Dung Quất 2 của Hoà Phát có thể sản xuất 40% nhu cầu thép HRC cho Việt Nam

Với hiệu suất tương đối cao trong năm 2025, Chứng khoán Rồng Việt dự báo nhà máy Dung Quất 2 khi vận hành có thể giúp sản lượng thép cuộn cán nóng HRC đạt 5 triệu tấn, đáp ứng 40% nhu cầu tại Việt Nam.
Sputnik
Dự kiến, Dung Quất 2 có thể bắt đầu đưa ra sản phẩm thương mại để ghi nhận doanh thu trong quý 1/2025.

Dung Quất 2 của Hoà Phát có thể đáp ứng 40% nhu cầu HRC nội địa

Tại báo cáo cập nhật triển vọng Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) phát hành mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng thị trường nội địa sẽ tiếp tục duy trì đà phục hồi trong nửa cuối năm 2024, qua đó hỗ trợ cho sản lượng bán hàng của doanh nghiệp.
Cơ sở để VDSC đưa ra là hoạt động xây dựng được đẩy mạnh khi thị trường bất động sản phục hồi rõ nét hơn, cùng với mùa cao điểm xây dựng trong quý 4, theo Mekong ASEAN.
Về thị trường xuất khẩu (chủ yếu cho sản phẩm HRC), Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, mặc dù thị trường lớn châu Âu tiến hành điều tra chống bán phá giá HRC có nguồn gốc từ Việt Nam nhưng HPG sẽ chủ động chuyển đơn hàng sang phục vụ nhu cầu của công ty tôn mạ nội địa.
Nóng: Nguyên Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất tử vong
Chứng khoán Rồng Việt cũng nhấn mạnh, sản lượng bán hàng của HPG trong nửa cuối năm 2024 có thể đạt 4,5 triệu tấn (tăng 7% so với cùng kỳ năm trước và tăng 6% so với 6 tháng đầu năm), đóng góp phần lớn bởi 2,4 triệu tấn thép xây dựng (tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023) và 1,5 triệu tấn HRC (tương đương cùng kỳ).
Tuy giá bán trung bình dự kiến giảm 10% so với nửa đầu năm do ảnh hưởng từ Trung Quốc bởi đây là thị trường sản xuất chính, đẩy mạnh xuất khẩu sang các quốc gia, nhưng theo VDSC, giá nguyên liệu chính cũng có mức giảm tương ứng, giúp HPG duy trì biên lợi nhuận gộp ở mức 13%, tương đương nửa đầu 2024.
Doanh thu và lợi nhuận gộp của HPG trong nửa cuối năm 2024 được dự báo lần lượt đạt 67.800 tỷ đồng (tăng 8% so với cùng kỳ) và 8.800 tỷ đồng (tăng 10%). Lợi nhuận sau thuế có thể đạt 5.800 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ và giảm 6% so với nửa đầu năm.
Cho cả năm 2024, VDSC dự phóng lợi nhuận sau thuế của HPG đạt 12.000 tỷ đồng, tăng 77% so với năm 2023. EPS tương ứng là 1.775 đồng.
Thông tin từ Hòa Phát trước đó cho hay, dự án Dung Quất 2 đã hoàn thành 80% tiến độ phân kỳ 1, dự kiến sẽ hoàn thành lắp đặt thiết bị dây chuyền sản xuất thép cuộn cán nóng vào giữa tháng 9/2024 và sẽ có sản phẩm chạy thử nóng đầu tiên vào cuối năm 2024.
VDSC đánh giá, tiến độ xây dựng của dự án đang phù hợp kỳ vọng, qua đó Dung Quất 2 có thể bắt đầu đưa ra sản phẩm thương mại để ghi nhận doanh thu trong quý 1/2025.
Đối với thị trường tiêu thụ của Dung Quất 2, VDSC cho rằng thị trường xuất khẩu trở nên khó khăn hơn trong giai đoạn 2024-2025, khi các nước (EU, Ấn Độ…) duy trì xu hướng điều tra chống bán phá giá với các sản phẩm thép nhập khẩu nhằm bảo vệ nền sản xuất nội địa.

Bảo vệ nền sản xuất thép trong nước

Tuy nhiên, điểm sáng với thị trường tiêu thụ Việt Nam ngoài sản lượng vẫn đang ở mức cao còn đến từ việc Bộ Công Thương đã có những quyết định để bảo vệ nền sản xuất thép trong nước.
Như Sputnik đã thông tin, hồi tháng 7/2024, Bộ Công Thương đã ra quyết định về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với các sản phẩm thép cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Trung Quốc và Ấn Độ; biên độ phá giá đang được xác định đối với thép cán nóng Trung Quốc là 27,8% và thép Ấn Độ là 22,3%.
Siết an ninh, bảo vệ 3 lớp khi bảo dưỡng nhà máy lọc dầu Dung Quất
Với sức ép từ HRC nhập khẩu từ Trung Quốc, VDSC cho rằng Bộ Công Thương sẽ có biện pháp áp thuế chống bán phá giá (thời gian điều tra kéo dài tối đa 12 tháng) với các công ty sản xuất có dấu hiệu bán phá giá, qua đó đảm bảo khả năng cạnh tranh của các công ty sản xuất trong nước, bao gồm HPG.
Chứng khoán Rồng Việt cũng cho rằng, nhà máy Dung Quất 2 có thể vận hành với hiệu suất tương đối cao trong năm 2025 (80% cho giai đoạn 1, tương đương 2,2 triệu tấn), qua đó giúp sản lượng HRC trong năm 2025 của HPG có thể đạt 5 triệu tấn, tăng 67% so với cùng kỳ và đáp ứng 40% nhu cầu HRC của Việt Nam.
Thảo luận