1.600 công nhân đồng loạt ngừng công ở Bắc Giang

Khoảng 1.600 công nhân Công ty TNHH KD Sports Việt Nam (vốn đầu tư Hàn Quốc) ngưng việc tập thể do không đồng tình với mức tăng lương của công ty.
Sputnik
Liên đoàn Lao động huyện Hiệp Hoà đã cùng đại diện các cơ quan chức năng tích cực vào cuộc giải quyết vụ việc, tìm tiếng nói chung giữa công nhân và công ty.

1.600 công nhân may ngừng công tập thể ở Bắc Giang

Theo phản ánh của báo Lao Động, trong sáng 2/8, khoảng 1.600 công nhân Công ty TNHH KD Sports Việt Nam ở thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang đã “ngừng việc tập thể” để phản đối chính sách tăng lương không hợp lý của công ty.
Công ty TNHH KD Sports Việt Nam chuyên may công nghiệp, là doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc, tổng số công nhân lao động khoảng 1.600 người, làm việc tại 3 xưởng.
Thông tin về sự việc, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Hiệp Hoà Ngô Quang Tuấn cho biết, ông đã cùng đại diện các cơ quan chức năng đang tích cực vào cuộc giải quyết vụ việc.
Tăng lương ngay
Thực hiện Nghị định 74 của Chính phủ, ngày 22/7, công ty chủ động tăng lương cơ bản của công nhân thêm 220.000 đồng/người/tháng; tiền ăn ca điều chỉnh tăng từ mức 20.000 đồng/bữa lên mức 25.000 đồng/bữa.
Ngoài ra, công nhân làm việc tại phòng lông, bông, in… được tăng phụ cấp từ mức 6.000 đồng/người/ngày lên mức 10.000 đồng/người/ngày.
Tuy nhiên, sau khi nhận được thông báo này, công nhân không đồng tình. Họ muốn lương cơ bản tăng thêm 260.000đ/người/tháng; tăng phụ cấp từ 600.000 đồng/người/tháng lên 700.000 đồng/người/tháng.
“Ngoài ra, công nhân còn nêu lên một số đề nghị khác, nhưng công ty chưa giải quyết”, ông Tuấn nói với báo Lao động.
Sau đó, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở công ty sau khi tổng hợp các ý kiến kiến nghị gửi lên lãnh đạo doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng như lần trước, công ty chưa giải quyết các nội dung kiến nghị này.

Đang thương lượng

Báo cáo của Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang cho biết, vì chưa có kết quả giải quyết từ ban lãnh đạo công ty, khoảng 8 giờ ngày 1/8, toàn bộ công nhân lao động của xưởng 2 (600 người) ngừng việc tại chỗ.
Đến 10 giờ, toàn bộ công nhân lao động của công ty (1.600 người) đã ngừng việc và ở trong khuôn viên của công ty, yêu cầu Ban Giám đốc giải quyết các kiến nghị của người lao động.

“Khi sự việc xảy ra, Liên đoàn Lao động huyện, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện, Công an huyện và Ban chấp hành Công đoàn cơ sở, đại diện tập thể người lao động đã tổ chức làm việc với ban lãnh đạo công ty”, theo ông Tuấn.

Việt Nam: Vì sao lương cơ sở tăng 30% nhưng lương hưu chỉ tăng 15%?
Ban lãnh đạo công ty đưa ra phương án giải quyết tăng lương cơ bản lên 235.000 đồng; từ tháng 8/2024, sẽ tính tiền tăng ca căn cứ vào tổng lương cơ bản cộng với tiền chuyên cần cộng với 50% tiền thâm niên hiện hưởng của công nhân, (từ tháng 1.2025) sẽ tính 100% tiền thâm niên của công nhân.
Công ty đồng ý đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo mức quy định của công ty đang thực hiện + phụ cấp trách nhiệm + phụ cấp thâm niên nhưng sẽ tăng sản lượng lên 15%.
Tuy nhiên, công nhân lao động không đồng ý các nội dung trên và tiếp tục đề nghị giải quyết các kiến nghị: Tăng lương cơ bản 260.000 đồng; tăng xăng xe, chuyên cần thêm 100.000 đồng; không tăng sản lượng.
Công nhân yêu cầu lương cơ bản thực lĩnh cộng với xăng xe, chuyên cần, thâm niên để chia tiền tăng ca; lương được tính theo mức lương cơ bản thực lĩnh, không áp dụng mức lương doanh nghiệp đang đóng bảo hiểm cho người lao động. Công nhân cũng đề nghị tất cả các khoản tăng trên được áp dụng từ 1/7/2024.
Sau khi thương lượng lần thứ 2, ban lãnh đạo công ty đã đồng ý tăng lương cơ bản lên 250.000 đồng từ 1/7/2024.
Từ tháng 8/2024 sẽ tính tiền tăng ca căn cứ vào tổng lương cơ bản cộng với tiền chuyên cần cộng với tiền thâm niên hiện hưởng của công nhân; đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo mức lương cơ bản của công ty với các phụ cấp được đóng bảo hiểm xã hội theo quy định từ 1/7/2024 nhưng sản lượng giao cho giám đốc xưởng quyết định.
Tuy nhiên, tập thể người lao động không đồng ý các nội dung trên và tiếp tục ngừng việc tập thể và đến 16 giờ 30 phút cùng ngày, cơ bản công nhân lao động rời khỏi công ty.
Ông Ngô Quang Tuấn cho biết, với mức tăng này, lương cơ bản dao động từ 4,4 triệu đồng - 5 triệu đồng/tháng, cao hơn mức lương tối thiểu vùng áp dụng trên địa bàn từ 15-28%. Hiện mức lương tối thiểu vùng áp dụng tại huyện Hiệp Hòa là 3.860.000 đồng/tháng.

Công ty sẽ cho nghỉ việc công nhân không quay lại làm việc sau 5 ngày

Sang ngày 3/8, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Hiệp Hòa cho biết, hôm nay, cơ bản công nhân đồng tình với thông báo mới nhất công ty đưa ra, tuy nhiên, còn một bộ phận chưa đồng tình nên công đoàn đang thuyết phục, vận động.
Theo thông báo báo tới toàn thể cán bộ công nhân viên trong công ty của Ban lãnh đạo Công ty TNHH KD Sports Việt Nam, lãnh đạo doanh nghiệp nói đã đáp ứng tất cả các kiến nghị về tăng lương của công nhân với khả năng tốt nhất có thể của công ty.
Kể từ ngày 2/8/2024 đến hết ngày 8/8/2024 (5 ngày làm việc) tất cả những công nhân không quay lại làm việc, công ty sẽ đơn phương chấm dứt hợp đồng và cắt toàn bộ bảo hiểm theo như quy định tại Điểm e, Khoản 1, Điều 36 Bộ luật Lao động.
“Công ty đã cố gắng để đáp ứng được phần nào mong muốn của công nhân. Rất mong anh chị em công nhân hiểu và thông cảm cho công ty. Công ty yêu cầu toàn thể cán bộ công nhân viên quay trở lại làm việc bình thường”, thông báo nêu.
Cho đi nhờ xe, nam thanh niên 20 tuổi bị sát hại dã man ở Bắc Giang
Được biết, theo Điểm e, Khoản 1, Điều 36 Bộ luật Lao động hiện hành quy định: Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nếu người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 5 ngày làm việc liên tục trở lên.

“Liên đoàn Lao động huyện đang tiếp tục tuyên truyền, vận động công nhân lao động trở lại làm việc; Ban chấp hành công đoàn cơ sở tiếp tục phản ánh với doanh nghiệp để điều chỉnh phù hợp hơn”, ông Ngô Quang Tuấn thông tin.

Năm 2022 cũng xảy ra vụ đình công tương tự ở Công ty Trách nhiệm hữu hạn KD Sports Việt Nam và đích thân Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hiệp Hòa thời điểm đó là ông Hoàng Công Bộ đã phải trực tiếp cùng các cơ quan chuyên môn có liên quan tiến hành làm việc, đối thoại với Giám đốc, Công đoàn và công nhân để giải quyết những kiến nghị của người lao động.
Thảo luận