Tin vui về Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu sáng nay cho biết, những năm qua, chúng ta đã tiết kiệm được khoảng 700 nghìn tỷ đồng để thực hiện tăng lương từ ngày 1/7.
Sputnik
Thêm một tin vui khác đó là nền kinh tế tăng vượt dự báo. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nếu đà này tiếp tục được duy trì, tốc độ tăng trưởng năm 2024 có khả năng sẽ vượt mục tiêu Quốc hội đề ra.

Việt Nam tiết kiệm được khoảng 700 nghìn tỷ đồng để tăng lương

Sáng nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp Chính phủ thường kỳ tháng 6.
Phát biểu mở đầu, Thủ tướng cho biết, trước phiên họp đã báo cáo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tổng Bí thư đã gửi lời thăm hỏi, chúc sức khỏe tới các đại biểu dự họp. Ông nói tiếp, sau cuộc họp sẽ báo cáo lại và tiếp tục xin ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thủ tướng đánh giá, tăng trưởng GDP quý II của Việt Nam đạt 6,93%, 6 tháng đạt 6,42%, vượt kịch bản đề ra, là mức cao của khu vực và thế giới. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát khoảng 4%, đối ngoại được đẩy mạnh, uy tín và vị thế đất nước tiếp tục được nâng lên.
“6 tháng đầu năm, kinh tế phục hồi, tháng, quý sau cao hơn tháng, quý trước. So với cùng kỳ và 6 tháng cuối năm 2023, hầu hết lĩnh vực đều tốt hơn”, người đứng đầu Chính phủ cho biết.
Việt Nam vươn lên vị trí xuất khẩu điện thoại thông minh lớn thứ 2 thế giới
Đáng chú ý, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Việt Nam đã tiết kiệm được khoảng 700 nghìn tỷ đồng để thực hiện tăng lương từ ngày 1/7 và đưa ra giải pháp phù hợp để vừa thực hiện Nghị quyết 27 của Trung ương theo lộ trình, vừa phù hợp điều kiện, tình hình đất nước.
Về mặt khó khăn, ông nói, Việt Nam là nước đang phát triển, quy mô nền kinh tế nhỏ nhưng có độ mở lớn, chịu tác động kép từ yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại.
Lãnh đạo Chính phủ cũng đề cập đến sức ép lạm phát còn cao; tình hình sản xuất, kinh doanh trong một số lĩnh vực còn khó khăn; tình hình cháy nổ, an ninh trật tự, an toàn giao thông trên một số địa bàn còn phức tạp.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng băn khoăn về tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

2 kịch bản tăng trưởng của Việt Nam

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tăng trưởng của Việt Nam vượt dự báo của các tổ chức và kịch bản điều hành.
“Nếu đà tăng trưởng tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh hơn, tốc độ tăng trưởng năm 2024 có khả năng sẽ đạt, thậm chí vượt cận trên mục tiêu Quốc hội đề ra (6,5%)”, ông Dũng nói.
Nhiều địa phương có cách làm hay, sáng tạo để đạt tốc độ tăng trưởng 6 tháng cao như Bắc Giang (14,14%), Khánh Hòa (12,73%), Thanh Hóa (11,5%), Hải Phòng (10,32%), Hải Dương (10%).
Các động lực tăng trưởng từ phía cung và cầu đều phục hồi tích cực hơn. Tháng 6, có gần 23.300 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 10,9% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng, 119.600 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, cao hơn số rút lui khỏi thị trường.
Tổng vốn FDI đăng ký 6 tháng đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ, trong đó FDI đăng ký mới đạt hơn 9,5 tỷ USD, tăng 46,9%; vốn FDI thực hiện đạt khoảng 10,8 tỷ USD, tăng 8,2%.
Nhiều dự án FDI lớn trong các lĩnh vực bán dẫn, điện tử, năng lượng… được đầu tư mới và mở rộng tăng vốn.
Kinh tế Việt Nam tăng vượt mọi dự báo
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng tích cực, xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng, nhất là hàng nông, lâm, thủy sản. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 6 đạt 54,7 điểm, thuộc mức điểm cao nhất từ năm 2020.
Nêu ra 2 kịch bản tăng trưởng năm 2024 này, Bộ trưởng đánh giá, thách thức trong các tháng còn lại rất lớn.
Theo đó, kịch bản 1, Việt Nam sẽ tăng trưởng cả năm đạt 6,5% (cận trên mục tiêu Quốc hội quyết nghị). Như vậy, quý 3 GDP phải tăng 6,5%, quý 4 là 6,6% (kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP là 6,7% và 7,0%).
Ở kịch bản 2, tăng trưởng cả năm đạt 7%, tăng trưởng quý 3 là 7,4%, quý 4 là 7,6%, cao hơn kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP là 0,7% và 0,6%.
“Kiến nghị lựa chọn kịch bản tăng trưởng cả năm 6,5-7%, phấn đấu đạt mức cao 7%”, Bộ trưởng nêu.
Bộ KH&ĐT nhìn nhận, có 6 yếu tố thúc đẩy tăng trưởng như xu hướng tăng trưởng tích cực từ các khu vực kinh tế; đầu tư tư nhân và doanh nghiệp nhà nước phục hồi nhanh hơn, đầu tư FDI duy trì được đà tăng trưởng tích cực; duy trì và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, nhất là việc tập trung vào các thị trường lớn có dấu hiệu chậm lại như Trung Quốc, Nhật Bản…
Cạnh đó, du lịch và tiêu dùng tăng trưởng nhanh hơn, phấn đấu đạt và vượt mục tiêu thu hút khách du lịch quốc tế; các chính sách, quy định pháp luật mới chuẩn bị ban hành và có hiệu lực; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; nỗ lực, quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các địa phương đầu tàu kinh tế như Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, Bình Dương…
“Nếu các địa phương này tăng trưởng cao hơn, sẽ giúp tăng trưởng cả nước vượt 6,5%”, Bộ trưởng khẳng định.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quan hệ Việt - Hàn chưa bao giờ tốt đẹp như hiện nay
Về thách thức, Bộ trưởng lưu ý, khu vực nông nghiệp và dịch vụ, du lịch vẫn đối mặt với chi phí sản xuất tăng cao, cạnh tranh. Công nghiệp, xây dựng còn phụ thuộc vào sự phục hồi kinh tế, sức mua tại các thị trường xuất khẩu lớn.
Trong đó, xây dựng phụ thuộc vào thị trường bất động sản, tiến độ tháo gỡ, triển khai các dự án, đầu tư công.
Các ngành, lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, AI, chíp, bán dẫn chưa có chuyển biến, nguy cơ không bắt kịp được với thế giới, khu vực.
Sức mua còn yếu, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh tại các trung tâm thương mại, tuyến phố trung tâm tiếp tục phải sang nhượng, trả lại mặt bằng thuê, quản lý thương mại điện tử còn thách thức.
Tăng trưởng xuất khẩu 6 tháng có xu hướng chậm lại, một số thị trường lớn như Trung Quốc chỉ tăng 5,3% so với cùng kỳ, Nhật Bản tăng 1,8%... Trong nước, có 13 tỉnh/thành tăng trưởng tháng 6 dưới 5% như Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 1,42%, Sơn La tăng 0,67%, Bắc Ninh tăng 2,32%, Quảng Nam tăng 2,68%.
Bộ trưởng đề nghị các cấp, ngành, địa phương phối hợp chặt để giữ vững đà phục hồi của nền kinh tế.
Thảo luận