Việt Nam đã đáp ứng 6 tiêu chí của Mỹ

Theo chuyên gia, Việt Nam đáp ứng 6 tiêu chí kinh tế thị trường của Mỹ.
Sputnik
Thực tế, trong quá trình phát triển kinh tế thị trường, bản thân các nước tư bản đi trước cũng có rất nhiều mô hình khác nhau. Các quốc gia, các nền kinh tế quy định khác nhau về các tiêu chí để xem xét một nền kinh tế có thị trường hay không.

Việt Nam thậm chí “còn làm tốt hơn”

Nói với chuyên trang Đầu tư tài chính, báo Sài gòn Giải phóng, TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, khẳng định, Việt Nam hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí về kinh tế thị trường của Mỹ.

“Đối với Việt Nam, nhiều chuyên gia quốc tế khẳng định chúng ta đã đáp ứng được 6 tiêu chí xác định kinh tế thị trường của Hoa Kỳ”, ông nói nền kinh tế Việt Nam thậm chí còn làm tốt hơn so với nhiều nền kinh tế đã được công nhận quy chế kinh tế thị trường.

Vị chuyên gia khẳng định, mục tiêu của Việt Nam xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là hoàn toàn tương thích với cách các nước khác đã lựa chọn và đi trước.
Các nước có thể chọn mô hình kinh tế thị trường khác nhau, nhưng cùng hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống người dân và đạt được tốc độ phát triển kinh tế bền vững.
Ông dẫn chứng, nền kinh tế thị trường của Pháp là mô hình tăng trưởng kiểu cũ; Hoa Kỳ là mô hình tăng trưởng kiểu mới; các nước Bắc Âu chọn phát triển kinh tế thị trường phúc lợi; Đức và Áo đi theo mô hình kinh tế thị trường xã hội.
Việt Nam muốn Mỹ sớm công nhận nền kinh tế thị trường

Phản biện về sự can thiệp của Nhà nước

Về việc nền kinh tế thị trường của Việt Nam khi vẫn còn sự can thiệp của Nhà nước, ông Kiên cho rằng, ý kiến này có phần phiến diện và không đặt trong bức tranh tổng thể với đặc thù của nền kinh tế.
Điển hình như với thị trường xăng dầu, Việt Nam không hạn chế doanh nghiệp đầu mối tham gia vào thị trường này, nhưng quy định đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp phải đáp ứng được yêu cầu về kho bãi, vốn, và quan trọng nhất là phải xử lý được ngoại tệ để nhập khẩu.
Xét toàn diện về thị phần, khả năng bảo đảm cung ứng xăng dầu, đặc biệt là khi nhìn ở những địa bàn không có lợi nhuận như vùng xa, sẽ thấy chỉ có doanh nghiệp Nhà nước là Petrolimex mới đảm đương được nhiệm vụ này.
“Thông qua các doanh nghiệp này, Nhà nước sẽ thực hiện chức năng bảo đảm an sinh xã hội. Đó là cách giải thích đơn giản và dễ hiểu về mô hình kinh tế thị trường của Việt Nam”, TS. Nguyễn Đức Kiên bày tỏ.
Hay như xử lý khủng hoảng ngân hàng 2023, Chính phủ Hoa Kỳ phải cam kết tiền gửi của người dân ở ngân hàng không bị mất. Đó là sự can thiệp của Nhà nước vào doanh nghiệp.
“Tương tự như vậy, ở Việt Nam, nếu vừa qua Nhà nước không can thiệp để xử lý các ngân hàng yếu kém thì điều gì sẽ xảy ra đối với doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế?”, ông nêu vấn đề.
Việt Nam: Đề xuất đánh thuế giao dịch vàng
Chuyên gia chỉ rõ, quá trình vận hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam tương đối ổn định. Sự ổn định thể hiện ở những ảnh hưởng do tác động của kinh tế thị trường đến xã hội, đến cuộc sống người dân ở mức có thể chấp nhận được và trong phạm vi có thể phòng tránh được, không xảy ra tình trạng thất nghiệp hàng loạt, đẩy người lao động đến tình trạng vô gia cư.
“Đó là mặt thành công của Việt Nam khi vận hành theo mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, TS. Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh.
Thêm vào đó, theo vị chuyên gia, hệ thống pháp luật của Việt Nam đã ổn định, tiếp cận và tương thích với hệ thống luật pháp quốc tế và các điều ước quốc tế mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết.
Chuyên gia Nguyễn Đức Kiên nêu quan điểm: “Một trong những thành công của chúng ta là đã hoàn thiện, đồng bộ được các thể chế, tiếp cận thể chế quốc tế để nền kinh tế vận hành thông suốt”.

Dấu hiệu tích cực

Đề cập đến phiên điều trần của Bộ Thương mại Hoa Kỳ về nâng cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, đây là tín hiệu tích cực trong quan hệ ngoại giao giữa 2 nước và cũng cho thấy những cải cách của Việt Nam.
TS. Nguyễn Đức Kiên chỉ rõ: “Một trong những nội dung đáng quan tâm nhất là Hoa Kỳ thực hiện cam kết về việc 2 bên tôn trọng sự khác biệt về thể chế chính trị của nhau như nội dung trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trước đây”.
Điểm tích cực có thể nhận thấy là những cải cách thể chế của Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Hoa Kỳ, quốc gia định ra luật chơi kinh tế thị trường, phải chú ý và đưa ra trao đổi, bàn thảo.
Việt Nam được công nhận là kinh tế thị trường: Cơ hội lịch sử và thách thức tiềm tàng
Theo đó, nay Mỹ đã có thể đặt vấn đề có thể con đường mà Việt Nam đi có thể khác, nhưng đích đến vẫn là kinh tế thị trường.
“Theo tôi, đó là một bước tiến trong nhận thức và trong quan hệ giữa 2 nước. Đứng ở góc độ người làm công tác nghiên cứu kinh tế, tôi cho rằng phiên điều trần còn phát đi tín hiệu tốt trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ”, chuyên gia lưu ý.
Ông nhắc lại, việc Mỹ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam sẽ góp phần cụ thể hóa cam kết của lãnh đạo cấp cao 2 quốc gia, tăng cường mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện; qua đó thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân 2 nước.
Đứng về phương diện của nền kinh tế, lợi ích của việc được công nhận là nền kinh tế thị trường sẽ mở rộng thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với Hoa Kỳ, gián tiếp tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.
Các doanh nghiệp Hoa Kỳ có thêm cơ hội tiếp cận thị trường và xuất khẩu sang Việt Nam, góp phần thúc đẩy chuỗi cung ứng phù hợp với lợi ích của Hoa Kỳ, nhất là khi Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất của thế giới, đặc biệt là cơ hội phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

“Việt Nam đã là nền kinh tế thị trường”

Ông Andreas Stoffers, Giám đốc quốc gia Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) tại Việt Nam, khẳng định điều này với báo TG&VN của Bộ Ngoại giao.
“Những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể cả về số lượng và chất lượng. Cá nhân tôi cho rằng, Việt Nam có thể được công nhận một cách chính đáng là nền kinh tế thị trường”, ông Stoffers nói.
Việt Nam tiếp tục vận động Mỹ công nhận nền kinh tế thị trường
Đặc biệt, sự tiến bộ của Việt Nam đã được ghi nhận trong báo cáo thường niên về Chỉ số tự do kinh tế 2024 của Quỹ Di sản (Heritage Foundation của Mỹ). Theo đó, trong năm, Việt Nam xếp thứ 59/179 quốc gia. Như vậy, tính từ năm 1995, Việt Nam đã tăng 21 điểm, nhiều hơn tất cả các quốc gia nào có quy mô tương đương. Nhưng điểm đáng chú ý nhất là kể từ khi lập báo cáo cách đây 30 năm, chưa có quốc gia nào có mức tăng trưởng cao hơn Việt Nam, trong đó, phải kể đến việc tăng 13 bậc chỉ trong một năm (từ năm 2023 đến năm 2024).
Chuyên gia nước ngoài cũng chỉ rõ, kể từ thời kỳ Đổi mới, Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc khi chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang từng bước hoàn thiện nền kinh tế thị trường.
Thị trường ngày càng đóng vai trò quyết định về mặt giá cả và cung/cầu. Việt Nam không chỉ được hưởng lợi từ thương mại tự do mà ngày càng thu hút các nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới. Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) là những đất nước có nhiều nhà đầu tư chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư.
Theo quy định của Mỹ, có 6 tiêu chí được sử dụng để xác định xem một quốc gia có phải là nền kinh tế thị trường hay không. Đó là: Mức độ chuyển đổi của đồng tiền; Đàm phán tiền lương, tiền công giữa người lao động và người sử dụng lao động; Mức độ đầu tư nước ngoài vào các hoạt động kinh tế; Vấn đề sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân; Mức độ kiểm soát của Chính phủ với một số nguồn lực và giá cả; Các yếu tố khác.
“Việt Nam đã đáp ứng được tất cả các tiêu chí này. Nhiều thay đổi tích cực đã diễn ra ở đất nước”, chuyên gia khẳng định.
Thảo luận