Trước đó, chiều 7/8, Khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Trường ĐH Kỹ thuật y tế Hải Dương) tiếp nhận nữ bệnh nhân V.T.O (46 tuổi) vào khám bệnh với triệu chứng đau bụng nhiều do vô tình nuốt phải bàn chải đánh răng khi đánh răng sau ăn.
Sau khi tiếp nhận và đánh giá sơ bộ, lãnh đạo khoa Tiêu hóa đã báo cáo Ban Giám đốc bệnh viện và nhanh chóng khởi động kíp nội soi với nhiều kinh nghiệm. Ekip có sự hỗ trợ của bác sĩ hồi sức cấp cứu do người bệnh cần nội soi gắp dị vật, trong khi dạ dày vẫn còn đầy thức ăn nên không thể gây mê.
Việc nội soi gắp dị vật khi dạ dày có nhiều thức ăn và không gây mê sẽ gặp nhiều khó khăn và một số nguy cơ có thể xảy ra do người bệnh kích thích, kích thước dị vật lớn. Tuy nhiên, sau khoảng thời gian làm việc khẩn trương, cố gắng, ê kíp nội soi do bác sĩ Lê Mạnh Hùng làm trưởng kíp đã gắp thành công chiếc bàn chải đánh răng dài khoảng 20 cm từ dạ dày nữ bệnh nhân.
Bác sĩ Vũ Công Danh, Trưởng khoa Tiêu hóa, cho biết:
"Đây là trường hợp khá hy hữu. Dị vật lớn, cứng, dài, bệnh nhân lại mới ăn, nên khi thực hiện thủ thuật nội soi bác sĩ phải nhiều kinh nghiệm, thực hiện phải rất cẩn thận, tỉ mỉ. Với sự tích lũy về kinh nghiệm cũng như trình độ của các y bác sĩ, thủ thuật đã được thực hiện thành công, an toàn".
Bác sĩ Danh cũng khuyến cáo, dị vật đường tiêu hóa là một trong những cấp cứu thường gặp, hay gặp nhiều như hóc xương, tăm tre, vỏ bao viên thuốc…Dị vật đi vào đường tiêu hóa rất nguy hiểm, cần được cấp cứu xử trí sớm nếu không sẽ gây nhiều biến chứng nặng nề như: loét, chảy máu, tạo ổ áp xe, nặng hơn gây thủng trung thất, thủng dạ dày, thủng ruột…
Để phòng ngừa dị vật đường tiêu hóa nên tập thói quen ăn chậm, nhai kỹ, hạn chế nói chuyện, đùa khi ăn, cẩn thận với các loại thịt chưa loại bỏ xương, bỏ thói quen ngậm tăm. Hay như trong trường hợp nữ bệnh nhân kể trên, cần cẩn thận khi đánh răng. Ngay khi phát hiện hóc dị vật, không nên cố thực hiện các động tác nuốt vào hay khạc nhổ, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất có thể nội soi gắp dị vật để được xử lý kịp thời, an toàn.