Những trang sử vàng

Lãnh đạo đảng CS Liên Xô tiếc và trách gì trong thư riêng gửi Tổng Bí thư đảng Lao động Việt Nam?

Trong chuyên mục “Những trang sử vàng” Sputnik tiếp tục cung cấp thông tin về chủ đề công tác của các chuyên gia quân sự Liên Xô đã sang hỗ trợ Hà Nội trong cuộc chiến đấu của quân dân Việt Nam DCCH chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Sputnik
Trong cuộc đàm đạo kỳ trước, chúng tôi bắt đầu câu chuyện về những phức tạp rắc rối trong công tác của các chuyên gia Liên Xô tại Việt Nam trong những năm chiến tranh. Cụ thể, phía Việt Nam đã từ chối tổ chức cuộc gặp giữa chuyên gia Liên Xô và phi công Mỹ bị bắt để nhận thông tin có thể giúp bảo vệ bầu trời Việt Nam hiệu quả hơn.
Trong những năm tháng ấy, các chiến sĩ Việt Nam và Liên Xô đã sát cánh cùng nhau chiến đấu trên đất Việt Nam, cùng đổ máu và giành thắng lợi, luôn kịp thời giúp đỡ nhau vào những thời điểm then chốt gian nan nhất. Thế nhưng phía Việt Nam đã gắt gao hạn chế, không để các chuyên gia quân sự Xô-viết tiếp cận những máy bay Mỹ bị bắn rơi. Điều này càng kỳ quặc hơn bởi lẽ ra thông tin về bí mật kỹ thuật quân sự của Hoa Kỳ, về các thiết bị trên máy bay Mỹ có thể giúp ích đáng kể cho các chuyên gia Liên Xô nhanh chóng hoàn thiện hệ thống tên lửa phòng không và tăng hiệu suất hỏa lực chống lại kẻ thù chung.
Những trang sử vàng
Chuyên gia quân sự Liên Xô ở Việt Nam DCCH: những điều kỳ lạ của tình anh em chiến đấu
Thiếu tướng Alexandr Stuchilov, cựu trưởng nhóm chuyên gia phòng không cấp cao của Liên Xô giai đoạn 1968-1969 đã nhớ lại chuyến công tác cùng Đại tá Lê Văn Chí chỉ huy Phòng không-Không quân Việt Nam tới Hải Phòng để phân tích hoạt động của tổ hợp tên lửa phòng không. Họ được cho xem hai chiếc camera từ một chiếc máy bay Mỹ bị bắn hạ vào ban đêm, trong đó một chiếc hoàn toàn nguyên vẹn. Tướng Stuchilov đề nghị người đồng chí Việt Nam Lê Văn Chí tặng ông chiếc camera này làm kỷ niệm, ghi nhớ thời gian ở Hải Phòng. Yêu cầu được đáp ứng và vị tướng Liên Xô gửi chiếc máy ảnh về Matxcơva, nhờ đó ông nhận được lời cảm ơn từ Tổng cục Tình báo Chính của Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Liên Xô.
Tuy nhiên, đây là một ngoại lệ vượt ngoài quy tắc. Còn thông thường những gì phía Việt Nam chuyển giao cho các chuyên gia quân sự Liên Xô đều không còn phù hợp cho công việc nghiên cứu tiếp theo. Chẳng hạn như một tên lửa hàng không của Mỹ do Hà Nội tặng Chính phủ Liên Xô nhân kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười. Hoặc mảnh vỡ của chiếc máy bay được tặng cho Bảo tàng Nhà Sĩ quan của Quân khu Phòng không Matxcơva. Cũng là Tướng Stuchilov kể lại chuyện Thiếu tá Lê Sơn, Chính ủy trung đoàn tên lửa phòng không đóng gần Hải Phòng đã gửi một thân máy bay không người lái của Mỹ đến Đại sứ quán Liên Xô ở Hà Nội. Khi kiểm tra, hoá ra bên trong thân máy bay trống trơn chẳng hề có thiết bị; các chuyên gia Liên Xô không tìm thấy điều gì thú vị. Thế là họ mở cổng hàng rào Đại sứ quán, và chỉ trong vòng một giờ, cư dân các con phố xung quanh đổ đến, nhanh tay tháo dỡ những mảnh thân máy bay mang về chế tác đồ lưu niệm - những chiếc nhẫn và chiếc lược bằng đuy-ra từ đó vẫn còn được lưu giữ khá nhiều trong gia đình những người Nga từng phục vụ tại Việt Nam DCCH trong thời gian chiến tranh.
Những trang sử vàng
Ký ức sống mãi về những năm phục vụ ở Việt Nam
Tình hình trở nên bất thường đến mức đích thân Tổng Bí thư BCH TƯ đảng Cộng sản Liên Xô đã phải can thiệp. Đại tá Viktor Konanov, lúc đó là trưởng nhóm chuyên gia quân sự cấp cao của Liên Xô phụ trách sửa chữa thiết bị cho hệ thống tên lửa phòng không, có trong tay một bản sao bức thư riêng của ông Leonid Brezhnev gửi ông Lê Duẩn. Vị lãnh đạo Liên Xô viết với ý trách móc, rằng thật đáng tiếc, các nhà quân sự Việt Nam không thường xuyên cung cấp cho chuyên gia Liên Xô - hoặc cung cấp nhưng lại không đầy đủ - những vật liệu thu được từ máy bay Mỹ, do vậy không tạo điều kiện để phía Liên Xô có biện pháp kịp thời gia tăng hiệu quả của các tổ hợp tên lửa phòng không.
Rõ ràng là lá thư này đã đóng vai trò nào đó. Trong năm tiếp theo, hơn 800 loại thiết bị và vũ khí quân sự khác nhau của Mỹ đã được gửi từ Hà Nội sang Matxcơva: đó là mẫu đạn dược, các bộ phận máy bay, tên lửa, thiết bị trinh sát điện tử và ảnh chụp.
Thảo luận