Câu nói khiến Bộ trưởng Lê Minh Hoan từng bị “ném đá”

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan một lần nữa khẳng định, “nông dân phải đi học”, cho biết cũng vì câu nói này mà ông từng bị ‘ném đá’ một thời gian.
Sputnik
Vị tư lệnh ngành nông nghiệp chân thành lắng nghe ý kiến của bà con nông dân. Ông không ngại chia sẻ số điện thoại, đề nghị bà con cứ mạnh dạn nhắn tin khi có khó khăn, động viên người nông dân vượt qua khó khăn, vì “cánh cửa này đóng lại sẽ có cánh cửa khác mở ra”.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan lắng nghe bà con nông dân

Sáng 14/10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan và Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã đồng chủ trì Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ 9 với chủ đề: Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lắng nghe nông dân nói".
Diễn đàn có sự tham gia của 63 nông dân xuất sắc toàn quốc, cùng đại diện các doanh nghiệp, chuyên gia trong ngành nông nghiệp.
Tại diễn đàn, ông Lê Anh Sơn, Giám đốc Hợp tác xã Bình Minh (thôn Tân Sơn, xã Ea Pô, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) cho biết đơn vị đang liên kết với 825 hộ nông dân trồng hồ tiêu theo tiêu chuẩn quốc tế.
Ông Sơn phản ánh, gần 7 năm hoạt động trong ngành hồ tiêu và cà phê, thách thức lớn nhất là người nông dân phải tìm cách tối ưu hóa lợi nhuận. Theo ông, khó khăn đặt ra là người nông dân vẫn thiếu kiến thức về thị trường, chưa có điều kiện để bảo quản nông sản đúng cách.
Lời tâm huyết của Bộ trưởng Lê Minh Hoan
Ông Sơn đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiến nghị Chính phủ và chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng các kho bãi đạt chuẩn, giúp người nông dân bảo quản cà phê, hồ tiêu, giúp ổn định giá và năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Trả lời ông Sơn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan tỏ ra hứng khởi với đề xuất này. Theo ông, Tây nguyên và các vùng nguyên liệu khác, nhiều đơn vị tự chủ động xây dựng kho để lưu trữ, bảo quản nông sản. Các cơ quan chức năng chủ động, đơn giản hóa các thủ tục, không nên cái gì cũng trông chờ vào Nhà nước hay các doanh nghiệp. Doanh nghiệp đến xây kho là để nông dân bán nông sản lại cho họ, chứ không phải chỉ đơn thuần là phục vụ nhu cầu của bà con.
"Tôi đề nghị anh Sơn lập giúp tôi một bản kế hoạch về việc xây dựng kho bãi ở địa phương thế nào. Tôi đề nghị với khuyến nông, huy động thêm doanh nghiệp hỗ trợ. Nhiệm vụ của anh là cùng khuyến nông tiếp xúc với bà con xây dựng cái kho đó, xây dựng quy chế vận hành kho, quy định sử dụng như thế nào cho thật cụ thể, rõ ràng", - ông Hoan nói.

Bà con cứ nhắn tin cho Bộ trưởng

Về phần mình, bà Nguyễn Thị Thành Thực (ở Bắc Giang) cho rằng, thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam so với thị trường thế giới nằm ở chế biến thực phẩm. Trong khi đó, nông sản do nông dân Việt Nam làm ra nhanh hỏng, thối là rất lãng phí, tốn kém, nếu áp dụng được công nghệ sấy thăng hoa sẽ vô cùng hữu ích.
"Tôi có mong muốn các bộ, ngành hợp tác với nhau có diễn đàn online hàng tháng để nhiều nông dân có thể gửi các thắc mắc, mong muốn của mình?", - bà Thực đề xuất tại diễn đàn.
Về vấn đề này, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết, việc tổ chức thêm diễn đàn là điều rất tốt, để lắng nghe, tiếp nhận và giải quyết kịp thời những khó khăn của nông dân.
Chuẩn bị kỹ công tác nhân sự cho Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
"Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đang nghiên cứu để có thể tổ chức thêm các diễn đàn thúc đẩy liên kết doanh nghiệp và nông dân", - ông Đoàn chia sẻ.
Đặc biệt, tại diễn đàn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị người nông dân nếu có khó khăn, bất cứ khi nào có thể hãy nhắn tin cho ông.
"Trong phần tài liệu sáng nay tôi gửi cho các bác nông dân đã có cài theo danh thiếp, nếu phần trả lời chưa đầy đủ thì xin bà con cứ nhắn tin gọi điện cho tôi để được giải đáp thêm và cũng mong bà con mạnh dạn, thường xuyên làm điều đó", - ông Hoan nói.
Trao quyết định bổ nhiệm 16 Đại sứ Việt Nam tại các nước
“Nhiều khi tin nhắn của bà con chúng tôi nhận được, đảm bảo 5 phút sau lãnh đạo tỉnh đã nhận được. Tôi sẽ chuyển ngay tin tức của bà con đến lãnh đạo địa phương. Những người nông dân ở đây là những người bạn, là người đồng hành cùng chúng tôi”, - ông Hoan chia sẻ.

“Nông dân phải đi học”

Về thiệt hại do bão số 3, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết trong tuần tới, Bộ sẽ tiếp tục có cuộc họp với đại diện Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng để bàn bạc làm sao "đồng vốn" sớm đến tay bà con.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng gợi mở nông dân thay đổi tư duy sản xuất sau bão số 3. Ông kể đã đi thăm vùng lòng hồ ở huyện Yên Bình (Yên Bái), xung quanh rất đẹp. Bà con sống trong hồ Thác Bà sớm có sinh kế bền vững hơn, ngoài nuôi trồng thủy sản, trồng rừng, có thể kết hợp du lịch trên lòng hồ.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, thông điệp mà ông muốn truyền tải qua diễn đàn hôm nay là người nông dân phải thay đổi. Các đại biểu dự diễn đàn hôm nay hãy nghĩ nhiều hơn về người nông dân.
Khai giảng lớp bồi dưỡng quy hoạch Ủy viên Trung ương Đảng
Trong Nghị quyết 19/NQ đã nêu đậm 3 chữ nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nông dân có quyền tự hào và sau đó cũng phải có đề nghị để các bộ, ngành có sự hỗ trợ tốt hơn.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan một lần nữa nhấn mạnh thông điệp mà ông từng nhiều lần đề cập, đó là phải tri thức hóa người nông dân, giúp họ bớt mong manh.
"Nông dân phải đi học, vì câu này mà tôi bị ‘ném đá’ một thời gian, nhưng giờ thì mọi người đều hiểu tri thức hóa chính là sự hiểu biết. Mỗi bữa biết một chút, vài lần thì sẽ tăng sự hiểu biết, giá trị nông sản sẽ bền vững hơn. Tôi và Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam sẽ đứng sau nông dân, giúp bà con thích ứng với sự thay đổi, thích ứng với thị trường. Cánh cửa này đóng thì sẽ có cánh cửa khác mở ra, làm sao thông tin đến với bà con nhanh nhất, cập nhật đầy đủ nhất", - vị tư lệnh ngành nông nghiệp bày tỏ.
Thảo luận