Hội nghị thường niên các nhà tiên phong do WEF phối hợp với Chính phủ Trung Quốc tổ chức hàng năm. Sự kiện có quy mô lớn thứ hai, chỉ sau Hội nghị thường niên tại Davos, Thụy Sĩ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Trung Quốc
Bộ Ngoại giao vừa có thông cáo cho biết, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của WEF tại TP. Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh và làm việc tại Trung Quốc ngày 24-27/6.
Chuyến đi của Thủ tướng Việt Nam diễn ra theo lời mời của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) – GS. Klaus Schwab.
Hội nghị thường niên các nhà tiên phong năm nay có sự tham gia của hơn 1.500 lãnh đạo cấp cao từ các chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và quốc tế, cùng các nhà khởi nghiệp, nhà phát minh và học giả đến từ nhiều lĩnh vực. Các đại biểu dự kiến sẽ tập trung thảo luận, đề xuất giải pháp cho nền kinh tế thế giới.
Năm nay, hội nghị lấy chủ đề "Những mặt trận tăng trưởng mới", trong bối cảnh các dự báo kinh tế mới nhất cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang bước vào giai đoạn "hạ cánh mềm".
Tăng trưởng kinh tế đang trong quá trình hồi phục, tình trạng lạm phát giảm và tốc độ phát triển thần tốc của công nghệ như trí thông minh nhân tạo (AI) đang thúc đẩy mọi ngành nghề kinh tế phát triển.
"Tuy nhiên, rủi ro và căng thẳng vẫn tồn tại. Chỉ khi có sự tham gia của mọi bên liên quan và hợp tác ở mọi cấp độ phù hợp, thế giới mới có thể mở khóa những mặt trận tăng trưởng mới", - WEF lưu ý.
Theo trang web của WEF, dự kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc toàn thể ngày 25/6.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda và Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab cũng sẽ có bài phát biểu trong phiên khai mạc.
Việt Nam 5 lần tham dự WEF Davos cấp Thủ tướng
Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) là tổ chức phi lợi nhuận hoạt động theo hình thức hợp tác công-tư, do GS. Klaus Schwab thành lập năm 1971, có trụ sở tại Geneva, Thụy Sỹ. Hiện nay, WEF đang có khoảng 700 đối tác là lãnh đạo của các tập đoàn hàng đầu thế giới.
WEF là một trong những diễn đàn đầu tiên thảo luận về Cách mạng công nghiệp 4.0. Diễn đàn đang thực thi một số sáng kiến cụ thể và thực chất liên quan như Trung tâm Cách mạng công nghiệp tại Hoa Kỳ, Ấn Độ và Nhật Bản và Trung tâm An ninh mạng với sự tham gia của 92 đối tác.
Sự kiện quan trọng nhất của WEF là Hội nghị thường niên được tổ chức vào tháng Giêng tại Davos, Thụy Sỹ. Ngoài ra, WEF còn tổ chức các Diễn đàn khu vực: Hội nghị WEF Thiên Tân (hoặc Đại Liên, Trung Quốc), Hội nghị WEF ASEAN...
Các sự kiện của WEF thu hút sự tham gia của các nhà lãnh đạo chính trị, kinh doanh, văn hóa, xã hội, nghiên cứu - học thuật... hàng đầu thế giới để định hình các chương trình nghị sự ở cấp độ khu vực và toàn cầu.
Từ khi Việt Nam và WEF thiết lập quan hệ năm 1989, hợp tác giữa Việt Nam và WEF luôn được lãnh đạo hai bên quan tâm thúc đẩy, phát triển trên nhiều lĩnh vực.
Đến nay, Việt Nam đã 5 lần tham dự Hội nghị thường niên WEF Davos ở cấp Thủ tướng vào các năm 2007, 2010, 2017, 2019 và 2024. Trong các năm khác thường tham dự ở cấp Phó thủ tướng.
Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của WEF ở Đại Liên lần này cho thấy sự coi trọng của Việt Nam đối với WEF. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam lan toả thông điệp, chia sẻ quan điểm và kinh nghiệm của mình cho các vấn đề kinh tế toàn cầu.
Trước đó, vào tháng 6 năm ngoái, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chuyến thăm chính thức Trung Quốc và tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14, tổ chức tại TP. Thiên Tân.
Trong chuyến thăm, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã trao đổi về những thách thức cản trở tăng trưởng kinh tế thế giới và Việt Nam, bao gồm vấn đề suy giảm kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng, đời sống người dân gặp khó khăn, hậu quả dịch bệnh Covid-19, cạnh tranh địa chiến lược, chủ nghĩa bảo hộ và các cuộc xung đột đe dọa an ninh lương thực, năng lượng toàn cầu.