Công trình nghiên cứu xem xét bốn hệ thống tự nhiên quan trọng đối với khí hậu Trái đất: dòng hải lưu Đại Tây Dương, rừng nhiệt đới Amazo, sông băng ở Bắc Cực và Nam Cực. Khả năng biến đổi dù chỉ một hệ thống trong số này do nhiệt độ toàn cầu gia tăng sẽ dẫn đến hiệu ứng domino và trở thành bước ngoặt trong diễn biến khí hậu trên hành tinh.
"Nếu xu hướng khí hậu hiện nay tiếp tục diễn ra, nguy cơ xảy ra điểm bước ngoặt được ước tính là 45% trong thế kỷ này. <...> Nguy cơ cũng sẽ tăng lên tương ứng với mức gia tăng mỗi 0,1°C vượt trên ngưỡng tăng khả quan là 1,5°C", - nghiên cứu cho biết.
Các nhà khoa học đi đến kết luận rằng việc tránh “điểm bước ngoặt” đòi hỏi phải đạt được và duy trì mức phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2100.
“Kết quả nghiên cứu của chúng tôi nhấn mạnh rằng việc cắt giảm mạnh mẽ lượng khí thải trong thập niên hiện tại là rất quan trọng đối với an ninh khí hậu toàn cầu”, - các nhà khoa học tổng kết.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres trước đó cho biết nhiệt độ trên Trái đất có thể tăng 2,8 độ C vào cuối thế kỷ nếu các quốc gia không triệt để hóa chiến lược khử cacbon của mình. Có ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực này là Thỏa thuận Khí hậu Paris năm 2015, trong đó kêu gọi các nước thực hiện các biện pháp hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu trong ngưỡng 1,5°C, tối đa là 2°C vào năm 2100.
Trong quá trình triển khai chương trình nghị sự về khí hậu toàn cầu, hầu hết các quốc gia đều áp dụng giải pháp nhằm đạt được mức độ trung hòa carbon, nghĩa là sự cân bằng giữa hoạt động phát thải khí nhà kính do con người tạo ra (carbon dioxide, metan và các loại khí thải khác) và sự hấp thụ chúng thông qua các giải pháp công nghệ (RES, điện khí hóa giao thông, CCUS trong công nghiệp, hydro) và với sự trợ giúp của hệ sinh thái tự nhiên (chủ yếu là rừng).