Việc bắt giữ, khám xét nơi làm việc của các bị can nhằm để điều tra về một số hồ sơ liên quan đến kết quả giám định, điều trị các bệnh nhân.
Bắt tạm giam loạt bác sĩ Viện Pháp y Tâm thần Trung ương Biên Hòa
Theo báo Lao động, ngày 14/6, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã bắt tạm giam bác sĩ Nguyễn Văn Trọng (Trưởng Khoa Điều trị bắt buộc nhóm nghiện chất), bác sĩ Hà Ngọc Khánh, bác sĩ Phạm Văn Thắng và điều dưỡng Lâm Thị Ánh Hồng, thuộc Viện Pháp y Tâm thần Trung ương Biên Hòa.
Ngoài ra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng bắt bác sĩ Bùi Thế Hùng - nguyên Viện trưởng Viện Pháp y Tâm thần Trung ương Biên Hòa.
Việc bắt giữ được thực hiện hôm qua 13/6. Cùng với việc bắt giữ, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng tiến hành khám xét nơi ở và nơi làm việc của các bị can trên với sự chứng kiến của lãnh đạo Viện Pháp y Tâm thần Trung ương Biên Hòa.
Theo nguồn tin ban đầu, động thái trên nằm trong quá trình cơ quan công an điều tra về một số hồ sơ liên quan đến kết quả giám định, điều trị các bệnh nhân.
Chức năng của Viện Pháp y Tâm thần Trung ương Biên Hòa
Viện Pháp y Tâm thần Trung ương Biên Hòa là đơn vị sự nghiệp y tế công lập trực thuộc Bộ Y tế, được thành lập năm 2016. Bệnh viện có trụ sở đặt tại TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Viện Pháp y Tâm thần Trung ương Biên Hòa có chức năng thực hiện giám định pháp y tâm thần; quản lý, điều trị các đối tượng rối loạn tâm thần theo quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh của các cơ quan tố tụng.
Viện cũng là nơi khám và điều trị người bệnh tâm thần có nhu cầu; tham gia đào tạo sau đại học về chuyên ngành pháp y tâm thần; bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho bác sĩ, giám định viên pháp y tâm thần.
Viện có quy mô 250 giường bệnh với 7 khoa chuyên môn, chịu trách nhiệm làm giám định pháp y tâm thần cho 10 tỉnh gồm: Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long.
Viện còn tiếp chỉ đạo chuyên môn cho 3 trung tâm pháp y tâm thần khu vực TP.HCM, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.
Bộ Y tế xác định Viện Pháp y Tâm thần Trung ương Biên Hòa thực hiện giám định pháp y tâm thần có "mắt xích quan trọng" trong hoạt động xét xử, nhằm đảm bảo đúng người, đúng tội, đảm bảo sự công minh, công bằng của pháp luật.