Trump vào Nhà Trắng hay không, bản chất của Mỹ vẫn không hề thay đổi
Vụ ám sát giúp cho Trump có nhiều cơ hội thắng cuộc đua vào Nhà Trắng hơn và làm tăng hình ảnh của ông ta như là một “người chiến sỹ chống lại hệ thống”. Nếu Trump thắng cử, thương chiến Mỹ - Trung rất có thể sẽ “nóng lên”, Việt Nam vẫn đứng trước sự lôi kéo của cả Mỹ và Trung Quốc.
SputnikNhư Sputnik đã đưa tin, vụ ám sát cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump xảy ra vào thứ Bảy, ngày 13 tháng 7, tại thị trấn Butler, Pennsylvania, tại một cuộc vận động tranh cử. Bản thân chính trị gia gần như không bị thương, viên đạn sượt qua tai ông. Một khán giả bị thiệt mạng và hai người khác bị thương.
Vụ ám sát này có thay đổi chính trường Mỹ hay không? Chiều 15-7, tại Đại hội Đảng Cộng hòa chính thức khai mạc tại thành phố Milwaukee, bang Wisconsin ông Donald Trump chính thức trở thành ứng viên tổng thống. Như vậy, nếu Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ thì địa chính trị thế giới có gì thay đổi không và quan hệ với Việt Nam sẽ như thế nào?
Vụ áp sát hụt đánh dấu một bước ngoặt mới đối với hệ thống chính trị nội bộ của Mỹ
Theo chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Minh Hoàng, nước Mỹ đã bắt đầu lâm vào quá trình suy thoái chính trị từ cách đây 4 năm khi diễn ra vụ bạo động Đồi Capitol khi lần đầu tiên, trụ sở Quốc hội lưỡng viện của Mỹ bị tấn công kể từ sau Chiến tranh Việt Nam.
“Hệ thống chính trị của Mỹ đã bộc lộ yếu huyệt cơ bản của nó khi được xây dựng dựa trên một tập hợp các thể chế kiềm chế-đối trọng phức tạp, giúp các nhóm thiểu số chính trị dễ dàng cản trở ý chí của đa số. Khi các thể chế này được kết hợp với sự phân hóa chính trị cực đoan, sẽ khiến chính phủ tê liệt và mất khả năng thực hiện các chức năng cơ bản”, - Chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Minh Hoàng nói với Sputnik.
Chuyên gia Nguyễn Minh Hoàng cũng nhấn mạnh: Donald Trump không phải là người đầu tiên phát hiện ra những bất cập này. Một số người tiền nhiệm của ông ta đã nhận thức được điều này và muốn phá bỏ nó để tạo nên một sự thống nhất tương đối trong hệ thống chính trị Mỹ vốn được xây dựng bằng sự thỏa hiệp tạm thời giữa các phe cánh.
“Vụ áp sát hụt vừa qua đánh dấu một bước ngoặt mới đối với hệ thống chính trị nội bộ của Mỹ đang trên đà suy thoái. Từ đây mở ra hai khả năng. Một là hệ thống chính trị Mỹ vẫn tiếp tục duy trì tình trạng suy thoái cho đến khi nó bị thay thế bằng một hệ thống mới, thậm chí có thể bằng một cuộc cách mạng đẫm máu. Hai là khả năng cải cách cơ bản hệ thống này để bảo đảm cho bộ máy chính quyền Mỹ tăng thêm năng lực và hiệu quả hoạt động điều hành, tránh được tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược”, - Chuyên gia Nguyễn Minh Hoàng phát biểu với Sputnik khi bình luận về vụ ám sát Donald Trump hôm 13/7.
Hình ảnh Donald Trump như là “một chiến sỹ chống lại hệ thống” đã tăng lên
Rất nhiều chuyên gia và giới báo chí cho rằng, vụ ám sát nói trên giúp cho Trump có nhiều cơ hội thắng cuộc đua vào Nhà Trắng hơn và làm tăng hình ảnh của ông ta như là một “người chiến sỹ chống lại hệ thống”.
Các chuyên gia Việt Nam mà Sputnik phỏng vấn đều cho rằng: Nếu Donald Trump tái cử và ông ta sẽ tiếp tục hoàn thành nốt những mục tiêu còn đang dang dở ở nhiệm kỳ 2016-2020 thì cũng có nghĩa là ông ta sẽ thách thức hệ thống chính trị Mỹ hiện tại, động chạm nghiêm trọng đến quyền lợi của nhiều phe phái bảo thủ và cả những người theo chủ nghĩa tân tự do. Kết quả là ông ta sẽ có nhiều “kẻ thù” hơn. Và đó chính là những kẻ muốn đoạt mạng ông ta thông qua vụ ám sát ở Pennsylvania.
“Đây là vụ ám sát chính trị đặc biệt nghiêm trọng ở nước Mỹ sau 43 năm kể từ vụ ám sát tổng thống Ronald Reagan năm 1981. Vụ ám sát cựu tổng thống Mỹ thứ 45 và đồng thời là ứng cử viên cho chức vụ tổng thống thứ 47 của nước Mỹ vừa qua đã làm bộc lộ những mâu thuẫn đang gia tăng trong lòng nước Mỹ. Nó khiến cho nước Mỹ đứng trước nguy cơ một cuộc xung đột khốc liệt mới giữa hai siêu tập đoàn tư bản khổng lồ là tài chính-ngân hàng và công nghiệp-kỹ nghệ; thể hiện trên vũ đài chính trị của xã hội Mỹ với hai đảng Cộng hòa và Dân chủ. Các mâu thuẫn này khi tăng, khi giảm theo chu kỳ, tùy thuộc vào cách giải quyết các vấn đề đối nội của nước Mỹ”, - Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long bình luận với Sputnik.
Tuy nhiên, Donald Trump lại là một hiện tượng hoàn toàn khác. Ông ta không hẳn là thành viên “bảo hoàng hơn vua” của phe Cộng hòa, nhưng cũng không hẳn là “kẻ thù không đội trời chung” đối với phe Dân chủ. Các chính sách của Donald Trump mang dấu ấn của một nhà kinh doanh tầm cỡ tỷ phú, thực dụng hơn rất nhiều so với một loạt các tổng thống tiền nhiệm và đương nhiên là hơn hẳn Joe Biden, tổng thống lớn tuổi nhất trong lịch sử nước Mỹ.
“Dưới thời Donald Trump là tổng thống (2016-2020), nước Mỹ tuy không có những bước phát triển đột phá về kinh tế nhưng giữ được sự ổn định tương đối cho đến khi đại dịch COVID-19 xuất hiện và tàn phá nhiều thành quả trong nhiệm kỳ 4 năm của Donald Trump, đồng thời cũng làm hỏng luôn cả kế hoạch “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” của ông ta. Là người theo khuynh hướng “Tân tự do”, Donald Trump được nhiều người ca ngợi, trong đó có danh hiệu “người chiến sĩ chống lại hệ thống” là vì vậy”, - Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long nhận định.
“Hình ảnh Donald Trump như là “một chiến sỹ chống lại hệ thống” đã tăng lên và sẽ được quảng bá rộng và rầm rộ, cho dù xung quanh vụ ám sát có nhiều giả thuyết, nhiều câu hỏi và những gì diễn ra còn giống như “một vở kịch chính trị” được dàn dựng rất khéo léo. Vụ ám sát, cũng như những hành động và phản ứng, xét về mặt công nghệ chính trị của ông Trump, rất chuyên nghiệp và sáng suốt trong tình huống nguy hiểm đó giúp làm tăng đáng kể cơ hội quay lại Nhà Trắng của ông ta”, - Nhà nghiên cứu chính trị Hoàng Đức nói với Sputnik.
Trump sẽ vẫn rất muốn hướng lái Việt Nam và quỹ đạo của Mỹ
Câu hỏi đặt ra là nếu Trump thắng cử thì địa chính trị thế giới có thay đổi gì không. Nếu có thì sẽ ảnh hưởng như thế nào tới Việt Nam?
Trả lời câu hỏi của Sputnik, nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long nói: Nếu Donald Trump thắng cử thì tình hình chính trị nội bộ nước Mỹ chắc chắn sẽ có sự thay đổi. Ông ta sẽ thay đổi hầu hết các chính sách của Joe Biden, sẽ chỉ giữ lại những gì phù hợp và điều hành nước Mỹ theo cách của riêng mình. Tuy nhiên, tình hình địa chính trị toàn cầu chắc chắn sẽ không có sự thay đổi lớn vì chính sách đối ngoại của Mỹ vẫn không thay đổi về cơ bản. Bởi mục tiêu của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đều là “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, là duy trì độc quyền bá chủ thế giới của nước Mỹ và bằng mọi cách sẽ ngăn chặn tất các các quốc gia, các thế lực muốn lật đổ sự độc quyền ấy.
Tuy nhiên, về tiểu tiết thì chắc chắn sẽ có sự khác nhau trong việc lựa chọn đối tác và đối tượng của Mỹ. Vì xuất thân từ doanh nhân nên Donald Trump là người thiên về đấu tranh kinh tế hơn là đối đầu quân sự. Quan điểm của Donald Trump là củng cố nước Mỹ về kinh tế mà cái lõi của nó là phát triển nền sản xuất nội địa, là ưu tiên cho đầu tư trong nước, làm cơ sở nền tảng cho phát triển kinh tế xã hội cũng như củng cố quốc phòng, an ninh. Quan điểm này mang lại sự xung đột lớn nhất đối với phe Dân chủ khi phe này coi trọng đầu tư ra nước ngoài để tìm kiếm siêu lợi nhuận.
“Vì lý do này mà Donald Trump coi Trung Quốc là đối thủ nguy hiểm nhất về kinh tế và công nghệ. Nếu ông ta thắng cử, thương chiến Mỹ - Trung rất có thể sẽ “nóng lên”, còn NATO và Ukraina có thể sẽ không còn được Mỹ “ưu tiên” trong cuộc đối đầu với Liên bang Nga. Khi đó, những điểm nóng mới về cạnh tranh thương mại sẽ nổi lên trong khi các điểm nóng về đối đầu về chính trị, quân sự có thể rơi vào tình trạng “đóng băng”, - Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long đưa ra nhận định khi trả lời phỏng vấn của Sputnik.
Ông Nguyễn Hồng Long cũng nhấn mạnh, đối với Việt Nam thì cả hai phe Cộng hòa và Dân chủ đều rất muốn hướng lái Việt Nam và quỹ đạo của Mỹ và đều muốn sử dụng Việt Nam nếu không phải là tiền đồn chống Trung Quốc như Đài Loan hay Philippines hiện tại thì cũng giảm bớt mối liên hệ với Trung Quốc. Trong các chuyến thăm và là việc đến Việt Nam, cả Donald Trump và Joe Biden đều bộc lộ nhu cầu này. Và sự bộc lộ ấy còn rõ rệt hơn khi các nguyên thủ Việt Nam sang thăm và làm việc tại Mỹ.
“Vẫn như trước đây, Việt Nam vẫn đứng trước sự lôi kéo của cả Mỹ và Trung Quốc. Và khi đó, phương châm “ngoại giao cây tre” của Việt Nam vẫn cần được duy trì và phát huy tác dụng nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định để phat triển kinh tế xã hội, củng cố quốc phòng an ninh”, - Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long kết luận.