Vì sao là quốc gia xuất nhiều dầu thô nhưng Việt Nam vẫn phải mua dầu Kuwait?

Kuwait, quốc gia trong khối OPEC, là nhà cung cấp dầu thô lớn nhất cho Việt Nam.
Sputnik
Trong 7 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu 7,09 triệu tấn dầu từ Kuwait, chiếm đến 88% tổng lượng dầu thô nhập khẩu của đất nước.
Dù là quốc gia xuất khẩu mạnh dầu thô nhưng mỗi năm Việt Nam vẫn chi hàng tỷ đô la để nhập khẩu dầu thô (phần lớn từ Kuwait) về phục vụ cho 2 nhà máy lọc dầu là Nghi Sơn và Dung Quất.

88% lượng dầu nhập khẩu của Việt Nam đến từ Kuwait

Theo Mekong Asean dẫn báo cáo từ Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/8, Việt Nam đã chi 5,5 tỷ USD để nhập khẩu 8,7 triệu tấn dầu thô từ các thị trường quốc tế.
Con số này tăng 25% về khối lượng và 20% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá dầu thô nhập khẩu trung bình trong giai đoạn này đạt 631,2 USD/tấn, cao hơn 3,4% so với mức 610,4 USD/tấn của cùng kỳ năm trước.
Về nguồn cung, theo Hải quan, Việt Nam nhập khẩu dầu thô chủ yếu từ 3 quốc gia chính là Brunei, Kuwait, và Nigeria.
Châu Á một lần nữa trở thành điểm đến chính cho mặt hàng dầu xuất khẩu của Mỹ
Được biết, hiện Kuwait là nhà cung cấp dầu thô lớn nhất cho Việt Nam. Kuwait bắt đầu xuất khẩu dầu thô năm 1946 và là thành viên sáng lập của OPEC. Kuwait là nhà sản xuất lớn thứ 5 của OPEC, có trữ lượng dầu đã được chứng minh là 101,5 tỷ thùng.
Theo thống kê của nhà chức trách, trong 7 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu 7,09 triệu tấn dầu từ Kuwait, chiếm đến 88% tổng lượng dầu thô nhập khẩu.
So với cùng kỳ năm trước, lượng nhập khẩu từ Kuwait đã tăng 23,4%. Giá dầu thô nhập khẩu từ Kuwait cũng tăng 4,7% so với năm trước, đạt 595,6 USD/tấn. Qua đó, kim ngạch nhập khẩu từ Kuwait tăng lên 29,3%, đạt mức 4,42 tỷ USD.
Ngoài Kuwait, Việt Nam còn nhập khẩu 263.008 tấn dầu thô từ Nigeria với kim ngạch 182 triệu USD trong 7 tháng đầu năm 2024; nhập 82.021 tấn với kim ngạch 55,5 triệu USD từ Brunei.
Đáng chú ý, không ghi nhận mức tăng trưởng về lượng và kim ngạch nhập khẩu dầu thô của hai quốc gia này do cùng kỳ năm trước Tổng cục Hải quan không ghi nhận số liệu.

Vì sao là quốc gia xuất khẩu dầu thô nhưng Việt Nam vẫn nhập dầu?

Năm ngoái, Việt Nam nhập khẩu hơn 10 triệu m3 xăng dầu, tương đương 8,4 tỷ USD, tăng 27,9% về lượng và tăng 1,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Dù được đánh giá là quốc gia giàu tài nguyên và là nước sản xuất dầu, xuất khẩu mạnh dầu thô, tuy nhiên, Việt Nam hiện vẫn phải nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu từ các quốc gia khác.
Nguyên nhân là do sản lượng khai thác trong nước giảm dần. Theo thống kê, năm 2023, sản lượng khai thác dầu thô của Việt Nam đạt khoảng 10,84 triệu tấn, giảm nhẹ so với năm trước đó.
Bộ Công Thương kiểm tra loạt ông lớn kinh doanh xăng dầu, có cả đại gia Hải Linh
Sản lượng này phản ánh sự suy giảm sản lượng từ các mỏ dầu truyền thống đã đi vào giai đoạn suy kiệt, khiến nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu.
Việt Nam cũng phải nhập nhiều dầu thô nhằm đáp ứng đủ đầu vào cho 2 nhà máy lọc dầu trong nước là Dung Quất và Nghi Sơn.
80% dầu thô phục vụ cho 2 nhà máy này đến từ nguồn nhập khẩu, còn xăng dầu thành phẩm vẫn cần nhập thêm khoảng 30% mới đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Theo lý giải từ các chuyên gia, dầu thô có rất nhiều nguồn trên thế giới nhưng thường được chia thành dầu ngọt và dầu chua (dựa trên hàm lượng lưu huỳnh) và dầu nặng, dầu nhẹ (dựa trên tỷ trọng của dầu).
Mỗi nhà máy lọc dầu được thiết kế để lọc một chủng loại dầu nhất định, hoặc một hỗn hợp dầu có tính chất nhất định.
Đối với tình huống của Việt Nam, 2 nhà máy lọc dầu lại chỉ có khả năng lọc các loại dầu thô khác nhau.
Trong đó, nhà máy Lọc dầu Dung Quất (Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn) được thiết kế để lọc dầu từ mỏ Bạch Hổ.
Dầu Bạch Hổ của Liên doanh Vietsovpetro là loại dầu ngọt nhẹ, hàm lượng lưu huỳnh chiếm 0,03% trọng lượng. Trong khi nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn được thiết kế cho hỗn hợp dầu Kuwait hàm lượng lưu huỳnh 2,52.
Diễn biến mới với Quỹ bình ổn giá xăng dầu
Do đó dù có khai thác được dầu trong nước nhưng không phải dầu thô nào cũng phù hợp với công nghệ lọc của hai nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất.
Điều này dẫn đến việc Việt Nam vẫn phải xuất dầu thô không phù hợp công nghệ lọc trong nước và nhập khẩu loại dầu thô thích hợp để về lọc.
Bất chấp đối mặt với nhiều thách thức về giá dầu thế giới và sự cạnh tranh từ các nguồn năng lượng tái tạo, ngành công nghiệp dầu khí của Việt Nam vẫn nỗ lực duy trì sản lượng và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phòng tránh các rủi ro do gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong nước.
Thảo luận