Ngoài mục tiêu về GDP bình quân đầu người, Chính phủ cũng đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân mỗi năm khoảng 7%; tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội về dưới 20%.
Mục tiêu về GDP bình quân đầu người
Chính phủ vừa ban hành Chương trình hành động nhằm thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong đó, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu GDP bình quân đầu người đến 2030 đạt khoảng 7.500 USD, tương đương hơn 190 triệu đồng theo tỷ giá hiện tại.
Trước đó, Tổng cục Thống kê ghi nhận, GDP bình quân đầu người năm 2023 của Việt Nam theo giá hiện hành ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284,5 USD, tăng 160 USD so với năm 2022. Như vậy, mục tiêu của Chính phủ tăng 75% so với kết quả năm ngoái.
Trong năm 2024, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm toàn cầu S&P Global Ratings dự báo GDP bình quân đầu người của Việt Nam có thể đạt 4.500 USD, bằng 60% so với mục tiêu đề ra vào 2030.
Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra dự báo cho rằng, trong năm nay GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt 4.620 USD, tương đương hơn 117 triệu đồng theo tỷ giá hiện hành. So với năm 2000, GDP bình quân đầu người của Việt Nam hiện đã tăng hơn 9 lần.
GDP bình quân đầu người được xem như một thước đo cơ bản về giá trị sản lượng nền kinh tế trên bình quân đầu người. Đây cũng là chỉ số gián tiếp về thu nhập bình quân đầu người.
Nhiều mục tiêu khác
Bên cạnh GDP bình quân đầu người, Chính phủ cũng đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7% mỗi năm; tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 20%.
Các mục tiêu khác trong Chương trình có thể kể đến như: Việt Nam lọt top 3 quốc gia dẫn đầu ASEAN về năng lực cạnh tranh công nghiệp; tỷ trọng công nghiệp đạt trên 40% GDP; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 30% GDP; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt trên 45%; giá trị gia tăng công nghiệp chế tạo, chế biến bình quân đầu người đạt trên 2.000 USD; tỷ trọng khu vực dịch vụ đạt trên 50% GDP, trong đó du lịch đạt 14 - 15% GDP.
Chính phủ cũng đặt mục tiêu hình thành được một số tập đoàn, doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn; xây dựng và phát triển một số cụm liên kết ngành công nghiệp trong nước có quy mô lớn, năng lực cạnh tranh quốc tế; làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp...
Để đạt được các mục tiêu trên, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần đổi mới tư duy, nhận thức, hành động quyết liệt, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đồng thời, phấn đấu xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự lực, tự cường; nâng cao năng lực ngành xây dựng.
Đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy đô thị hóa nhanh và bền vững, gắn kết chặt chẽ và tạo động lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.