NATO tiến vào châu Á
Các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand và Australia tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington. Đây là lần thứ ba họ tham gia ở cấp cao nhất trong cuộc họp các quan chức hàng đầu của liên minh. Và lần thứ ba tuyên bố khối quân sự có ý định phát triển quan hệ đối tác với các nước này.
Việc NATO tăng cường tập trung vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương là một hiện tượng khá mới. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, với tên gọi chính thức là NATO, thành lập cách đây 75 năm như một liên minh của Hoa Kỳ và một số nước châu Âu nhằm đảm bảo an ninh trước “mối đe dọa Liên Xô” xa vời trên lục địa Châu Âu. Nghĩa là, theo các tài liệu thành lập của liên minh, khu vực hoạt động của NATO là khu vực giáp với phần phía bắc của Đại Tây Dương, và đây là khu vực cách rất xa Châu Á Thái Bình Dương.
Năm 2016, người đứng đầu ủy ban quân sự NATO tuyên bố: “Chúng tôi cố gắng duy trì trong phạm vi biên giới khu vực của mình và không can thiệp vào các vấn đề của các khu vực khác”.
Nhưng khi Mỹ ngày càng đối đầu sâu hơn với Trung Quốc, quan điểm giới lãnh đạo khối NATO thay đổi. Năm 2022, lãnh đạo NATO gọi Trung Quốc là “mối đe dọa tiềm tàng”, bắt đầu mở rộng quan hệ quân sự với các nước trong khu vực, chủ yếu với các đồng minh của Mỹ - Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
Hội nghị thượng đỉnh ở Washington mô tả Trung Quốc là “nước ủng hộ quyết định” cho các nỗ lực quân sự của Nga ở Ukraina, lưu ý việc Bắc Kinh đặt ra “thách thức mang tính hệ thống đối với an ninh châu Âu”. Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho biết Trung Quốc đang tiến gần hơn đến NATO ở châu Âu, cũng như ở châu Phi, Bắc Cực và các nơi khác.
Nỗi lo sợ của NATO cũng được chia sẻ bởi các nhà lãnh đạo hiện tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, do đó họ sẵn sàng hợp tác với khối quân sự các cường quốc phương Tây. Tại hội nghị thượng đỉnh ở Washington, các quốc gia này được đề nghị hợp tác về 4 chủ đề: Ukraina, trí tuệ nhân tạo, thông tin sai lệch và an ninh mạng.
Không tuyên bố trực tiếp tàu chiến các nước NATO như Anh, Đức, Pháp, Hà Lan cùng với tàu Mỹ sẽ thường xuyên xuất hiện ở Thái Bình Dương, nhưng bộ quốc phòng các nước NATO có kế hoạch như vậy, theo nhưng thông tin rò rỉ trên báo chí công khai.
NATO châu Á? Đang ở đâu?
Thuật ngữ “NATO châu Á” do truyền thông Trung Quốc đặt ra. Đây là cách Bắc Kinh phản ứng trước việc thành lập Đối thoại An ninh Tứ giác (QUAD), bao gồm Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ. Nhưng hiệp hội này không có cơ cấu tổ chức rõ ràng cũng như không có ban thư ký thường trực và về mặt lĩnh vực hoạt động, hiệp hội này có rất ít điểm giống với NATO. Một liên minh khác do Mỹ cùng với Anh và Australia thành lập là AUKUS, mang nhiều đặc điểm quân sự rõ rệt hơn và cũng không mạnh bằng NATO. Trong khối Bắc Đại Tây Dương, trách nhiệm quan trọng được đảm nhận bởi nghĩa vụ được quy định trong điều lệ của liên minh là hỗ trợ bất kỳ thành viên nào trong trường hợp bị lực lượng thứ ba tấn công. Nghĩa là nếu một tàu chiến của một quốc gia NATO (ví dụ như tàu khu trục Anh) bị ai đó tấn công ở Biển Đông, thì các nước NATO còn lại phải cầm vũ khí để bảo vệ. Đây là sự khởi đầu của chiến tranh thế giới thứ ba!
Vì vậy, mối nguy hiểm thực sự đối với người dân Đông Nam Á, theo tôi, không phải là QUAD hay AUKUS, mà là sự hiện diện của tàu chiến NATO ở Tây Thái Bình Dương và sự hợp tác quốc phòng của NATO với các nước trong khu vực. Rõ ràng vũ khí trên các tàu chiến này đều nhằm vào Trung Quốc và Nga. Nhưng nếu một cuộc xung đột vũ trang nổ ra ở đây, các nước nhỏ ở châu Á sẽ rơi vào tình trạng giao tranh.