Trước đó tính đến 26/8, Ngân hàng Nhà nước cho biết tốc độ tăng tín dụng đạt khoảng 6,63%. Như vậy trong vòng một tháng trở lại đây, dư nợ tín dụng tăng thêm 1,9%, tương đương có thêm gần 260.000 tỷ đồng bơm ra nền kinh tế.
Trong bối cảnh dư nợ tín dụng tăng nhanh hơn cùng kỳ, huy động tiền gửi của các tổ chức tín dụng lại tăng thấp hơn.
Tính đến ngày 27/9, huy động vốn từ dân cư và tổ chức của các nhà băng mới tăng gần 4,8% trong khi cùng thời điểm năm ngoái đạt hơn 6,6%.
Các ngân hàng có xu hướng tăng phát hành trái phiếu với lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm. Tính thêm giấy tờ có giá được phát hành, tổng phương tiện thanh toán của nền kinh tế tăng 5,1%, xấp xỉ với mức 5,4% của cùng kỳ năm ngoái.
Con số tăng trưởng tín dụng cải thiện so với cùng kỳ 2023, song lãnh đạo các nhà băng nhận định nhu cầu đi vay của doanh nghiệp vẫn thấp. Nhiều doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất, thận trọng, chưa mạnh dạn sử dụng vốn vay.
Lĩnh vực bất động sản đóng góp lớn vào tăng trưởng tín dụng hàng năm, vẫn chưa hết khó khăn. Các công ty, dự án bất động sản đối diện nhiều thách thức khi pháp lý chưa hoàn thiện, năng lực tài chính suy giảm nghiêm trọng. Thu nhập của người mua bất động sản giảm, trong khi nguồn cung phục vụ nhu cầu để ở với giá hợp lý chưa đáp ứng.
Giai đoạn đầu năm nay, theo Ngân hàng nhà nước, mức tăng trưởng tín dụng của các nhà băng không đồng đều, có đơn vị tăng thấp, thậm chí tăng trưởng âm trong khi một số tổ chức tín dụng tăng sát chỉ tiêu được giao. Cơ quan quản lý vào cuối tháng 8 đã cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho ngân hàng đạt 80% chỉ tiêu tín dụng được giao từ đầu năm.
Năm nay, tín dụng toàn ngành định hướng tăng trưởng 14-15%. Dựa trên diễn biến thực tế, nhà điều hành cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và chủ động điều chỉnh hạn mức cho từng nhà băng, mà không yêu cầu họ phải gửi đề nghị cấp thêm.
Đây là điểm khác biệt trong cách điều hành tín dụng của Ngân hàng Nhà nước so với mọi năm, vốn thường chia nhiều đợt và yêu cầu các nhà băng gửi đề nghị.
Về diễn biến lãi suất, trong báo cáo mới nhất, Ngân hàng Nhà nước cho biết tính đến cuối tháng 8, lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của ngân hàng thương mại trong nước ở mức 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng.
Các khoản tiền gửi kỳ hạn 1-6 tháng có lãi suất phổ biến 2,6-3,6%/năm; tiền gửi kỳ hạn 6-12 tháng lãi suất bình quân 4,4-4,9%/năm; tiền gửi kỳ hạn trên 12 tháng đến 24 tháng có lãi suất 5,3-6,1%/năm; và 6,9-7,4%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng.
Lãi suất tiền gửi USD của tổ chức tín dụng ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức.
Ở chiều ngược lại, lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 6,8-9,2%/năm.
Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,7%/năm thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (4%/năm).
Lãi suất cho vay USD bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 4,1-5%/năm đối với ngắn hạn; 6,3-7,3%/năm đối với trung và dài hạn.