Cụ thể, trong hai ngày 7/8 và 8/8/2024, GELEX đã mua lần lượt 50 triệu và 39 triệu cổ phiếu EIB bằng phương thức giao dịch trên sàn chứng khoán TPHCM.
Với mức giá khớp lệnh từ 18.350 đồng đến 18.400 đồng/cổ phiếu, Gelex đã chi trả khoảng 1.637 tỉ đồng để mua đứt tổng cộng 89 triệu cổ phiếu EIB.
Sau khi hoàn tất giao dịch, sở hữu của GELEX tăng từ 85,5 triệu cổ phiếu, chiếm 4,9%, lên 174,6 triệu cổ phiếu, tương đương 10% vốn điều lệ của ngân hàng này.
Như vậy, GELEX hiện là cổ đông lớn nhất của Eximbank.
Theo quy định của pháp luật, nhà đầu tư mua phiếu ngân hàng thương mại để trở thành cổ đông lớn ( (sở hữu từ 5% vốn điều lệ trở lên) phải được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước.
Theo đó, cách đây 1 tuần Ngân hàng Nhà nước đã đồng ý để Gelex mua cổ phần của Eximbank thông qua phương thức giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận trên sàn HoSE trong năm 2024.
GELEX hiện được biết đến là tập đoàn đầu tư, chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất thiết bị điện và hạ tầng khu công nghiệp.
Tính đến hết tháng 7, GELEX ghi nhận lũy kế doanh thu thuần hợp nhất đạt 18.527 tỉ đồng, tương đương 57% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.975 tỉ đồng, thực hiện 103% kế hoạch năm. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp này đã vượt kế hoạch lợi nhuận của cả năm 2024.
Lý giải về việc này, doanh nghiệp cho biết, bên cạnh khoản lợi nhuận thu về từ việc hoàn tất chuyển nhượng 3/4 dự án năng lượng tái tạo cho Sembcorp, các công ty con thuộc mảng sản xuất thiết bị điện của GELEX đã có kết quả kinh doanh tích cực khi tập trung vào công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực quản trị, đẩy mạnh công tác marketing bán hàng…
Hiện, GELEX cũng đang bắt tay với nhiều "ông lớn" đến từ Singapore như Sembcorp, Frasers Property để phát triển các trung tâm công nghiệp theo mô hình cao cấp, đạt chuẩn quốc tế; tìm kiếm các cơ hội trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.