"Người đốt lò vĩ đại" ra đi, Việt Nam sẽ có thay đổi gì về chính trị?

Trước mắt sẽ chỉ có thay thế về nhân sự liên quan tới chức vụ Tổng bí thư và Chủ tịch nước, nhưng về chất có thể sẽ khác.
Sputnik
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mất đi là đại tang rất lớn đối với Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân Việt Nam. Dấu ấn thành công mà Ông để lại là hết sức to lớn, trong đó có công cuộc chống “giặc nội xâm” mà Ông được coi là “người tổng tư lệnh”.

Ai sẽ thay thế?

Những chuyên gia mà Sputnik phỏng vấn được đều cho rằng, tương tự như sự ra đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây 55 năm, khi sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ còn chưa hoàn thành; sự ra đi của “người Tổng tư lệnh” trên mặt trận chống “giặc nội xâm” của Việt Nam là một tổn thất to lớn khó có thể bù đắp toàn vẹn. Tuy vậy, công cuộc chống “giặc nội xâm” của “người tổng tư lệnh” vẫn sẽ được tiếp tục.

“Tôi cho rằng, công cuộc chống “giặc nội xâm” mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động từ hơn 10 năm qua đến nay vẫn còn dang dở. Chính vì vậy mà quyết tâm chính trị của Việt Nam vẫn không hề thay đổi”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm nói với Sputnik.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đột ngột qua đời, Việt Nam mất đi người đốt lò vĩ đại
Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm cũng bổ sung với Sputnik rằng, những chủ trương, đường lối cơ bản của Đảng và Nhà nước Việt Nam vẫn sẽ không thay đổi. Do đó, nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam chắc chắn sẽ chỉ có thay đổi về nhân sự giữ chức vụ Tổng bí thư.

“Tuy nhiên, hiện nay Chủ tịch nước Tô Lâm đang chịu trách nhiệm điều hành Ban Chấp hành TW, Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Vì vậy, có khả năng Chủ tịch Tô Lâm sẽ tạm quyền Tổng bí thư cho đến Đại hội 14 của Đảng. Khả năng thứ hai là Hội nghị TW 10 sẽ bầu Tổng bí thư mới. Khả năng thứ ba là Chủ tịch Tô Lâm sẽ được bầu làm Tổng bí thư trong thời gian tới. Hoặc là ông sẽ giữ hai chức vụ Chủ tịch nước và Tổng Bí thư, hoặc là Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước mới theo sự giới thiệu của Ban Chấp hành TW”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm phát biểu với Sputnik.

Nhà bình luận chính trị Hoàng Đức cũng cho rằng trước mắt sẽ chỉ có thay thế về nhân sự liên quan tới chức vụ Tổng bí thư và Chủ tịch nước, nhưng về chất có thể sẽ khác.
“Tôi dự đoán ông Tô Lâm sẽ giữ chức vụ Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước và quyền lực sẽ tập trung hơn vào người giữ những chức vụ này, kéo theo trách nhiệm cá nhân cũng sẽ được đề cao hơn. Nó có thể giống hình mẫu quản lý nhà nước của Trung Quốc và cũng có thể giống như là của Nga. Cho dù là Trung Quốc hay Nga thì nó vẫn sẽ hiệu quả hơn”, - Nhà bình luận chính trị Hoàng Đức đưa ra đánh giá với Sputnik.

Tương lai của công cuộc “đốt lò”

Xung quanh công cuộc “đốt lò” của Tổng bí thư ĐCS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trong giới chuyên gia nước ngoài có nhiều ý kiến, nhiều đáng giá, nhưng nói chung, họ đều thấy rằng, nó đã gây một tiếng vang rất lớn không chỉ trong nước, giúp uy tín của Ông Nguyễn Phú Trọng tăng cao, người dân cảm phục.
Chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2012 – 2022 “Chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta lại được chỉ đạo một cách mạnh mẽ, bài bản, đồng bộ, quyết liệt và có hiệu quả rõ rệt như thời gian gần đây”.
Người Cộng sản Nguyễn Phú Trọng
Nhà bình luận Hoàng Đức lưu ý rằng, cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam từ khi Ông Nguyễn Phú Trọng châm ngọn nến khởi đầu cho tới khi nó là một cái “lò cháy rực” đã góp phần xây dựng hình ảnh Đảng cộng sản Việt Nam đẹp hơn, tốt hơn. Những nỗ lực và kết quả đã góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của người dân vào chính quyền.

“Để tồn tại và giữ vị thế là đảng cầm quyền, Đảng cộng sản Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục công cuộc “đốt lò” - chống tham nhũng tiêu cực”, - Nhà bình luận chính trị Hoàng Đức nói với Sputnik.

Thảo luận