Bão proton là một dòng hạt tích điện thu được năng lượng lớn do sự phun trào của mặt trời. Theo các nhà khoa học, những cơn bão đặc biệt mạnh có thể phá hủy tầng ozon của Trái đất nhưng trong điều kiện bình thường thì hành tinh này được từ trường bảo vệ. Tuy nhiên trong lịch sử Trái đất, những cơn bão proton mạnh đã hơn một lần xảy ra trong thời kỳ từ trường suy yếu. Các tác giả của nghiên cứu cố gắng mô hình hóa hậu quả của những sự trùng hợp như vậy.
“Những hậu quả có thể xảy ra bao gồm rủi ro đối với sức khỏe cũng như những thay đổi về khí hậu và ảnh hưởng lâu dài đến sự tiến hóa”, - bài báo cho biết.
Theo các tác giả, bão proton trong điều kiện từ trường rất yếu sẽ làm suy giảm tầng ozon trên khắp hành tinh trong vài năm. Mức độ bức xạ tia cực tím sẽ luôn ở mức cao trong sáu năm. Cuối cùng, mức độ tổn hại DNA liên quan đến tia cực tím ở sinh vật sống sẽ tăng 40%-50%, các nhà khoa học lưu ý.
Hai nhà khoa học tham gia nghiên cứu là Alan Cooper và Pavle Arsenovic trong một bài báo trên cổng thông tin Conversation lưu ý rằng sự trùng hợp của các cơn bão proton và từ trường yếu của Trái đất có thể liên tục gây ra những thay đổi về mặt tiến hóa. Trong số các sự kiện có thể bị ảnh hưởng bởi bức xạ, các nhà khoa học đã nêu ra sự xuất hiện các sinh vật đa bào, sự phát triển bùng nổ của hệ động vật trên Trái đất trong kỷ Cambri và sự biến mất của người Neanderthal.
“Khả năng xảy ra sự kết hợp chết người giữa từ trường yếu và bão proton mạnh ra sao? Với tần suất xảy ra của riêng mỗi hiện tượng này, chúng có khả năng trùng khớp tương đối thường xuyên”, - các nhà khoa học cảnh báo.