Hiện tượng Sư Thích Minh Tuệ, một người “tự tu” theo hạnh đầu đà gây chấn động dư luận thời gian qua vẫn còn là một đề tài rất “nóng” không chỉ trên mạng xã hội.
Để tìm hiểu và biết rõ hơn về Sư Thích Minh Tuệ và những vấn đề tu tập theo Phật pháp, Sputnik đã có cuộc trao đổi với Thượng tọa Thích Chỉnh Tuệ, trụ trì chùa Thiện Mỹ, Nam Định, nguyên Ủy viên Ban Kinh tế Tài chính Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (TW GHPG Việt Nam), Chủ tịch Trung tâm Mỹ thuật Phật giáo Việt Nam, Trung tâm Việt Nam thư đạo, nguyên giảng viên Ban Hoằng Pháp Trung ương. Thượng tọa Thích Chỉnh Tuệ tốt nghiệp Cao cấp Phật học, có bằng Cử nhân Mỹ thuật và Cao cấp Giảng sư.
Ông Thích Minh Tuệ
© Ảnh
Sư muốn tu hạnh xả ly
Sputnik: Con kính chào Thầy! Xin chân thành cảm ơn Thầy đã đồng ý trả lời phỏng vấn của Sputnik.
Thưa Thầy, Giáo hội PGVN nói là Sư Thích Minh Tuệ không phải là tu sỹ Phật giáo. Theo Thầy, như thế nào mới là một tu sỹ Phật giáo?
Thượng tọa Thích Chỉnh Tuệ, trụ trì chùa Thiện Mỹ, Nam Định:
TW GHPG Việt Nam ra công văn gửi Ban Trị Sự các tỉnh thành do Thượng tọa Thích Đức Thiện ký và đóng dấu với chức vụ Phó Ban Trị Sự TW và Tổng Thư Ký TW GHPG Việt Nam phủ nhận sư Thích Minh Tuệ thế danh Lê Anh Tú là không đúng, không chuẩn với giáo lý và giới luật Phật. TW GHPG Việt Nam là cơ quan quản lý, người tu có quyền tham gia hoặc không tham gia tổ chức này được luật pháp bảo hộ. Còn việc Sư Minh Tuệ tự nhận mình không phải là sư, không phải là thầy của ai, tự nhận con sống không nhà, không của, không thất, không chùa viện, không thuộc GHPG Việt Nam, ... là sư muốn tu hạnh xả ly, không hình tướng, tự chịu trách nhiệm, không liên lụy ai, không vướng lụy hư danh, hình thức, tiền bạc, vật chất phù phiếm.
Công dụng của pháp đầu đà là để rèn luyện đức tính thiểu dục tri túc và ngăn ngừa lòng tham dục
Sputnik: Thầy có thể nói về cách tu của Sư Thích Minh Tuệ không, về tu theo hạnh đầu đà? Chắc chắn nhiều độc giả chưa biết hoặc biết rất ít về nó.
Thượng tọa Thích Chỉnh Tuệ, trụ trì chùa Thiện Mỹ, Nam Định:
Đầu đà có nghĩa là khổ hạnh. Người tu theo hạnh đầu đà chấp nhận những khó khăn trong các vấn đề ăn, mặc, ở. Người thực hành hạnh này sẽ dễ thúc liễm thân tâm, thanh tịnh ba nghiệp.
Thứ nhất, về việc mặc: Người tu hạnh đầu đà chỉ mặc ba y, không nhận thêm y thứ tư. Vải lượm ở nghĩa địa, ngoài đường, đống rác đem về chắp vá khâu lại thành y để mặc, gọi là y phấn tảo. Không nhận y do thí chủ may sẵn cúng dường.
Thứ hai về việc ăn: Người tu hạnh đầu đà chỉ ăn thức ăn trong bình bát, ăn bằng cách đi khất thực, khi khất thực phải đi tuần tự từng nhà, không phân biệt nhà giàu nhà nghèo, không phân biệt thực phẩm ngon dở, ăn ngày một bữa, ngồi ăn chỉ một lần, khi đã đứng lên rồi thì không ngồi xuống ăn lại. Không cất chứa hoặc để dành thức ăn qua ngày hôm sau.
Thứ ba, về việc ở: Người tu hạnh đầu đà ở gốc cây, ở rừng, ở nghĩa địa, ở giữa trời, ở chỗ nào cũng được miễn là an toàn, an ninh, đặc biệt chỉ ngồi không nằm khi ngủ cũng trong tư thế ngồi.
Công dụng của pháp đầu đà là để rèn luyện đức tính thiểu dục tri túc và ngăn ngừa lòng tham dục. Trong điều kiện sống ngày nay, khó ai có thể thực hành được mười ba hạnh đầu đà này.
Sau 2 năm ở chùa, Sư Minh Tuệ xin xuất chúng vào núi Sạn, Nha Trang sống độc cư, phát nguyện tu theo 13 hạnh đầu đà
Sputnik: Sư Thích Minh Tuệ có tiểu sử như thế nào, thưa Thầy?
Thượng tọa Thích Chỉnh Tuệ, trụ trì chùa Thiện Mỹ, Nam Định:
Sư Thích Minh Tuệ thế danh Lê Anh Tú, sinh năm 1981 (43 tuổi) tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Năm 1994 gia đình chuyển vào Gia Lai sinh sống, lập nghiệp. Học xong trung học Sư đi bộ đội 3 năm, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự Sư theo học Trường Trung cấp Nông nghiệp Đăk Lăk. Tốt nghiệp Sư đi làm cho một công ty tư nhân về đo đạt ruộng đất gọi là cán bộ địa chính.
Năm 2015, ông xin cha mẹ xuất gia sau tu thử 6 tháng tại gia, ăn chay một ngày một bữa, tập ngồi thiền, tụng kinh. Thủ tục xuất gia do cha mẹ ký đồng ý, có đại diện chính quyền địa phương xác nhận, lý lịch trong sạch không vi phạm pháp luật. Sau sư cậy nhờ một người có uy tín bảo lãnh và giới thiệu sư xuất gia tại một chùa theo phái khất sỹ tại Tây Ninh nương theo Hòa thượng Thích Thông Lạc, vì nghe đồn vị này chứng quả A la hán, viện chủ Tu viện Chơn Như. Tu Viện tọa lạc tại ấp Gia Lâm, xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, Việt Nam.
Ở chùa hơn 2 năm sư xin xuất chúng vào núi Sạn, Nha Trang sống độc cư, phát nguyện tu theo 13 hạnh đầu đà do Phật Thích Ca truyền dạy trong kinh điển. Sáng đi khất thực đồ chay trong dân, ăn mỗi ngày một bữa, chiều tối về tu tập ngồi thiền trong hang tối, ngủ ngồi không nằm. Mặc áo phấn tảo, nhặt vải liệm trong nghĩa địa, hố rác ven đường hoặc người ven đường, đem về giặt sạch, khâu vá lại, ...
Nói chung, thực hành 13 hạnh đầu đà mục đích không vướng bận vào chuyện ăn, chuyện mặc và chuyện ở, không vướng vật chất. Một thời gian sau, năm 2018, sư phát tâm bộ hành Nam Bắc với mục đích đối diện với khổ thực tế, nhân tình thế thái, đối diện với nguy hiểm,... để đạt được vô úy ( không sợ hãi), ngã chấp, vượt vô thường, bỏ tham sân si.
Không phải ai cũng thực hành được
Sputnik: Sư Thích Minh Tuệ đã hai lần đi bộ như vậy rồi nhưng không ai để ý. Vì sao lần này lại gây một “cơn bão “xã hội như vậy?
Thượng tọa Thích Chỉnh Tuệ, trụ trì chùa Thiện Mỹ, Nam Định:
Lý do là khi quả mãn, hợp thời, hợp xứ, hợp nhân tình thì ngài xuất hiện. Trước đây, youtubers cũng có đưa lên mạng nhưng dân chúng còn nghi ngờ, chưa tin. Khi thời gian chín muồi, qua thực tế, dân chúng chứng kiến tận mắt họ mới có lòng tin. Gây bão mạng một phần cũng nhờ các youtubers, tiktok ...
Sputnik: Những người đi theo Sư cũng như trong xã hội 5-7 hạng người, nhưng không thể không nhận thấy rằng nhiều người dân coi Sư Thích Minh Tuệ như một vị Thánh sống. Thầy có bình luận gì về hiện tượng này?
Thượng tọa Thích Chỉnh Tuệ, trụ trì chùa Thiện Mỹ, Nam Định:
Trước đây người Phật tử chỉ nghe và đọc trong kinh điển thôi, kể cả đức Phật và Tổ sư Ma Ha Ca diếp, Đầu Đà Đệ Nhất. Giờ Phật tử họ tận mắt nhìn thấy, con người bằng xương, bằng thịt làm được những hạnh khó, làm một cách phi thường, hy hữu, có một không hai, đầy từ bi, trí tuệ. Từ sự thán phục, kính nể họ sùng bái và xưng tụng ngài là bậc A la hán, bậc Thánh, là đức Phật hiện thân...
Sputnik: Có ý kiến cho rằng, tại vì Sư cho nên có những hình ảnh không đẹp, rồi có người đi theo bị chết, bị say nắng ngất, con cho là không công bằng, Thầy nghĩ sao?
Thượng tọa Thích Chỉnh Tuệ, trụ trì chùa Thiện Mỹ, Nam Định:
Đổ tội cho Sư Thích Minh Tuệ là không đúng! Trong giáo lý nhà Phật: Sống chết là do nghiệp. Cái chết là do hết nghiệp. Có người do sốc nhiệt mà chết, mà bị ngất để thấy đây là pháp môn khó tu, không phải ai cũng thực hành được, càng làm sáng tỏ sự nhiệm mầu của chính pháp của đức Phật.
Sư Thích Minh Tuệ ẩn tu cũng thuận theo ý Trời Phật
Sputnik: Theo Thầy, việc Sư Thích Minh Tuệ tự chấp nhận phải thay đổi cách tu thể hiện điều gì?
Thượng tọa Thích Chỉnh Tuệ, trụ trì chùa Thiện Mỹ, Nam Định:
Khi quyết định xuất gia, phải có tín tâm bất thối với Phật Pháp Tăng. Niềm tin sắt đá, không do dự sợ hãi. Lịch sử Phật giáo thế giới cũng như Việt Nam cho thấy, bắt buộc phải trải qua kiếp nạn mới chứng tỏ chân lý. Người tu cũng vậy, phải dũng mãnh vượt chướng ngại. Có Phật Thánh hai vai hộ trì mình. Không ngần ngại, lo sợ gì.
Việc Thích Minh Tuệ ẩn tu cũng thuận theo ý Trời Phật, ông thực hành chính pháp của đức Phật thì trời, người ủng hộ ông. Ai không ủng hộ ông thì nhân quả hiện tiền đấy thôi. Lo chi, có luật hết rồi. Nhà chính trị, nhà kinh tế, nhà khoa học, nhà xã hội, nhà tu, nhà không tu, ... dân chúng ủng hộ và yêu thương ông đấy. Ai làm chi phải tự xét, nên tốt hay nên xấu, ông có cần gì đâu. Chết cũng được, còn sống còn theo Phật, còn tu mãi.
Người tu có Phật Thánh hai vai nâng đỡ, lo chi.
Sư Minh Tuệ tùy thuận chúng sinh, tùy thuận hoàn cảnh xã hội, trong đó có chính quyền, giáo hội... Mục đích của Sư vì lợi ích chúng, sự bình yên của cộng đồng xã hội. Sư đâu cầu danh, cầu lợi gì cho bản thân đâu. Sư xuất hiện đến đó là vừa đủ. Sư còn xuất hiện gọi là chương hai, chương 3 nữa ... cho đến chết mà. Miễn là bình an cho cộng đồng xã hội. Về mặt chính quyền, giáo hội, nên có chính sách hợp lý, hợp lòng dân, thì hình ảnh Sư Minh Tuệ sẽ đóng góp cho đất nước, dân tộc trong nhiều lĩnh vực: Văn hóa tâm linh, đạo đức, kể cả chính trị, kinh tế, du lịch...
Sputnik: Kính cảm ơn Thầy vì những thông tin và suy nghĩ của Thầy!