Lo ngại lớn nhất khi hàng Việt xuất khẩu sang Mỹ là nguy cơ bị điều tra và áp thuế phòng vệ thương mại.
Kim ngạch thương mại Việt-Mỹ vượt 100 tỷ USD
Năm nay sẽ là năm thứ 4 liên tiếp thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ vượt mốc 100 tỷ USD.
Hoa Kỳ tiếp tục duy trì là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Dữ liệu mới cập nhật của Bộ Công Thương cho thấy, 9 tháng đầu năm 2024, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 89,4 tỷ USD, chiếm 29,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 27,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 17,6%).
Sau 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Hoa Kỳ đã chính thức vượt ngưỡng 100 tỷ USD với con số đạt 100,3 tỷ USD.
Hết tháng 9 có 13 nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 3 nhóm hàng đạt hơn 10 tỷ USD.
Lớn nhất là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 17,32 tỷ USD; tiếp theo là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng với 15,5 tỷ USD; dệt may đứng thứ 3 với hơn 12 tỷ USD.
Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ đạt mốc 100 tỷ USD lần đầu vào năm 2021 (đạt 111,55 tỷ USD).
Trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 96,27 tỷ USD và nhập khẩu đạt 15,28 tỷ USD.
Sang năm 2022, dù đối mặt nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ vẫn tăng mạnh với quy mô kim ngạch đạt gần 124 tỷ USD. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt gần 111 tỷ USD.
Bộ Công Thương nhìn nhận, thị trường Mỹ đang có những động thái kích cầu tiêu dùng trở lại, mở rộng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp. Nhờ đó đã giúp nhu cầu tiêu dùng đồ gỗ, thủy sản, dệt may…mà Việt Nam vốn có thế mạnh đang tăng lên.
Ở chiều ngược lại - nhập khẩu hàng hoá, Mỹ cũng là một trong những thị trường nhập khẩu hàng hoá lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 10,9 tỷ USD sau 9 tháng, tăng 6,2%.
Nhóm hàng nhập khẩu tỷ đô duy nhất là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 3,2 tỷ USD.
Hàng hóa Việt Nam ngày càng được ưa chuộng tại Hoa Kỳ
Đánh giá về đà tăng trưởng, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho rằng, có nhiều lý do để thương mại hai nước tăng trưởng liên tục trong thời gian qua, ngay cả trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động.
Trước hết là quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển. Năm 2013, hai nước xác lập quan hệ Đối tác toàn diện, đến năm 2023, hai nước chính thức nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
“Hàng hóa của Việt Nam ngày càng được ưa chuộng tại thị trường Hoa Kỳ do chất lượng liên tục được cải thiện, cập nhật xu hướng cũng như có giá cả cạnh tranh”, Thương vụ nêu.
Ngoài ra, sự thay đổi trong chuỗi cung ứng cũng như làn sóng dịch chuyển đầu tư đã góp phần tăng cường năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam.
Điều này tạo cơ hội và dư địa cho hàng hóa của Việt Nam gia tăng xuất khẩu ra thế giới nói chung và thị trường Hoa Kỳ nói riêng.
Lo phòng vệ thương mại
Thời gian tới, dự báo xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng khi nhu cầu thị trường tăng lên, hàng tồn kho giảm.
Tuy nhiên, lo ngại lớn nhất khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ là việc nước này gia tăng áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với hàng nhập khẩu.
Để hạn chế rủi ro bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ, Bộ Công Thương đề nghị doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường tìm hiểu pháp luật về các quy định về phòng vệ thương mại, tạo được các giá trị gia tăng trên sản phẩm xuất khẩu, doanh nghiệp cần lưu trữ số liệu xuất khẩu để hợp tác với cơ quan điều tra khi xảy ra vụ việc.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, chỉ tính đến hết tháng 8/2024, đã có 257 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường và vùng lãnh thổ điều tra đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Trong đó, các vụ điều tra chống bán phá giá là 141 vụ việc; các vụ việc tự vệ là 52 vụ việc; chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại là 37 vụ việc và chống trợ cấp là 27 vụ việc.
Bộ Công Thương lưu ý, trước mặt, cần tập trung vào ngăn chặn hiện tượng Việt Nam bị lợi dụng làm điểm trung chuyển để xuất khẩu hàng hóa sang nước thứ ba, đặc biệt tránh bị rơi vào hệ lụy của xung đột thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc, bảo vệ uy tín hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, hướng tới xuất khẩu bền vững.
Đồng thời, giảm thiểu tình trạng các doanh nghiệp đầu tư không thực chất, chỉ thực hiện các giai đoạn gia công đơn giản, không mang lại giá trị gia tăng đáng kể cho Việt Nam.
Đồng thời, tiếp tục quá trình đổi mới toàn diện, đẩy mạnh chủ động hội nhập quốc tế và bảo đảm thực thi có hiệu quả cam kết của các FTA mà Việt Nam đang và sẽ tham gia.
Cạnh đó, Việt Nam cũng cần đa dạng hóa thị trường, chủ động nhận diện, thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp đủ năng lực vượt qua các hàng rào kỹ thuật từ các đối tác xuất khẩu; cũng như nhận thức đúng đắn và coi trọng xây dựng hàng rào kỹ thuật bảo vệ thị trường và lợi ích quốc gia, cộng đồng doanh nghiệp nội địa.
Cùng với tăng cường năng lực đối phó với những vụ kiện phòng vệ thương mại, cần linh hoạt sử dụng các biện pháp tự vệ, chống bán phá giá và chống bán trợ giá, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà sản xuất trong nước, phổ biến rộng rãi cho doanh nghiệp biết và vận dụng.