôn bán, giao hàng, nói chung logistic.
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam hiện nay tích cực đàm phán với các đối tác nhập khẩu về việc xem xét tiến tới ký kết bản ghi nhớ thương mại gạo nhằm tạo môi trường ổn định, bền vững về thương mại gạo cho doanh nghiệp Việt Nam và các nước mua gạo của Việt Nam. Trước hết đó là những thị trường mua nhiều gạo của Việt Nam như gạo lớn như Singapore, Indonesia, Trung Quốc, Philippines, Nhật Bản...
Theo tôi, việc các doanh nghiệp gạo chủ động trong hoạt động nghiên cứu các thị trường, bám sát các thị trường và tổ chức kinh doanh hiệu quả, bền vững là rất quan trọng và cần thiết.
Sputnik: Cảm ơn Tiến sỹ đã dành thời gian cho Sputnik.
Thảo luận