Biển Đông

Thấy gì vụ tàu Trung Quốc tấn công ngư dân Việt Nam ở Hoàng Sa?

Theo các chuyên gia về luật biển, việc tàu Trung Quốc tấn công tàu cá Việt Nam hôm 29/9 tại Hoàng Sa đã vi phạm nghiêm trọng nhiều quy định trong pháp luật quốc tế, đi ngược lại với tinh thần “thượng tôn pháp luật”.
Sputnik
Có ý kiến cho rằng, hành động vừa qua của Trung Quốc ở Hoàng Sa là một trong những bước đi của nước này nhằm tiếp tục triển khai thực hiện chiến thuật “vùng xám”. Đáng chú ý, trong thời gian qua, Bắc Kinh đã nhiều lần leo thang căng thẳng trên Biển Đông với các nước ASEAN.

Việt Nam phản đối tàu Trung Quốc tấn công ngư dân Việt Nam

Phía Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có tuyên bố liên quan việc tàu Trung Quốc trấn áp, đánh đập bị thương, tịch thu tài sản của ngư dân Việt Nam thuộc tàu cá QNg 95739 TS (tỉnh Quảng Ngãi) khi đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Bình luận về hành động hành hung, đánh đập, tấn công thô bạo của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc, theo người phát ngôn Phạm Thu Hằng tuyên bố hôm 2/10, đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, đi ngược nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về kiểm soát và quản lý tốt hơn tranh chấp trên biển.
“Việt Nam hết sức quan ngại, bất bình và kiên quyết phản đối cách hành xử thô bạo của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc đối với ngư dân và tàu cá Việt Nam đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, gây thương tích, đe dọa đến tính mạng và gây thiệt hại về tài sản của ngư dân Việt Nam”, - người phát ngôn nêu rõ.
Ngư dân Huỳnh Tiến Công bị gãy tay, chân, được các lực lượng chức năng đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi điều trị. Ảnh: Viên Nguyễn
Cũng theo bà Phạm Thu Hằng, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã giao thiệp nghiêm khắc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, mạnh mẽ phản đối hành động nói trên của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc.
Đồng thời, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng đầy đủ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, khẩn trương điều tra và thông báo kết quả cho phía Việt Nam, không tái diễn các hành động tương tự.

Vi phạm nghiêm trọng của Trung Quốc

Liên quan đến việc tàu Trung Quốc tấn công tàu cá Việt Nam hôm 29/9, các chuyên gia Luật Biển quốc tế nhấn mạnh, vụ việc ở Hoàng Sa vừa qua đã vi phạm luật pháp quốc tế, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình Biển Đông vốn được các nước trong khu vực nỗ lực giải quyết bằng biện pháp hoà bình.
GS.TS, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, Ủy viên Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên hợp quốc, nhấn manh với báo Pháp luật TPHCM rằng, việc tàu Trung Quốc trấn áp, đánh bị thương, tịch thu tài sản của ngư dân Việt Nam thuộc tàu cá QNg 95739 TS (tỉnh Quảng Ngãi) trong khi đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ngày 29/9 đã cùng lúc vi phạm nhiều quy tắc ứng xử, quy định của pháp luật quốc tế.
Cụ thể, thứ nhất, Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Nhà nước Việt Nam đã thực hiện chiếm hữu thực sự hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với các quy định của Luật Quốc tế, ít nhất từ thế kỷ 17.
Sau khi về bờ, nhiều ngư dân được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi điều trị với thương tích đầy người. Ảnh: Viên Nguyễn
Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế không công nhận việc thụ đắc chủ quyền bằng vũ lực. Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc nêu rõ:
“Tất cả quốc gia thành viên Liên hợp quốc từ bỏ đe dọa bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ… của bất kỳ quốc gia nào”.
Như vậy, việc Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hơn 50 năm trước không làm mất đi các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam. Việt Nam luôn tuyên bố khẳng định chủ quyền và các lợi ích chính đáng của mình trên các lãnh thổ bị chiếm đoạt bởi vũ lực, đồng thời kêu gọi giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình.
Thứ hai, Trung Quốc đã vi phạm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Theo Điều 301 của UNCLOS, “trong việc thực hiện các quyền và làm tròn nghĩa vụ của mình theo đúng Công ước, các quốc gia thành viên tránh dựa vào việc đe dọa hay sử dụng vũ lực để xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ hay độc lập chính trị của mọi quốc gia”.
Ngoài ra, Điều 73 của UNCLOS cũng hàm ý không được sử dụng các hành vi hình phạt thân thể với các ngư dân, thủy thủ trên các tàu cá, tàu vận tải. Việc các tàu Trung Quốc tấn công dã man ngư dân Việt Nam đang đánh bắt cá bình thường trong vùng biển Việt Nam không chỉ vi phạm Công ước Luật Biển, pháp luật Việt Nam, mà còn xâm phạm quyền con người được pháp luật quốc tế bảo hộ.
Thứ ba, cách hành xử thô bạo của các tàu Trung Quốc với các tàu cá của Việt Nam đã đi ngược lại với nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về kiểm soát và quản lý tốt hơn tranh chấp trên biển.
Cụ thể, nhận thức chung này bao gồm việc “hai bên đi sâu trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhấn mạnh cần kiểm soát tốt hơn và tích cực giải quyết bất đồng trên biển, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực”.
Biển Đông
Việt Nam có tuyên bố mới về sự kiện Trung Quốc chiếm Hoàng Sa 1974
Hai nước cùng duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, tích cực tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên cùng chấp nhận được, phù hợp với “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”, luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, không có hành động làm phức tạp tình hình và mở rộng tranh chấp.
Hai nước cũng thống nhất tiếp tục thực hiện toàn diện, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), trên cơ sở hiệp thương thống nhất sớm đạt được Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS… Vì vậy, hai nước cần sớm có các biện pháp cần thiết để ngăn chặn những vụ việc tương tự xảy ra, không sử dụng bạo lực với các tàu cá, tuân thủ đúng luật pháp quốc tế và các cam kết như những gì mà người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đã tuyên bố hôm 2-10.

Chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc

PGS.TS. Vũ Thanh Ca, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho rằng, hành động vừa qua của Trung Quốc ở Hoàng Sa là một trong những bước đi của nước này nhằm tiếp tục triển khai thực hiện chiến thuật “vùng xám”.
Theo ông, hành vi thô bạo này đã vi phạm những quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, DOC, đặc biệt là “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc” mới được nhắc đến gần đây.
“Cần nhớ rằng vào tháng 1/2021, Trung Quốc đã thông qua Luật Hải cảnh, có hiệu lực từ ngày 1/2/2021 với rất nhiều quy định vi phạm luật pháp quốc tế để làm cơ sở pháp lý thực thi chiến thuật ‘vùng xám’”, - PGS. Vũ Thanh Ca lưu ý.
Vụ việc lần này diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước đang có những tiến triển rất tốt đẹp nên đây có thể là một phép thử của Trung Quốc. Theo ông, do yếu lý trong luận giải về vùng nước thuộc cái mà Trung Quốc đơn phương gọi là “Tứ Sa” cũng như những “quyền lịch sử” trong phạm vi “đường lưỡi bò” phi pháp ở Biển Đông được xác lập theo “Tứ Sa”, nước này phải dùng sức mạnh để thực hiện những động thái bắt nạt, cưỡng ép, gây căng thẳng cho các quốc gia khác xung quanh Biển Đông nhằm độc chiếm Biển Đông.
Vẫn chưa tìm được 13 ngư dân mất tích trong vụ chìm tàu ở Trường Sa

“Trước tình hình đó, tôi cho rằng Việt Nam đã tuân thủ tốt luật pháp quốc tế và với những bằng chứng lịch sử, pháp lý về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng như vùng biển tuyên bố theo UNCLOS 1982, lẽ phải thuộc về Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục duy trì việc đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982”, - ông Ca nói.

Chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần tăng cường tuyên truyền để các quốc gia và các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Liên hợp quốc, hiểu rõ những vi phạm của Trung Quốc và những hành động đúng mực của Việt Nam.
Tại Biển Đông, ASEAN có vai trò quan trọng, do đó Việt Nam cùng các nước ASEAN cần đoàn kết theo tinh thần đồng thuận ASEAN, thực hiện nghiêm các quy định của luật pháp quốc tế, kết hợp đấu tranh chính trị, ngoại giao và pháp lý để tạo sức mạnh mềm bằng sự ủng hộ không chỉ trong khu vực ASEAN mà trên toàn thế giới, nhằm khắc chế sức mạnh cứng mà Trung Quốc đang sử dụng.

Trung Quốc leo thang căng thẳng với nhiều nước trên Biển Đông

Ông Hoàng Việt, chuyên gia Luật Biển quốc tế tại Trường Đại học Luật TP.HCM, cho rằng trước khi tàu Trung Quốc tấn công tàu cá Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa vào cuối tháng 9 thì từ năm ngoái, giữa Philippines và Trung Quốc cũng đã leo thang căng thẳng ở bãi cạn Scarborough và một số thực thể khác ở Biển Đông.
Chẳng hạn, Manila cáo buộc hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu chở hàng tiếp tế cho quân đội Philippines vào tháng 11 năm ngoái. Đầu tháng 8, lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines lại cáo buộc tàu hải cảnh Trung Quốc dùng vòi rồng bắn vào các tàu tiếp tế của Philippines ở Biển Đông.
Sang năm nay, Philippines cáo buộc hải quân và hải cảnh Trung Quốc chiếu tia laser cấp độ quân sự vào cả tàu dân sự, tàu cảnh sát biển Philippines…
Biển Đông
BNG Việt Nam: Hành vi đặt trạm nhận dạng tàu thuyền ở quần đảo Hoàng Sa là xâm phạm chủ quyền
Đặc biệt, không chỉ gây hấn, dùng bạo lực với tàu cá Việt Nam, Philippines, khu vực Biển Đông cũng đã chứng kiến những leo thang căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước khác như Indonesia, Malaysia…
Năm 2002, các quốc gia ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Đồng thời, ASEAN và Trung Quốc đang đàm phán để xây dựng Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC), vốn đã bị trì hoãn và kéo dài nhiều năm qua.
“Một trong những lý do cho sự trì hoãn này chính là việc thiếu kiềm chế, sử dụng các biện pháp mang tính vũ lực như đe dọa, bắt nạt, quấy rối, thậm chí là tấn công tàu cá của các nước như Trung Quốc đã làm với các ngư dân Quảng Ngãi vừa rồi”, - chuyên gia Hoàng Việt nhấn mạnh.
Theo đó, Biển Đông là vùng biển giàu tiềm năng, không chỉ có tài nguyên dầu mỏ, khí đốt, các loại hải sản phong phú, mà quan trọng đây còn là vùng biển nhộn nhịp tàu thuyền khắp nơi trên thế giới qua lại, vận chuyển hàng hóa. Biển Đông cũng là nơi tập trung nhiều tuyến cáp ngầm, các hoạt động nghiên cứu khoa học…
Biển Đông
Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa
Chính vì vậy, nếu bất kỳ nước nào, bao gồm cả Trung Quốc, vẫn đơn phương sử dụng bạo lực thì tình hình an ninh khu vực này sẽ vẫn tiếp tục căng thẳng, nỗi lo không chỉ của người dân, doanh nghiệp của các nước ven biển mà của các quốc gia khác cũng sẽ tăng lên. Kết quả, không nước nào được lợi, mà tiềm năng của Biển Đông cũng khó có thể được khai thác tốt nhất.
“Chính vì vậy, tôi cho rằng các quốc gia, nhất là Trung Quốc, phải từ bỏ các động thái thô bạo, hung hăng như việc tấn công tàu cá của các nước như vừa qua; tuân thủ tuyệt đối các quy định của UNCLOS trong giải quyết tranh chấp; tăng cường các hoạt động đối thoại, hiểu biết lẫn nhau để không để các vụ việc sử dụng bạo lực tái diễn”, - chuyên gia kết luận.
Thảo luận