Equinor rút khỏi Việt Nam, lý do thực sự là gì?

Giám đốc quốc gia Equinor tại Việt Nam đã lý giải về việc tập đoàn năng lượng do Chính phủ Na Uy kiểm soát quyết định dừng các hoạt động phát triển điện gió tại Việt Nam.
Sputnik
Dù đã có một số tập đoàn lớn trong và ngoài nước lên kế hoạch phát triển điện gió ngoài khơi, nhưng hiện nay vẫn chưa có dự án điện gió ngoài khơi nào đang hoạt động tại Việt Nam.

Equinor dừng hoạt động điện gió ngoài khơi tại Việt Nam

Tuần trước, như Sputnik đã đưa tin, Reuters dẫn lời người phát ngôn Tập đoàn năng lượng Equinor (Na Uy) Magnus Frantzen Eidsvold cho biết, tập đoàn này đã quyết định huỷ kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, đóng cửa văn phòng tại Hà Nội.
Văn phòng Equinor tại Việt Nam được mở vào tháng 5/2022. Đây cũng là lần đầu tiên tập đoàn năng lượng do chính phủ Na Uy nắm quyền kiểm soát đóng cửa một văn phòng ở nước ngoài chuyên trách lĩnh vực điện gió ngoài khơi.
Theo đại diện Equinor, quyết định được đưa ra sau đợt đánh giá định kỳ danh mục tài sản năng lượng tái tạo của tập đoàn. Ông Magnus Frantzen cho hay, ngành điện gió ngoài khơi đang đối mặt với nhiều trở ngại đáng kể trong thời gian gần đây và tập đoàn “cần phải có kỷ luật trong cách tiếp cận của mình”.
Về phần mình, ông Jacques Etienne Michel, Giám đốc quốc gia Equinor tại Việt Nam, cho Nhadautu biết, việc quyết định dừng các hoạt động phát triển điện gió tại Việt Nam là để nhằm “tối ưu hóa danh mục dự án ở giai đoạn đầu”.
Sau Orsted, Equinor rút khỏi Việt Nam
Theo ông, trong bối cảnh ngành này đang gặp nhiều khó khăn, Equinor cần thực hiện các ưu tiên để giữ khả năng cạnh tranh. Việc tối ưu hóa danh mục này là nhằm “duy trì một danh mục mạnh và cân bằng” và “đảm bảo chúng tôi có thể tận dụng tối đa năng lực kỹ thuật và tài chính của mình”.
Đại diện Equinor tại Việt Nam cũng không đưa ra nhận định về khả năng Việt Nam có thể đạt được mục tiêu phát triển 6 GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 hay không.
Trước khi mở văn phòng đại diện tại Hà Nội, Equinor đã có một số hoạt động hợp tác tại Việt Nam. Năm 2021, Equinor và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển điện gió ngoài khơi và năng lượng tái tạo khác tại Việt Nam. Tập đoàn cũng có văn bản đề xuất vị trí khảo sát điện gió ngoài khơi tại một số địa phương.
Trên trang web của mình, Equinor đánh giá Việt Nam “có một trong những nguồn tài nguyên gió tốt nhất ở châu Á”, có thể trở thành một “thị trường điện gió ngoài khơi tăng trưởng cao”.
Theo ông Jacques Etienne Michel, Equinor đã có “quan hệ vững mạnh và lâu dài với Việt Nam trong những năm qua”.
Tập đoàn do chính quyền Na Uy kiểm soát vẫn nhìn nhận Việt Nam là một thị trường quan trọng trong nhiều lĩnh vực, là điểm đến tiềm năng cho các sản phẩm dầu khí hoặc tham gia vào chuỗi cung ứng dầu khí của Equinor.

Việt Nam chưa có dự án điện gió ngoài khơi nào đang hoạt động

Dù đã có một số tập đoàn lớn trong và ngoài nước có kế hoạch phát triển điện gió ngoài khơi, nhưng hiện nay vẫn chưa có dự án điện gió ngoài khơi nào đang hoạt động tại Việt Nam.
Tập đoàn Orsted của Đan Mạch cũng đã dừng kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực này ở Việt Nam hồi năm ngoái.
Quy hoạch Điện VIII ban hành tháng 5/2023 đã đặt mục tiêu phát triển 6.000 MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 và tăng lên 70.000-91.500 MW vào năm 2050.
Trong báo cáo mới đây, Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) dự báo, Việt Nam có thể sẽ không đạt mục tiêu nói trên. Nguyên nhân là do khung khổ pháp lý chưa đầy đủ và mỗi dự án điện gió ngoài khơi cần 6-8 năm để phát triển.
Việt Nam lập Ban Chỉ đạo về các dự án năng lượng trọng điểm
Bộ Công Thương hiện đang chủ trì soạn thảo Đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi. Tại cuộc họp ngày 26/7 cho ý kiến về dự thảo này, Bộ Công Thương đã đưa ra một số khó khăn, vướng mắc chính trong phát triển điện gió ngoài khơi.
Cụ thể, nó bao gồm vướng mắc liên quan đến quy hoạch; chủ trương đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư; điều kiện tiếp cận thị trường với nhà đầu tư nước ngoài; đầu tư theo hình thức hợp tác công-tư (PPP); triển khai đầu tư xây dựng và cấp phép xây dựng; quy định pháp luật về biển; xác định tài nguyên gió là tài sản công.
Ngoài ra, còn tồn tại các vấn đề về an ninh, quốc phòng, chủ quyền quốc gia; giá điện; tín dụng; tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với thiết bị, thi công xây dựng, an toàn cháy nổ.
Hiện Bộ Công Thương đang làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và PVN để xúc tiến các bước chuẩn bị triển khai 2 dự án thí điểm.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi cần làm rõ dự án, mô hình, cách triển khai... để cơ quan quản lý có căn cứ giải quyết bài toán về hành lang pháp lý, khảo sát, quy hoạch.
Thảo luận