Nguyên nhân được cho do pháp luật Việt Nam hiện chưa có quy định cụ thể về hỗ trợ đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Đến Việt Nam tìm hiểu nhưng sang nước khác đầu tư
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo gửi Chính phủ đánh giá tác động của dự thảo Nghị định của Chính phủ về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư.
Trong báo cáo, Bộ nhận định chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam cơ bản bám sát tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước, liên tục được hoàn thiện trong suốt chặng đường hơn 30 năm qua. Dù vậy, Bộ cũng đánh giá chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam chưa tương thích với bối cảnh mới.
Theo đó, chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam chỉ phụ thuộc vào các hình thức ưu đãi dựa trên thu nhập (miễn, giảm thuế), ưu đãi về tiền thuê đất, nhưng hầu như chưa có ưu đãi dựa trên chi phí. Vậy nên, các chính sách đang giảm dần tính cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư, cũng như chưa thực sự khuyến khích các hoạt động đầu tư lâu dài.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận thấy, chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam chưa phù hợp với yêu cầu, trong bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi, nhất là khi chính sách Thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, pháp luật về ngân sách của Việt Nam chưa có quy định về chi ngân sách cho các hình thức hỗ trợ đầu tư đã quy định tại Luật Đầu tư, dẫn đến chính sách trên chưa áp dụng được trên thực tế.
Điều này dẫn đến việc, thời gian vừa qua có nhiều tập đoàn lớn đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư tại Việt Nam, nhưng do pháp luật chưa quy định cụ thể về hỗ trợ đầu tư từ ngân sách nhà nước nên họ lại đi nước khác đầu tư.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư dẫn chứng các trường hợp: LG Chemical đề xuất dự án sản xuất pin với đề nghị Việt Nam hỗ trợ 30% chi phí sản xuất (tiền mặt), sau đó chuyển sang Indonesia;
Intel đề xuất dự án sản xuất chip vốn đầu tư 3,3 tỷ USD, đề xuất Việt Nam hỗ trợ 15% tiền mặt, sau đó chuyển sang Ba Lan;
Tập đoàn bán dẫn AT&S của Áo đến khảo sát, dự kiến đầu tư, nhưng Việt Nam không đáp ứng được về hỗ trợ theo chi phí và lao động công nghệ cao có sẵn, nên họ đã chuyển sang Malaysia.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý, việc mở rộng đầu tư của một số dự án công nghệ cao có quy mô lớn cũng đang cho thấy dấu hiệu chững lại để chờ phản ứng chính sách của Việt Nam.
Thời gian qua, một số tập đoàn lớn đã trao đổi chính thức về việc tạm dừng kế hoạch đầu tư mới, hoặc kế hoạch mở rộng tại Việt Nam, nếu Chính phủ không có chính sách hỗ trợ đầu tư phù hợp khi áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu.
Chẳng hạn, Samsung nói sẽ dịch chuyển sản xuất sang Ấn Độ; LG đang tạm dừng kế hoạch đầu tư dự án mới sản xuất thiết bị điện tử trị giá 5 tỷ USD; Tập đoàn SMC của Nhật Bản dự kiến đầu tư sản xuất thiết bị y tế trị giá 500 triệu - 1 tỷ USD tại Đồng Nai; Foxconn, Compal, Quanta (Đài Loan) cũng đang nghiên cứu mở rộng đầu tư các thiết bị phụ trợ cho Apple, IBM, Sisco.
"Trước mắt, cần giải pháp cấp bách để ứng phó với ảnh hưởng thuế tối thiểu toàn cầu, ngăn làn sóng dịch chuyển đầu tư ra khỏi Việt Nam của một nhóm các nhà đầu tư lớn (có thể kéo theo nhiều các công ty vệ tinh đi theo) có vai trò quan trọng trong nền kinh tế", Vietnamfinance dẫn báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Vấn đề cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các nhà đầu tư, nhất là các công ty đa quốc gia, đưa ra quyết định đầu tư dự án mới hoặc mở rộng tại Việt Nam một phần chủ yếu là do sự ổn định của môi trường đầu tư, cũng như cam kết về việc bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi luật pháp chính sách.
Nếu Việt Nam không có những giải pháp kịp thời để đồng hành với doanh nghiệp thì sẽ ảnh hưởng đến quyết định đầu tư mở rộng hoặc duy trì đầu tư của các công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam, dẫn đến tình trạng sụt giảm việc thu hút các công ty vệ tinh khác.
Chưa hết, điều này còn làm giảm động lực đầu tư của các nhà đầu tư mới đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam. Nó còn có thể dẫn đến quy mô sản xuất bị thu hẹp, giảm cầu về lao động.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu Việt Nam không có động thái điều chỉnh chính sách ưu đãi đầu tư và cơ chế thực hiện phù hợp, việc áp dụng Thuế suất tối thiểu toàn cầu sẽ làm giảm hiệu quả chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam. Khi đó, sẽ không còn hấp dẫn để giữ chân hoặc thu hút thêm vốn đầu tư mới từ các tập đoàn đa quốc gia vào Việt Nam.
Hậu quả của việc này sẽ làm ảnh hưởng đến vị thế cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong khu vực, ảnh hưởng đến việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài có chọn lọc, chất lượng cao.
Nếu không sớm nội luật hóa để điều chỉnh mức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp lên tương đương mức thuế tối thiểu toàn cầu là 15%, Việt Nam sẽ không thu được phần thuế chênh lệch, các công ty đầu tư tại Việt Nam cũng không được hưởng ưu đãi này do sẽ bị các quốc gia của công ty mẹ thu.
Nếu chính sách ưu đãi thuế hiện tại bị thay đổi bởi cơ chế thuế suất tối thiểu toàn cầu, thì Chính phủ một mặt phải đối diện với các cam kết bảo hộ đầu tư cho các công ty đang sản xuất kinh doanh tại Việt Nam vẫn còn trong thời kỳ ưu đãi đầu tư; mặt khác là phải sửa đổi, ban hành các cơ chế ưu đãi để tiếp tục cạnh tranh với các nước trong khu vực nhằm duy trì và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Chính vì vậy, quyết định đầu tư của doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài sẽ phụ thuộc vào các yếu tối phi-thuế (non-taxation) trong thời gian tới.
Trong dự thảo Nghị định của Chính phủ về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư, quỹ sẽ có nguồn thu là ngân sách nhà nước cấp từ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và các nguồn ngân sách nhà nước khác; nguồn đóng góp, viện trợ, tài trợ từ tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; lãi từ tài khoản tiền gửi (nếu có); tồn dư quỹ hàng năm; và các nguồn khác.
Quỹ Hỗ trợ đầu tư sẽ hỗ trợ chi phí cho các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án ứng công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển.
Việc hỗ trợ bao gồm chi phí đào tạo phát triển nguồn nhân lực, chi phí nghiên cứu và phát triển, chi phí đầu tư tài sản cố định, chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao, và chi phí đầu tư hệ thống công trình hạ tầng xã hội.
Để được hưởng hỗ trợ đầu tư, các doanh nghiệp cần phải đáp ứng các tiêu chí như quy mô vốn đầu tư của dự án tối thiểu 12.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu tối thiểu 20.000 tỷ đồng/năm.
Trong trường hợp đầu tư vào lĩnh vực chip, mạch tích hợp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) thì dự án phải có quy mô vốn tối thiểu 6.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu tối thiểu 10.000 tỷ đồng/năm.
Riêng đối với các doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm R&D, cần đáp ứng điều kiện quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng.