Việt Nam: Đi tù vì giao đất để có tiền làm đường và nhà văn hoá cho dân

Ông Lê Văn Nhường cùng 3 cựu lãnh đạo thôn Vệ Xá ở Bắc Ninh liên tục khẳng định không hề vụ lợi cá nhân khi giao đất trái thẩm quyền để có tiền làm đường bê tông và xây nhà văn hoá thôn cho người dân.
Sputnik
Tuy nhiên, tại phiên toà phúc thẩm, Toà vẫn tuyên phạt cựu trưởng thôn 7 năm 6 tháng tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, một trong những tội danh thuộc nhóm tội tham nhũng.
Chia sẻ với báo Thanh Niên trước đó, nhóm cựu lãnh đạo thôn cho biết, họ chỉ làm đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước, đường làm xong ai cũng có thể đi nhưng lại quy kết họ vụ lợi. Nếu biết có kết cục như thế này, họ sẽ không đi làm cái việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” để rồi rước tội vào mình.

Giao đất để có tiền làm đường và nhà văn hoá

Theo báo Thanh Niên, ngày 3/7, TAND tỉnh Bắc Ninh đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử 4 bị cáo về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, một trong những tội danh thuộc nhóm tội tham nhũng.
4 bị cáo gồm Lê Văn Nhường (62 tuổi, cựu Trưởng thôn Vệ Xá, xã Đức Long, TX. Quế Võ), Lê Văn Thụy (63 tuổi, cựu Bí thư Chi bộ thôn Vệ Xá), Nguyễn Văn Cử (64 tuổi, cựu Phó chủ nhiệm hợp tác xã) và Lê Văn Phong (54 tuổi, cựu kế toán thôn Vệ Xá).
Hồ sơ vụ án thể hiện, cuối năm 2014, UBND xã Đức Long triệu tập các trưởng thôn, bí thư chi bộ thôn để triển khai kế hoạch đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn.
Cuộc họp thông báo về việc Nhà nước sẽ hỗ trợ 70% kinh phí, 30% còn lại các thôn phải tìm nguồn vốn đối ứng.
Sau cuộc họp trở về, Bí thư Chi bộ thôn Vệ Xá Lê Văn Thụy đã tổ chức họp chi bộ, tìm cách triển khai chỉ đạo của xã.
Tham nhũng ở Việt Nam: Có sự cấu kết tinh vi giữa cán bộ và doanh nghiệp
Tuy nhiên, vì thời điểm đó, đời sống người dân còn nghèo khó nên việc kêu gọi đóng góp là điều không thể, chi bộ thống nhất phương án sẽ thanh lý các diện tích ao, thùng (khu đất trũng, ngập nước...) cho người dân trên địa bàn để lấy nguồn tiền làm kinh phí đối ứng.
Sau đó, thôn Vệ Xá đã bầu ra ban thanh lý, trong đó có các ông Nhường, Cử, Phong và một số người khác.
Ban này có nhiệm vụ thống kê diện tích ao, thùng, chốt giá cả, họp dân thống nhất, ký hợp đồng giao thầu lâu dài.
Kết quả, Ban Thanh lý thôn Vệ Xá này đã giao thầu 4 thửa đất với tổng diện tích hơn 1.000 m2 cho 4 hộ dân, thu về hơn 602 triệu đồng.
Toàn bộ số tiền này được trưởng thôn Lê Văn Nhường nộp vào tài khoản của UBND xã Đức Long, để làm vốn đối ứng 30% xây dựng đường nông thôn theo chính sách.
Đến giai đoạn 2017 - 2019, thôn Vệ Xá tiếp tục được giao tìm nguồn vốn đối ứng để có kinh phí xây dựng nhà văn hóa thôn.
Cũng gống như lần trước, Ban Thanh lý thôn Vệ Xá giao 5 thửa đất ao, thùng cho 5 hộ dân, thu về hơn 571 triệu đồng. Cộng với gần 30 triệu đồng là tiền quỹ của thôn, ông Nhường cầm 600 triệu đồng nộp vào tài khoản UBND xã Đức Long.
Cuộc chiến chống tham nhũng, chống suy thoái và diễn biến hòa bình vẫn sẽ tiếp diễn
Tại phiên xét xử sơ thẩm hồi 3/2024, TAND TX. Quế Võ tuyên phạt ông Nhường 7 năm 6 tháng tù, ông Phong 6 năm 6 tháng tù, ông Thụy và ông Cử cùng mức án 3 năm 6 tháng tù.
Tòa án cho rằng, các bị cáo không có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, nhưng vì để có tiền làm nguồn đối ứng xây dựng các công trình nông thôn mới nên vẫn thực hiện. Việc giao đất lâu dài về bản chất là bán đất trái thẩm quyền.
Ngoài ra, do các thửa đất là xen kẹt, ao thùng, không đủ điều kiện cấp "sổ đỏ" nên hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại hơn 1,1 tỷ đồng cho 9 hộ dân - là số tiền thu từ việc giao 9 thửa đất.
Nhận định bản án quá nghiệt ngã và bản thân mình không vụ lợi nên các bị cáo Nhường, Thụy và Phong kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, bị cáo Cử xin giảm nhẹ và được hưởng án treo.

“Vụ lợi có thể là tập thể chứ không nhất thiết phải cá nhân”

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh dẫn quy định tại luật Đất đai cho rằng, cấp thôn không có thẩm quyền về giao đất, cho thuê đất hoặc cấp đất.
Do đó, các bị cáo không thuộc phạm vi điều chỉnh của tội danh vi phạm quy định về quản lý đất đai.
Riêng về yếu tố vụ lợi, kiểm sát viên viện dẫn Nghị quyết 03/2020 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, cho rằng “vụ lợi có thể là tập thể chứ không nhất thiết phải cá nhân”.
“Các bị cáo đã thực hiện hành vi vi phạm để có nguồn tiền đối ứng xây dựng đường đi và nhà văn hóa cho người dân trong thôn, xâm phạm đến công tác quản lý đất đai của Nhà nước”, - theo lập luận của đại diện VKSND tỉnh Bắc Ninh khẳng định.
Tổng Thanh tra: Tham nhũng ở Việt Nam có thể bị chung thân hoặc tử hình
Đối với ý kiến "phải xử lý cả thôn" của luật sư, đại diện viện kiểm sát nói cơ quan tố tụng chỉ xem xét truy cứu người đứng đầu, những người khác dù tham gia hội nghị xã viên nhưng xét vai trò chưa đến mức xử lý. Do đó, kiểm sát viên đề nghị bác toàn bộ kháng cáo của cả 4 bị cáo, xử y án sơ thẩm.
Hội đồng xét xử nêu rõ, 4 bị cáo là những người được nhân dân tín nhiệm hoặc được cấp trên phê chuẩn, có quyền hạn nhất định trong thi hành công vụ, được hưởng phụ cấp hàng tháng, nên thỏa mãn yếu có có chức vụ, quyền hạn.
Các bị cáo không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, giao thầu đất dù không có thẩm quyền. Mặc dù trên hợp đồng thể hiện giao thầu dài hạn nhưng bản chất là bán đất trái thẩm quyền, gây thiệt hại hơn 1,1 tỷ đồng cho 9 hộ dân.
Khi giao đất, các bị cáo biết rõ người được giao đất sẽ có toàn quyền quyết định với diện tích đất được giao, thôn không thể lấy lại đất. Trên thực tế, trong 9 hộ dân được giao đất, một số đã xây nhà xưởng, nhà kiên cố, san lấp ao vườn…
Ở Việt Nam đề xuất mua tin phòng chống tham nhũng tối đa 50 triệu đồng/tin
Giữ lập trường giống quan điểm của VKSND tỉnh, Hội đồng xét xử viện cũng dẫn Nghị quyết 03/2020 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, cho thấy vụ lợi không nhất thiết phải cho mình mà có thể cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Trong vụ án này, các bị cáo dù không vụ lợi cho bản thân nhưng đã vụ lợi cho địa phương, thông qua việc giao đất trái thẩm quyền để có tiền đối ứng xây dựng các công trình nông thôn mới. Đây là hành vi vụ lợi không chính đáng, thỏa mãn dấu hiệu của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn.
Do đó, tòa phúc thẩm tuyên y án đối với 3 bị cáo Nhường, Phong và Thụy, giảm án cho bị cáo Cử xuống còn 3 năm tù; đồng thời ra lệnh tạm giam đối với các bị cáo để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án.

Không ai vụ lợi

Tại toà, cả 3 bị cáo Lê Văn Nhường, Lê Văn Thụy và Lê Văn Phong đều cho rằng tòa sơ thẩm tuyên phạm tội lợi dụng, chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ là không đúng bản chất sự việc.
Họ nói đây là tội danh thuộc nhóm tham nhũng, dấu hiệu bắt buộc để cấu thành tội phạm là yếu tố vụ lợi, tuy nhiên, việc làm của các bị cáo vì lợi chung của người dân, tiền thu được đều nộp toàn bộ vào ngân sách xã để xây dựng đường và nhà văn hóa. Bản thân các bị cáo không tư lợi bất cứ đồng nào.
Sau khi các dự án hoàn thành, bị cáo Nhường nói ông về hưu, không làm tiếp trưởng thôn nữa, cũng không thăng chức lên xã, lên huyện, không thể nói tôi làm để nâng cao địa vị, uy tín của bản thân.
Đổi tên Cục Phòng, chống tham nhũng thành Cục Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
“Các đời trưởng thôn trước đây vẫn giao thầu đất ao, thùng như vậy, không thấy ai bảo sai. Nay vì nhu cầu tìm vốn đối ứng, người dân trong thôn lại đồng thuận, nên các bị cáo mới thực hiện”, - ông Nhường giãi bày.
Thêm nữa, trong hợp đồng với các hộ dân đều ghi là giao thầu lâu dài, tức là không xác định thời hạn, có thể vài tháng hoặc vài năm, khi nào Nhà nước thu hồi thì phải chấp hành, chứ không có chuyện bán đất.
Bị cáo Thụy khai, việc giao thầu đất không phải ngày một ngày hai, mà kéo dài cả năm trời, nói xã không biết thì không đúng. Hơn thế, nếu xã không đồng ý, người dân trong thôn không đồng tình, chắc chắn các bị cáo không thể làm.
Các bị cáo thừa nhận hành vi giao đất là trái thẩm quyền, do bản thân thiếu hiểu biết và mong muốn mang lại lợi ích cho người dân. Họ đề nghị được chuyển tội danh từ lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ sang vi phạm quy định về quản lý đất đai.
Luật sư bào chữa cho các bị cáo đề nghị toà xem xét dấu hiệu bắt buộc để thỏa mãn tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong nhóm tội tham nhũng là phải có yếu tố vụ lợi không chính đáng.
Thế nhưng, hành vi giao đất là để có nguồn tiền xây dựng đường giao thông và nhà văn hóa thôn, phục vụ lợi ích cộng đồng. Quá trình thực hiện có thể có sai sót, nhưng các bị cáo tuyệt đối không vun vén cho cá nhân.
Luật sư cũng nhắc việc giao đất được sự đồng ý tại hội nghị xã viên, với sự tham gia hàng trăm người, không riêng gì các bị cáo, do đó, nếu xử lý thì phải xử lý cả thôn, cả những thành viên còn lại trong ban thanh lý.
Việt Nam "mua tin" chống tham nhũng, trả tối đa 10 triệu đồng/tin
Chưa kể, các hộ dân được giao thầu đất không hề bị thiệt hại như cáo buộc, bởi tính đến nay họ vẫn đang sử dụng đất, không bị thu hồi hay thanh lý hợp đồng.
Vậy nên luật sư đề nghị xử lý các bị cáo về hành vi vi phạm quy định về quản lý đất đai.
Tuy nhiên, với diện tích đất vi phạm, mức độ này chỉ bị xử phạt hành chính chứ chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, luật sư đề nghị tòa phúc thẩm cần hủy án sơ thẩm, đình chỉ vụ án.

‘Nếu biết có ngày hôm nay, chúng tôi sẽ không làm cái việc vác tù và hàng tổng’

Hồ sơ vụ án cũng cho biết, ở lần đầu, sau khi thôn Vệ Xá giao 4 thửa đất và thu về hơn 602 triệu đồng nộp vào tài khoản UBND xã Đức Long, ngân sách xã này chỉ quyết toán hết 206 triệu đồng làm đường nông thôn.
Ở lần thứ hai, thôn Vệ Xá nộp vào tài khoản 600 triệu đồng, xã cũng chỉ quyết toán hết 450 triệu đồng để xây nhà văn hóa thôn.
Số tiền thừa từ 2 đợt đã được UBND xã Đức Long chi vào các công trình khác của thôn, đến nay không có nguồn tiền bù vào.
Dân nghĩ gì về kỳ họp bất thường bầu Chủ tịch nước và cuộc chiến chống tham nhũng?
Chủ tịch UBND thị xã Quế Võ chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra, xem xét và có phương án truy thu để khắc phục hậu quả từ hành vi của các bị cáo.
Trong khi đó, đối với Chủ tịch và thủ quỹ UBND xã Đức Long thời kỳ xảy ra vụ án, cơ quan tố tụng xác định đã không kiểm tra, buông lỏng công tác quản lý đất đai, khiến sai phạm xảy ra.
Tuy vậy, những người này không biết hành vi bán đất của lãnh đạo thôn Vệ Xá, nên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ bị đề nghị xử lý về mặt chính quyền.
Nhóm bị cáo cho biết họ rất bất ngờ về "số phận" của những khoản tiền mà thôn chuyển cho UBND xã làm nguồn vốn đối ứng.
“Chúng tôi không hề biết về số tiền thừa, chỉ khi bị khởi tố, cơ quan công an kết luận mới vỡ lẽ”, - ông Nhường nói với báo Thanh Niên.
Ông Lê Văn Thụy cho rằng, lần đầu xây đường còn thừa tới gần 400 triệu đồng, nếu UBND xã dùng khoản tiền này để xây dựng nhà văn hóa, thôn Vệ Xá đã không phải giao đất lần thứ hai, vi phạm có thể được hạn chế. Chưa kể, trong suốt quá trình thôn thực hiện việc giao đất "không thể nói là xã không biết", nhưng xã không hề cảnh báo hay nhắc nhở gì.
Nhóm cựu cán bộ thôn đề nghị làm rõ số tiền thừa đã được xã sử dụng ra sao, chi cho công trình cụ thể nào, số tiền là bao nhiêu, ai chịu trách nhiệm.
Tổng kết 2023 và Dự báo 2024
Tổng kết "Cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam" 2022
Họ thẳng thắn, những người chi tiêu số tiền đó thì không bị làm sao, còn chúng tôi chỉ thực hiện chủ trương thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đường làm xong thì bất cứ ai cũng có thể đi, không riêng gì người dân thôn Vệ Xá, vậy mà tòa quy kết họ vì lợi ích cục bộ.
“Nếu biết có kết cục như ngày hôm nay, chúng tôi chắc chắn sẽ không làm cái việc "vác tù và hàng tổng" như vậy”, - nhóm cựu cán bộ đau xót nói.
Thảo luận