Lý do, một số địa phương sử dụng giá đất trong bảng giá đất hiện hành (ban hành theo Luật Đất đai năm 2013) để làm giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 2024. Ngoài ra, các địa phương chưa kịp thời theo dõi biến động giá đất phổ biến trên thị trường để điều chỉnh bảng giá.
Sử dụng bảng giá theo Luật Đất đai năm 2013
Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với nội dung đề nghị điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất.
Qua nắm tình hình, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận thấy hiện nay có tình trạng một số địa phương sử dụng giá đất trong bảng giá đất hiện hành (xây dựng, ban hành theo Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành) để làm giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 2024.
"Điều này dẫn tới có sự chênh lệch rất lớn giữa giá khởi điểm và giá trúng đấu giá, tiềm ẩn nguy cơ lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư, kinh doanh và thị trường nhà ở, bất động sản", Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ rõ.
Tình trạng này có một phần nguyên nhân do bảng giá đất hiện hành được xây dựng, ban hành theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành bị khống chế bởi khung giá đất của Chính phủ (đã được xoá bỏ tại Luật Đất đai năm 2024).
Ngoài ra, một lý do nữa là trong thời gian thực hiện bảng giá đất, một số địa phương chưa kịp thời theo dõi biến động giá đất phổ biến trên thị trường để điều chỉnh bảng giá cho phù hợp. Chính vì vậy, giá đất trong bảng giá tại một số địa phương thấp hơn nhiều so với giá thị trường.
Từ đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải chỉ đạo rà soát khi áp dụng giá đất. Trong trường hợp giá đất chưa phù hợp với thực tế, UBND cấp tỉnh cần phải điều chỉnh theo Luật Đất đai 2013, áp dụng đến hết ngày 31/12.
Song song đó, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng tiến hành rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn, đảm bảo tuân thủ đúng pháp luật, công khai, minh bạch.
Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng đất. Ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đất đấu giá ven Hà Nội cao kỷ lục
Thời gian qua, liên tiếp các phiên đấu giá đất tại các huyện ven Hà Nội có giá trúng cao kỷ lục, gấp nhiều lần so với khởi điểm. Trường hợp cao nhất được ghi nhận tại huyện Hoài Đức, lên đến 133,3 triệu đồng/m2, gấp hơn 18 lần khởi điểm, như ở Hoài Đức.
Mức trúng đấu giá trên thậm chí còn cao hơn so với bảng giá đất của các quận nội thành, cao hơn bảng giá đất ở nhiều khu vực tại các quận trung tâm như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng…
Chẳng hạn, khu vực đường Trần Hưng Đạo (Từ Trần Thánh Tông- Lê Duẩn), Phố Huế có giá đất là 114 triệu đồng/m2, thấp hơn giá trúng đấu giá cao nhất tại huyện Hoài Đức.
Nhiều khu vực khác tại quận Hoàn Kiếm có giá đất từ 90-98 triệu đồng/m2, như Hàng Mã, Lý Nam Đế, Nguyễn Hữu Huân… Con số này thấp hơn mức trúng đấu giá ở cả Đan Phượng và Thanh Oai.
Đất đấu giá lên tới 133,3 triệu đồng/m2 cũng “vượt mặt” bảng giá đất cao nhất tại các quận Ba Đình (132,6 triệu đồng/m2), Hai Bà Trưng (106,7 triệu đồng/m2), Đống Đa (92,8 triệu đồng/m2), Tây Hồ (78,8 triệu đồng/m2).
Trên bảng giá đất, tại xã Hạ Mỗ huyện Đan Phượng có giá đất là gần 1,7 triệu đồng/m2. Thị trấn Phùng giá đất cao nhất ở vị trí 1, đường quốc lộ 32 là 15,8 triệu đồng/m2.
Hay như ở xã Thanh Cao huyện Thanh Oai có giá đất là gần 0,8 triệu đồng/m2. Giá đất ở thị trấn Kim Bài cao nhất là 8 triệu đồng/m2 (đường quốc lộ 21B qua địa phận thị trấn, vị trí 1).
Tại huyện Hoài Đức, giá đất ở xã Tiền Yên là 2,47 triệu đồng/m2. Giá đất ở thị trấn Trạm Trôi cao nhất là 17,9 triệu/m2 (quốc lộ 32, vị trí 1).