Điều chỉnh quan hệ Nga-Việt phù hợp với tình hình mới

“Điều quan trọng nhất vẫn là những điều chỉnh về mặt kỹ thuật quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Nga nhằm mục đích đưa quan hệ đó phát triển theo chiều sâu, thiết thực hơn, cụ thể hơn và có tính đến vấn đề Mỹ và phương Tây đang đe dọa cấm vận, trừng phạt các quốc gia có quan hệ với Nga nằm ngoài hành lang do họ vạch ra”.
Sputnik
Như Sputnik đã đưa tin, nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, từ ngày 19 đến ngày 20/6/2024.Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin sẽ thăm cấp nhà nước Việt Nam.
Trước thềm chuyến thăm Sputnik đã phỏng vấn một số chuyên gia Việt Nam về chuyến thăm được mong đợi lâu nay này.

Chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề quốc tế và toàn cầu được thảo luận

Chuyến thăm cấp nhà nước lần này là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Tổng thống Nga Vladimir Putin sau khi Nga mở Chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina. Trước đây Tổng thống Nga đã có 4 lần thăm Việt Nam, mỗi chuyến thăm đều là dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước, kể cả các chuyến thăm kết hợp tham dự các hội nghị APEC.
Các chuyên gia nhận định: Với bước ngoặt có tác động lớn tới tình hình quốc tế khi Nga phải tiến hành những hoạt động quân sự do tình thế bắt buộc ở Ukraina, chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề được thảo luận, đặc biệt là trong các buổi tiếp riêng Tổng thống Nga của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, của Chủ tịch nước Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính.

“Những vấn đề cấp thiết nhất mà hai bên cùng quan tâm là xu thế đa cực, nhiều trung tâm của thế giới đang hình thành gắn với sự điều chỉnh quan hệ Việt-Nga theo sự phát triển của xu thế đó; vấn đề an ninh toàn cầu trước những mâu thuẫn ngày càng gia tăng vì lý do cạnh tranh địa chiến lược, địa chính trị; các vấn đề an ninh phi truyền thống như năng lượng, lương thực, môi trường, an ninh mạng và truyền thông.

Các vấn đề phát triển quan hệ giữa Liên bang Nga với khối ASEAN cũng có thể được đặt ra bởi Nga coi trọng vai trò của Việt Nam trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Và còn có thể có cả vấn đề quan hệ giữa Việt Nam và khối BRICS”, - Nhà nghiên cứu, chuyên gia về Nga Nguyễn Hồng Long đã đưa ra nhận định, trả lời phỏng vấn của Sputnik.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long cũng nói thêm rằng, đây cũng là dịp để tổng thống Nga trực tiếp bày tỏ quan điểm của Nga về những gì đang diễn ra ở Châu Âu kể từ năm 2014 tới nay, trong đó có các mục tiêu của các hoạt động quân sự của Nga tại Ukraina.
Trợ lý Tổng thống Nga nói về chương trình chuyến thăm Việt Nam của ông Vladimir Putin

Điều chỉnh về mặt kỹ thuật quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Liên bang Nga

Trong hơn hai năm qua, do Nga bị chịu hàng chục nghìn lệnh trừng phạt của phương Tây và Mỹ, hợp tác của Nga và Việt Nam trong nhiều lĩnh vực đã và đang vấp phải những trở ngại lớn.
“Một trong những cản trở, vướng mắc trong quan hệ song phương Việt-Nga từ khi Nga tiến hành Chiến dịch quân sự đặc biệt là vấn đề thanh toán trong phương. Theo tôi, đây cũng sẽ là một trong những chủ đề đàm phán ở cấp thấp hơn cấp nguyên thủ quốc gia. Nga nhiều lần đã đưa ra những phương án thanh toán khác nhau, nhưng phía Việt Nam chưa chấp nhận. Kỳ vọng lần này sẽ có giải pháp chung cho vấn đề này”, - TS kinh tế Lê Hòa nói với Sputnik.

“Hợp tác nhân đạo, mới nhìn thì có vẻ không phải là quan trọng nhất, nhưng thực chất nó có ý nghĩa và tác động rất lớn tới phát triển quan hệ giữa hai nước. Việt Nam là nước duy nhất ở Đông Nam Á có một lực lượng đông đảo các nhà Nga ngữ học, những người được đào tạo ở Liên Xô, ở Nga. Ở Việt Nam có mạng lưới hội hữu nghị Việt-Nga lớn và hoạt động tích cực.

Nga đã đặt Trung tâm tiếng Nga tại Đông Nam Á ở Hà Nội…Nhưng còn rất nhiều việc phải làm nữa để xây dựng hình ảnh nước Nga hiện tại tại Việt Nam, một hình ảnh thực chất. Không thể phủ nhận một điều là hình ảnh nước Nga tại Việt Nam bị bóp méo nhiều dưới tác động của giới thông tin truyền thông. Hợp tác nhân đạo phải là một trong những chủ đề trung tâm của đàm phán song phương”, - TS sử học Hoàng Giang phát biểu với Sputnik.

“Ở cấp thấp hơn, sẽ có nhiều vấn đề hợp tác cụ thể được bàn thảo như hợp tác kỹ thuật quân sự, an ninh truyền thông – an ninh mạng, bảo vệ bí mật quốc gia, hợp tác kinh tế, kỹ thuật về năng lượng, về khoa học và công nghệ cao, về đầu tư song phương, về hợp tác tài chính-ngân hàng và các lĩnh vực hợp tác khác như văn hóa, thể thao, du lịch.v,v…”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm nêu nhận định của mình với Sputnik.
Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm cũng nhấn mạnh rằng điều quan trọng nhất vẫn là những điều chỉnh về mặt kỹ thuật quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Liên bang Nga nhằm mục đích đưa quan hệ đó phát triển theo chiều sâu, thiết thực hơn, cụ thể hơn và có tính đến vấn đề Mỹ và phương Tây đang đe dọa cấm vận, trừng phạt các quốc gia có quan hệ với Nga nằm ngoài hành lang do họ vạch ra.

“Những mối quan hệ đó cần được điều chỉnh về kỹ thuật sao cho vẫn bảo đảm quan hệ song phương Việt-Nga nhưng lại không ảnh hưởng tới quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác có quan hệ không thân thiện với Nga. Đây là bài toán khó mà hai bền cần chung sức hóa giải”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm nhấn mạnh.

Thảo luận