Bộ Công Thương kiểm tra loạt ông lớn kinh doanh xăng dầu, có cả đại gia Hải Linh

Bộ Công Thương cho hay đang tiến hành kiểm tra 6 doanh nghiệp đầu mối và 8 thương nhân phân phối xăng dầu, trong đó có Công ty TNHH Hải Linh, trụ sở tại tỉnh Phú Thọ.
Sputnik
Đại diện Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương khẳng định, việc kiểm tra là bình thường và không liên quan gì đến tổng nguồn cung xăng dầu.

Kiểm tra loạt ông lớn xăng dầu

Trong khi đó, Tổng cục Quản lý thị trường cũng kiểm tra 4 thương nhân đầu mối, 20 thương nhân phân phối có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động cung ứng mặt hàng thiết yếu này.
Trong danh sách đã công khai có Công ty TNHH Hải Linh, trụ sở tại tỉnh Phú Thọ. Đây là một trong những doanh nghiệp đầu mối xăng dầu thuộc hàng top ở khu vực phía Bắc nói riêng và cả nước nói chung.
Liên quan đến điều kiện kinh doanh của Công ty TNHH Hải Linh, Bộ Công Thương có yêu cầu Sở Công Thương Phú Thọ xác minh và cung cấp thông tin về 9 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu và 15 đại lý bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống của Công ty TNHH Hải Linh trên địa bàn.
Các Sở Công Thương tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Giang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Ninh cũng được Bộ Công Thương đề nghị xác minh, cung cấp thông tin về các đại lý bán lẻ xăng dầu trực thuộc hệ thống phân phối của Công ty Hải Linh đang hoạt động trên địa bàn các tỉnh.
Diễn biến mới với Quỹ bình ổn giá xăng dầu
Nhiều người lo ngại rằng nguồn cung xăng dầu có bị ảnh hưởng nếu các doanh nghiệp lớn bị kiểm tra, cũng như một số thương nhân phân phối bị rút giấy phép do không đủ điều kiện hoạt động.
Trả lời báo chí, bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết đây là chương trình kiểm tra năm 2024 của Bộ Công Thương.
Hằng năm, Bộ Công Thương vẫn thường xuyên lập kế hoạch kiểm tra việc duy trì điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
“Thực tế, hằng năm, Bộ Công Thương đều có chương trình kiểm tra ở các ngành, lĩnh vực, vì vậy không riêng xăng dầu mà các lĩnh vực khác cũng sẽ thực hiện nhiệm vụ kiểm tra”, - bà Hiền cho biết.
Theo chương trình kiểm tra năm 2024 được phê duyệt, Bộ Công Thương thực hiện kiểm tra 6 doanh nghiệp đầu mối, bao gồm cả Hải Linh, cùng 10 thương nhân phân phối.
“Việc kiểm tra này là kiểm tra việc tuân thủ điều kiện kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối. Tất cả các doanh nghiệp lớn nhỏ đều sẽ có kế hoạch kiểm tra”, - báo Người lao động dẫn lời Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho cho hay.
Đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh, trong 1 năm, Bộ không thể đi kiểm tra hết được hơn 30 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu. Do vậy, mỗi năm chỉ chọn một số doanh nghiệp để kiểm tra.
Giá xăng dầu hạ nhiệt sau 4 lần tăng liên tiếp
“Như vậy, trong vòng 5 năm, Bộ sẽ kiểm tra được hết các số lượng các doanh nghiệp đầu mối trong vòng đời giấy phép kinh doanh của họ”, - bà Hiền nói.
Đối với yêu cầu các Sở Công Thương một số địa phương xác minh, cung cấp thông tin về các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc các doanh nghiệp đầu mối lớn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết việc này là do Sở Công Thương trên địa bàn nắm rõ được số lượng, tình hình hoạt động của các cửa hàng.
Do vậy, bên cạnh việc đi kiểm tra thực tế, Bộ Công Thương sẽ kết hợp từ kết quả báo cáo xác minh, kiểm tra của các Sở Công Thương để có kết luận chính xác.
Đặc biệt, đại diện Bộ Công Thương khẳng định việc kiểm tra “không liên quan gì” tới tổng nguồn xăng dầu.
Bốn thương nhân xăng dầu bị rút giấy phép
“Đối với việc chấp hành quy định pháp luật của các thương nhân xăng dầu, vẫn còn một số thương nhân chưa chủ động báo cáo để Bộ Công Thương phải nhắc nhở", - lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước thông tin với Vietnamnet.

Xăng dầu đầy đủ

Theo báo cáo của các doanh nghiệp, năm nay nguồn cung của xăng dầu cơ bản được đáp ứng. Nhiều doanh nghiệp báo cáo tổng nguồn đầy đủ.
Tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 được Bộ Công Thương phân giao cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (36 thương nhân) thực hiện tổng cộng là 28,44 triệu m3/tấn xăng dầu các loại.
Trong khi đó, báo cáo từ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, tổng nguồn nhập khẩu và mua trong nước thực hiện 6 tháng đầu năm 2024 đạt 13,8 triệu m3/tấn xăng dầu các loại, bằng 48% tổng nguồn tối thiểu Bộ Công Thương phân giao, giảm 0,28% so với 6 tháng đầu năm 2023 (6 tháng đầu năm 2023 đạt 14,2 triệu m3/tấn xăng dầu các loại).
BIDV rao bán kho cảng của "ông lớn" xăng dầu
Tổng nguồn sản xuất và nhập khẩu xăng dầu 6 tháng đầu năm 2024 được báo cáo đạt 12,41 triệu tấn, tương đương khoảng 15,2 triệu m3/tấn xăng dầu các loại, trong đó: nhập khẩu chiếm 44,5%, sản xuất trong nước chiếm 55,5%.
Lượng tiêu thụ 6 tháng đầu năm nay khoảng 13,2 triệu m3/tấn. Tồn kho thời điểm 30/6 khoảng 1,85 triệu m3/tấn, tương đương 6 tháng đầu năm 2023.
Bộ Công Thương dự báo tổng nguồn sản xuất và nhập khẩu 6 tháng cuối năm 2024 (theo báo cáo của các thương nhân) ước khoảng 13,3 triệu m3/tấn xăng dầu các loại.
Thảo luận