Chủ nhân của giải Nobel hoà bình đã lên kế hoạch gì?
Mới đây, ông Mohammad Yunus, người đứng đầu chính phủ lâm thời Bangladesh, đã tiếp bà Haznah Md. Hashim, Cao ủy Malaysia tại Cộng hòa Nhân dân Bangladesh và nêu vấn đề Bangladesh gia nhập ASEAN. Cao ủy Haznah Md. Hashim, mà quốc gia của bà sẽ giữ chức Chủ tịch ASEAN vào 2025, hứa sẽ thông báo cho các thành viên Hiệp hội về yêu cầu của chính phủ Bangladesh.
Ông Muhammad Yunus, người đoạt giải Nobel hoà bình năm 2006, được biết đến ở đất nước ông và trên toàn thế giới như "chủ ngân hàng cho người nghèo". Ông bắt đầu sự nghiệp theo hướng tạo dựng Ngân hàng Grameen vào năm 1976. Ngân hàng Greemin của ông đã cho những người nghèo ở Bangladesh vay một số tiền nhỏ để họ có thể tự túc. Ban đầu, mọi người đều cho rằng, phát minh xuất sắc này của ông Yunus (vì nhờ đó ông đã nhận được giải Nobel) sẽ giúp xóa đói giảm nghèo trên toàn thế giới.
Và các văn phòng tín dụng vi mô bắt đầu xuất hiện trên khắp thế giới. Nhưng hóa ra ngân hàng của ông Yunus đã cho vay người nghèo với lãi suất 20%/năm và sau khi khoản vay được hoàn trả, người nghèo vẫn nghèo. Chính quyền Bangladesh dưới thời Thủ tướng Sheikh Hasina đã phát hiện ra những hành vi phạm tội khác của Yunus và khởi tố một số vụ án hình sự chống lại ông ta, vì vậy Muhammad Yunus đã sang Paris và sống ở đó cho đến khi xảy ra những sự kiện gần đây. Một tháng trước, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina đã từ chức và đã rời khỏi đất nước, trong bối cảnh biểu tình rầm rộ do các nhóm sinh viên dẫn đầu diễn ra tại nước này. Khi đó, Tổng thống Bangladesh đã chỉ định ông Yunus đứng ra thành lập chính phủ lâm thời. Sau khi chính thức tuyên thệ nhậm chức người đứng đầu chính phủ lâm thời, chủ nhân của giải Nobel bắt đầu tìm cách để cứu Tổ quốc, nơi đã tích tụ nhiều vấn đề.
Và xét theo mọi việc, ông Yunus coi việc Bangladesh gia nhập ASEAN là một trong những giải pháp. Là một nhà kinh tế, tân Thủ tướng Bangladesh hiểu rõ rằng, hiệp hội này là một không gian kinh tế rộng lớn, phát triển năng động, xếp hạng 5 trong số các nền kinh tế lớn nhất thế giới theo GDP thực tế. Và tư cách thành viên ASEAN sẽ giúp giải quyết các vấn đề kinh tế của Bangladesh. Tư cách thành viên ASEAN cũng sẽ giúp Bangladesh giảm bớt sự phụ thuộc vào Ấn Độ. Nhiều người ở Bangladesh không thích mối quan hệ quá chặt chẽ giữa Dhaka và New Delhi. Trong tình trạng bất ổn gần đây, nhiều sinh viên đã hô vang khẩu hiệu “Ấn Độ ra đi!” (India out!).
Một vấn đề chính trị khác cũng có thể được giải quyết với sự giúp đỡ của ASEAN là số phận của di dân người Rohingya. Người Rohingya là một nhóm sắc tộc người Ấn-Arya sống ở biên giới phía tây Myanmar và là những người vô tổ quốc, không được xem là công dân Myanmar. Trong những năm gần đây, mối quan hệ giữa người thiểu số và người Myanmar dẫn đến tình trạng bạo lực và khiến nhiều người Rohingya vượt biên từ bang Rakhine của Myanmar trốn sang Bangladesh. Nhưng Bangladesh đã quá tải và không thể tiếp nhận thêm người Rohingya nữa. Rõ ràng, Dhaka hy vọng rằng nếu Bangladesh trở thành thành viên của ASEAN thì các nước thành viên như Indonesia, Malaysia, Brunei, nơi phần lớn người dân theo đạo Hồi sẽ giúp giải quyết vấn đề người Rohingya (những người Hồi giáo).
Tòa án quốc tế có thể giải quyết tranh chấp lãnh thổ hay không?
Tôi không biết chắc liệu ông Muhammad Yunus có đề cập đến những vấn đề này tại buổi gặp gỡ với Cao ủy Haznah Md. Hashim. Nhưng các nhà khoa học chính trị và các nhà báo địa phương đều nói công khai về điều này. Các tác giả từ Bangladesh cho rằng, ASEAN có thể muốn có Bangladesh làm thành viên vì nước này đã hai lần thắng kiện trong các vụ phân định biển tại Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ): vào năm 2012 trong vụ tranh chấp với Myanmar và vào năm 2014 trong vụ tranh chấp với Ấn Độ. Họ cho rằng, hiện nay Bangladesh dựa trên kinh nghiệm của mình có thể giúp Việt Nam, Philippines, Malaysia và các nước thành viên ASEAN khác giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông thông qua tòa án.
Khó có khả năng bất cứ ai ở ASEAN sẽ bị cám dỗ bởi viễn cảnh màu hồng được vẽ ra này. Năm 2016, Tòa trọng tài thường trực The Hague tuyên bố Philippines thắng kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Đường chín đoạn và các yêu sách khác của Bắc Kinh bị tòa án quốc tế tuyên bố là bất hợp pháp. Nhưng điều này không thay đổi được điều gì trong tình hình với quần đảo. Để làm ví dụ, chúng ta hãy lấy tình hình hiện tại ngoài khơi Philippines, nơi Trung Quốc và Philippines đều đổ lỗi cho nhau về những vụ va chạm liên tiếp trong vài tháng qua.
Một điều cũng đáng nghi ngờ liệu ASEAN sẽ tỏ ý sẵn sàng giải quyết các vấn đề kinh tế của Bangladesh và giải quyết vấn đề người Rohingya, điều này chắc chắn sẽ cần rất nhiều tiền. Hơn nữa, các thành viên của Hiệp hội chưa thể thiết lập cuộc đối thoại mang tính xây dựng với chính phủ hiện tại của Myanmar.
Nhưng điều quan trọng nhất: nếu Bangladesh được kết nạp vào ASEAN thì điều đó sẽ vi phạm nguyên tắc địa lý quan trọng nhất của việc hình thành hiệp hội vốn chỉ bao gồm các nước trong khu vực Đông Nam Á. Tổng thống Timor Leste mới đây tuyên bố nước ông sẽ là thành viên chính thức cuối cùng của ASEAN.
Cơ hội duy nhất của Bangladesh là trở thành đối tác đối thoại ngành hoặc đối tác đối thoại của ASEAN. Nhưng, các thành viên ASEAN cũng có thể đặt câu hỏi cho Bangladesh. Nếu chính phủ lâm thời Bangladesh đang tìm cách rời xa New Delhi thì chắc chắn họ sẽ xích lại gần hơn với Bắc Kinh. Đây có phải là điều đáp ứng lợi ích của các nước thành viên ASEAN?