“Trung Quốc đang xúi giục kích động cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu kể từ sau Thế chiến II”, - ông Stoltenberg nhấn mạnh và khẳng định rằng Nga dường như đang sản xuất máy bay không người lái và tên lửa với sự hỗ trợ từ công nghệ tiên tiến và thiết bị điện tử do Trung Quốc xuất khẩu.
Trong tương quan này, theo ý kiến của Tổng thư ký NATO, cần tạo lập điều kiện thực chất cho quan hệ đối tác với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand để tăng áp lực với Trung Quốc và ổn định khu vực ở châu Á.
Cũng trong cuộc phỏng vấn của tờ báo Nhật Bản nói trên, khi xét về hành động cụ thể trong trường hợp xảy ra khủng hoảng ở Đài Loan, ông Stoltenberg nêu quan điểm khá thận trọng. Ông tuyên bố rằng NATO sẽ vẫn là liên minh của Bắc Mỹ và châu Âu, đồng thời ông nhấn mạnh rằng các quyết định kế hoạch đã công bố trước đó về mở văn phòng liên lạc của NATO ở Tokyo sẽ không đem ra thông qua tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới, bởi tính rằng không nên chọc giận Bắc Kinh quá mức.
“NATO không coi Trung Quốc là kẻ thù nhưng nước này vẫn thách thức các giá trị, lợi ích và an ninh của chúng tôi”, - ông nói thêm.
Ý kiến của Trung Quốc
Đáp lại cáo buộc của các nước phương Tây, Bộ Ngoại giao CHND Trung Hoa tuyên bố Bắc Kinh giữ quan điểm công bằng và khách quan về tình hình ở Ukraina, đồng thời tuân thủ lối tiếp cận thận trọng và có trách nhiệm trong việc xuất khẩu vũ khí cũng như các hàng hóa có tính năng kép lưỡng dụng, phù hợp với quy định pháp luật và chuẩn mực quốc tế.
Hồi tháng 4, ông Uông Văn Bân đại diện chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng Hoa Kỳ cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraina, nhưng lại chỉ trích sự hợp tác bình thường giữa Nga và Trung Quốc. Ông Uông gọi đó là hành vi đạo đức giả và là ví dụ điển hình về tiêu chuẩn kép. Bắc Kinh cũng cảnh báo Hoa Kỳ rằng thói gièm pha và đổ lỗi cho người khác sẽ không giúp giải quyết khủng hoảng Ukraina.