Ông Paulo Medas, Trưởng nhóm phụ trách Việt Nam của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhận định nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023 đầy thử thách đã tăng trưởng 5% nhờ những chính sách quyết liệt của Chính phủ. Những xáo trộn với thị trường bất động sản, căng thẳng về tài chính và xuất khẩu giảm mạnh đã tác động mạnh tới nền kinh tế.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định xuất khẩu – động lực chính của nền kinh tế – có thể yếu hơn nếu tăng trưởng toàn cầu không được như kỳ vọng, căng thẳng địa chính trị toàn cầu dai dẳng hoặc tranh chấp thương mại gia tăng.
Theo IMF, những vấn đề của thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể tác động mạnh hơn dự kiến đến khả năng cấp tín dụng của các ngân hàng. Với chính sách tiền tệ nới lỏng, áp lực tỷ giá hối đoái kéo dài lâu hơn sẽ tác động tới lạm phát trong nước.
Cũng theo IMF, tăng năng suất, đầu tư nhiều hơn vào nguồn vốn con người và vốn vật chất, đồng thời khuyến khích đầu tư tư nhân vào năng lượng tái tạo có ý nghĩa then chốt đối với Việt Nam.
Chuyên gia IMF dự báo lạm phát năm 2024 sẽ dao động quanh mức 4-4,5% - mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước. Quý đầu năm, lạm phát tăng một phần do giá lương thực nhưng lạm phát cơ bản vẫn thấp và ổn định. Nếu áp lực tỷ giá kéo dài, điều này có thể làm tăng lạm phát trong nước mạnh hơn.
Mặc dù lạm phát được kiểm soát nhưng chuyên gia Paulo Medas khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước cần sẵn sàng thắt chặt chính sách tiền tệ nếu áp lực giá tăng cao. Ông nhấn mạnh cần tăng cường ổn định tài chính bằng cách nâng cao chất lượng tài sản, tránh tăng trưởng tín dụng quá mức chất lượng kém.
Theo thời gian, việc gia tăng tính linh hoạt của tỷ giá và hiện đại hóa chính sách tiền tệ theo hướng đặt mục tiêu lạm phát sẽ giúp đối phó tốt hơn với cú sốc bên ngoài, bảo vệ dự trữ ngoại hối.
Về chính sách tài khóa, ông Paulo Meda cho rằng điều này đang hỗ trợ tăng trưởng kinh tế 2024 thông qua tăng lương khu vực công và đẩy mạnh đầu tư công. Tuy nhiên, cần tăng cường quản lý ngân sách bằng cách cải thiện cơ cấu và chất lượng chi tiêu, củng cố lập ngân sách để giải quyết vấn đề già hóa dân số, biến đổi khí hậu và nâng cấp lưới an sinh xã hội. Huy động thu ngân sách cũng rất quan trọng để tạo nguồn lực cho các vấn đề này.
Ngoài ra, vị này cũng giá cao những bước tiến pháp lý quan trọng của cơ quan quản lý trong năm nay như Luật Các tổ chức tín dụng mới. Tuy nhiên, vẫn cần nhiều nỗ lực hơn nữa để tăng cường giám sát ngân hàng, sửa đổi luật đất đai, tái cơ cấu doanh nghiệp bất động sản yếu kém và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh.